Nhớ thời cháo cám làm thơ nuôi mình

24/08/2008 13:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ln theo địa chỉ đến gặp nhà thơ Định Hải, thoạt tiên ngỡ ông ưu ái “tiếp khách” ở khách sạn. Nào ngờ, căn nhà lộng lẫy mà theo một số người hàng xóm của ông đánh giá phải đạt chuẩn “3 sao” này lại chính là nhà riêng của ông.
 
Ấy thế mà mấy ai biết chủ nhân của ngôi nhà này có thời đã phải ăn cháo cám cầm hơi, lang thang tối ngày với bộ tông đơ cắt tóc, làm thơ để tự nuôi sống mình… Nhà thơ Định Hải xúc động khi nhớ lại thuở thiếu thời của mình: “Những năm tháng đó còn in mãi trong tâm trí tôi. Đó chính là quãng thời đầy gian khổ khi tôi vừa phải ăm cám đi học, cắt tóc nuôi thân và làm thơ lấy tiền để mua sách học”…

Ngày tháng gian khổ và cú huých đầu tiên đến với văn chương

Khoảng năm 1955, nhà thơ Định Hải bắt đầu có thơ đăng báo và đoạt một số giải thưởng văn chương. Thế nhưng vì lý lịch nên ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. “Năm tôi học lớp 9 trường Lam Sơn, Thanh Hóa tôi đã có rất nhiều bài thơ đăng báo và đoạt 2 giải thi thơ - ông nhớ lại - Vinh dự là thế nhưng cuộc sống thì khó khăn vô cùng. Tôi nhớ rất rõ, ngày ấy để nuôi sống mình tôi phải lang thang khắp chợ Vườn Hoa, Thanh Hóa hành nghề cắt tóc dạo. Những ngày tháng ấy Thanh Hóa đói lắm. Đói đến mức nhiều người, trong đó có tôi phải ăn cháo cám để sống. Tôi thường lấy thóc của mậu dịch về để xay, giã, sau đó đem giả gạo cho nhà nước, còn lại ít tấm thì ăn. Ăn hết tấm rồi thì ăn đến cám. Đây là món không thể nào nuốt nổi, nó cứ sít trong cổ họng …

Vì những hoàn cảnh riêng, nên Tết năm 1955 tôi không thể về nhà... Tôi ở lại trường và được thầy hiệu trưởng trường Lam Sơn khi đó là thầy Lê Văn Nguôn gọi đến cho ăn bữa cơm Tất niên. Sau đó tôi có làm một bài thơ “Bữa cơm chiều 30 tết” để ghi lại bữa cơm cuối năm không được về nhà. Bài thơ này (để tưởng nhớ thầy Lê Văn Nguôn) được nhiều người khen ngợi vì nó ghi lại được cái tình thực, cảnh thực, trong một hoàn cảnh thực lúc bấy giờ.
 
Chưa bao giờ
Thầy trầm giọng gọi "con"
Như bữa cơm chiều 30 tết
Đứa trò nhỏ xa nhà
Thầy cô từ miền Nam tập kết
Bữa cơm duy nhất trong đời
Chỉ thầy cô và con biết mà thôi...

(Trích “Bữa cơm chiều 30 tết”)

Cũng năm này, vào mùa Thu, tôi nhận được lời mời tham dự Hội nghị văn nghệ khu 4. Ngày ấy, tôi không có tiền nhưng lại rất muốn đi dự Hội nghị nên đã phải vay một cô bạn 5 đồng để mua vé vào Vinh. Đó là chuyến đi xa đầu tiên của tôi khi mới 18 tuổi và cũng là lần đầu tiên tiếp xúc với giới văn nghệ, tiếp xúc với những cây đa, cây đề trong làng văn như là Hoàng Trung Thông, Bùi Hiển, Trần Hữu Thung, Minh Huệ… Lần đầu tiên gặp các nhà văn nhà thơ qua Hội nghị Văn nghệ khu 4 tôi cảm thấy rất vui và thấy đó như là một cú huých, thúc đẩy tôi đến với con đường sáng tác chuyên nghiệp…”.

Năm 1956 nhà thơ Định Hải thi đậu vào Đại học tổng hợp văn. Ông kể tiếp: “Ngày học Tổng hợp văn tôi vẫn phải đi làm thêm để kiếm tiền ăn học. Việc tôi làm nhiều nhất và cũng “hái ra tiền” nhất lúc bấy giờ chính là làm thơ. Với tôi, lúc ấy càng làm thơ nhiều càng tốt và không chỉ làm thơ tôi còn làm ca dao, viết hoạt cảnh thơ. Một bài ca dao được đăng báo nhuận bút là 4 đồng còn thơ thì 8 đồng. Thế nhưng vì nhuận bút rất rẻ như vậy nên cuộc sống cũng chẳng cải thiện được là bao, nghèo vẫn hoàn nghèo. Nghèo đến nỗi quần áo tôi rách, không có tiền mua đành phải vá víu chằng đụp để mặc tiếp. Khổ là thế, thiệt thòi là thế, song, không hiểu sao tôi vẫn rất lạc quan, sống vui vẻ và rất tin mình sẽ thành công trên con đường mình đã chọn

* Viết cho thiếu nhi là hạnh phúc lớn đối với tôi

Năm 1962, sau khi thôi không tham gia giảng dạy tại trường bổ túc văn hóa của Bộ Giáo dục nữa, nhà thơ Định Hải chuyển qua công tác tại NXB Kim Đồng. Đây chính là thời điểm nhà thơ chuyển hẳn sang sáng tác cho thiếu nhi. Ông cho biết: “Sau khi về NXB Kim Đồng tôi chuyên làm thơ cho trẻ con vì tôi thấy có duyên với trẻ con hơn. Nhà thơ Huy Cận có lần nói, làm thơ cho thiếu nhi rất khó, khó gấp đôi so với làm thơ cho người lớn.
 
Vợ chồng nhà thơ Định Hải

Tôi rất thích chơi với trẻ con. Thủa nhỏ, tôi là đứa trẻ rất hiếu động, nghịch ngợm. Học cấp 2, cô giáo ZiZi dạy môn tiếng Pháp phê vào học bạ tôi câu mà tôi rất thích và chắc không thể nào quên: “Nghịch, nhưng ngoan”. Sau này, tôi đem cái học bạ đến cho cô xem lại, cô còn nói thêm. “Trẻ em rất hiếu động. Hiếu động như thế là tốt, một đứa trẻ khỏe mạnh, năng nổ, mạnh bạo mới nghịch được”.

Tôi phát hiện ra ở trẻ con những thú vị, những tứ thơ. Trong khi chúng chơi với nhau, chúng đùa với động vật, khi sinhh hoạt, chơi đùa chơi đùa cùng người thân trong gia đình hay với người khác... tất cả tôi thấy đều có cái gì đó rất gần với tôi, gợi cho tôi những tứ thơ. Và tôi thấy, làm thơ cho các em thú vị lắm. Nó giống như là ta đã, đang đi vào thế giới thần tiên, trong sạch, mơ mộng không tồn tại những hiềm khích, tị nạnh, chỉ có cái đẹp và chỉ biết vươn tới cái đẹp.

Giáo dục các em là giáo giục ngay từ gia đình, từ trong nhà ra ngoài sân, ra ngõ, đến cánh đồng, dòng sông... Đó chính là những cái rất gần gũi với các em, là những tình yêu đầu đời của các em. Thế nên, với tôi, viết cho trẻ em trước hết là cho trẻ em ở quê hương, bắt nguồn từ quê hương. Quê hương mình thì có gì đâu, thậm chí là những điều đau khổ nhưng mình vẫn yêu. Và với tôi, hạnh phúc nhất là được viết về quê hương, đất nước, đặc biệt là những sáng tác ấy lại dành cho lứa tuổi đang còn ngồi trên ghế nhà trường như các em học sinh yêu quý của chúng ta…

Yên Khương

Kỳ sau (31/8) : Nhà thơ Định Hải- tự nguyện xin rút một bài thơ ra khỏi SGK!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm