Nhà thơ Lê Bá Dương: Bạn còn đầu suối cuối đồi…

06/08/2014 18:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từng chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị trong những tháng năm bom đạn ác liệt, mỗi dịp đến Ngày Thương binh Liệt sĩ ông lại trở về dòng sông nơi đây để thả hoa tưởng nhớ đồng đội. Như thế đã gần 40 năm…

* Bài thơ Lời người bên sông của ông gần như trở thành thơ truyền khẩu trong dân gian khi nhắc nhớ về những liệt sĩ đã ngã xuống ở Thành cổ Quảng Trị. Vì trở thành thơ dân gian nên có rất nhiều dị bản, kiểm tra trên Google sẽ thấy rõ điều này. Vậy đâu là bản chính thức “made in Lê Bá Dương”?

- Cũng chẳng riêng gì Lời người bên sông có quá nhiều dị bản… mà hầu như bài thơ nào của tôi viết ra cũng cứ bị “dị” một đôi từ… Phần do người nghe, thậm chí có người ghi âm hẳn hoi mà khi chép ra... cứ ngờ ngợ rồi chép khác cái từ tôi dùng. Hoặc như trong bài Lời người bên sông tôi viết câu thứ ba: “Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” là vì trước đó là câu: “Có tuổi hai mươi thành sóng nước”, thì dòng sông không còn là dòng sông hiện hữu với bờ bãi cụ thể nữa, mà là dòng chảy tâm linh. Cũng như khi dùng cụm từ… “mãi mãi ngàn năm” là chủ ý biến cái hữu hạn (ngàn năm) thành cái vô hạn (mãi mãi)… Nguyên bản bài thơ: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

* Ông thấy thế nào khi thơ của mình được “dân gian hóa” như vậy?

- Thơ tôi, là tiếng lòng, và cũng là sự giải tỏa những cảm xúc của chính mình. Nên khi nó được “dân gian hóa”… nghĩa là tiếng lòng mình đã được hòa vào lòng mọi người… Đây cũng là cách, là nơi lưu giữ tốt nhất cho tiếng lòng mình trong nhân gian.  

* Tôi tự hỏi nhiều lần không biết bài thơ này ra đời có gì đặc biệt để có thần, có hồn, có tình... làm cho người đọc ám ảnh mãi?

- Bài này được “viết” vào chiều 27/7/1987. Hôm đó, sau lễ hương hoa cho đồng bào, đồng đội, tôi, một mình ngồi lặng lẽ bên bờ Thạch Hãn, chợt thấy từng chiếc thuyền của cô bác ngược dòng lên chợ Quảng Trị. Nhìn những mái chèo hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng khi nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác ở đáy sông mà xót xa. Cứ vậy từng lời như từ trong ngực tôi mà thốt ra thành câu, thành chữ như vậy thành bài thơ - đúng hơn là lời nhắn gửi, thỉnh cầu của một người lính với mọi người trong cả dòng đời xuôi ngược.

Thực tình, tôi không biết chắc rằng thơ tôi cứ “ám ảnh” mọi người không, nhưng nếu có, có thể từ cái lối “viết” để trải lòng mình, nên tôi chỉ “viết” trong một ngữ cảnh cụ thể. Hơn nữa, có lẽ vì tôi viết rất ngắn, thậm chí nhiều “bài” thơ của tôi chỉ vỏn vẹn vài câu với những từ phổ nghĩa… nên dễ thuộc, dù chỉ nghe qua. Ví như “bài” thơ tôi mới “viết“ trong dịp tháng 7 này: “Bạn còn đầu suối cuối đồi/Tôi còn khản tiếng đò ơi… ơi đò”.

* Nếu muốn “làm thêm” được một tác phẩm như thế nữa liệu ông có làm được không hay đây là tác phẩm tâm huyết duy nhất của một người lính Thành cổ Quảng Trị viết về đồng đội mình?

- Tôi không là nhà thơ  chuyên nghiệp như cách nói của các nhà thơ, nên chắc chắn tôi không thể “sản xuất thêm” những  “tác phẩm” thơ, mà chỉ viết như là rứt ra từ mạch cảm xúc trong một ngữ cảnh cụ thể rất nhiều “bài”, dẫu bài chỉ đôi ba câu rứt lòng… để khi đọc, chính mình cũng  nước mắt nghẹn ngào như bài Viết trong Nghĩa trang Đường 9: “Bạn còn nằm lại không về/Nghẹn lòng tôi giữa bốn bề khói hương”.  


Hàng năm, vào dịp 27/7, nhà thơ Lê Bá Dương lại cùng đồng đội thả hoa trên sông Thạch Hãn

* Hàng năm vào dịp 27/7 ông đều về dòng Thạch Hãn thả hoa tưởng nhớ đồng đội. Từ hành động này của ông đã trở thành hành động chung của nhiều người. Và dường như không chỉ có thế…

- Tôi bắt đầu trở về và thả nhành hoa đầu tiên vào các dòng sông Quảng Trị, trong đó có dòng Thạch Hãn từ năm 1976. Liên tục gần 40 năm, mỗi năm mấy lượt lặng lẽ về hương hoa cho anh em đồng đội… Cho đến bây giờ, nó đã trở thành tập quán văn hóa  tâm linh lại được đồng bào, đồng đội Quảng Trị nâng lên thành lễ hội, chắc chắn nó sẽ được truyền nối qua các thế hệ mai sau. Với tâm nguyện “không đưa được các đồng đội đã hy sinh về quê hương, thì đưa quê hương vào cho đồng đội”, trong các năm 2009, 2010, 2012 với sự đồng thuận và trợ giúp của các cấp lãnh đạo, trực tiếp là tỉnh Quảng Trị, tôi đã đứng ra vận động tài chính, khâu nối và tự mình tổ chức điều hành ba cuộc hành hương “đưa quê hương vào cho đồng đội”. Cuộc hành hương thứ nhất (4/2009) có 253 đồng đội và 21 thân nhân liệt sĩ tham gia. Cuộc thứ hai với 443 đồng đội, có 43 thân nhân liệt sĩ tham gia, Và cuộc hành hương thứ ba tháng 4/2012 có mặt 684 đồng đội cùng 49 thân nhân liệt sĩ. Rất tiếc, năm nay đã lên kế hoạch, nhưng thể theo nguyện vọng của các đồng đội lớn tuổi muốn dành cuộc hành hương vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày toàn thắng, nên tôi quyết định lùi sang năm 2015. Tuy nhiên tôi vẫn sẽ có một tháng Bảy hàng năm tự mình về Quảng Trị hương hoa cho đồng bào, đồng  đội đã khuất.

* Tò mò một chút, nhiều người nói, và tôi cũng tự biết ông không hút thuốc, nhưng lúc nào trong túi ông cũng có cái “quẹt gas”?

- Đơn giản, tôi dùng quẹt gas để tiện việc thắp hương cho anh em đồng đội. Không lẽ cái quẹt gas chỉ để hút thuốc?

* Tò mò nữa, nghe nói, đến thắp hương ông cũng kỹ tính, thường sau lễ hương hoa, ông cứ làm một mạch đến rào cuối nghĩa trang từ đó thắp hương vào?

- Cũng chẳng có gì khó hiểu! Nếu bạn chịu khó nhìn, sẽ nhận ra bát nhang những ngôi mộ ở cuối nghĩa trang thường rất ít chân nhang. Ấy là vì thường mọi người vào viếng nghĩa trang, sau khi làm lễ xong, cứ vô tư thắp hương bắt đầu từ đài chính trung tâm thắp ra, khi gần đến cuối nghĩa trang là hết hương… Nên mình vào thắp hương cho anh em, cứ bắt đầu từ những ngôi mộ “vùng sâu, vùng xa” thắp vào, lỡ có hết hương, thì đoàn sau vào người ta sẽ thắp từ trung tâm thắp ra. Chẳng ai mất khói hương cả.

* Trải qua chiến tranh bom đạn, bản thân mang nhiều vết thương trên người, nhưng ông sống luôn lạc quan yêu đời. Xem ra, cựu chiến binh Lê Bá Dương chưa bao giờ phải thẹn lòng khi đứng trước vong linh đồng đội cũ. Xin hỏi bí quyết sống của ông để có niềm lạc quan ấy?

- Với hơn chục vết thương trên cơ thể, khi trái gió, trở trời đau nhức lắm! Chính từ cái đau này, nó nhắc cho tôi nhớ rằng tôi đang sống thay, làm thay những công việc mà nếu sống, các anh em đồng đội sẽ làm như tôi đang làm.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm