02/03/2022 19:03 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ nữ Bảo Ngọc tốt nghiệp khóa V, Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1998. 10 năm sau chị mới có tập tản văn Hồn thời gian (NXB Hội Nhà văn) dành cho thiếu nhi.
Cũng dành cho thiếu nhi năm 2019, Bảo Ngọc in ở NXB Kim Đồng tập thơ Gõ cửa nhà trời. 2 bài trong tập thơ này được tuyển vào sách Tiếng Việt 3 bộ Chân trời sáng tạo, sách bắt đầu dùng từ năm học mới 2022 - 2023.
Các tác giả biên soạn giáo khoa nhận xét: “Thơ Bảo Ngọc viết cho thiếu nhi lấp lánh ánh mắt, trong veo giọng cười trẻ nhỏ. Phải yêu mến các em lắm, tâm hồn phải trẻ trung lắm, quan sát phải tinh tế lắm mới thâm nhập được vào thế giới tự nhiên đầy màu sắc, để nghe được âm thanh của gió, của lá, để trò chuyện được cùng xén tóc, bọ ngựa... và để gõ cửa được... nhà trời”.
Những đứa bé khát khao bay lên
Bảo Ngọc “Gõ cửa nhà trời” tìm cho bạn đọc nhí của mình, một góc nhìn khoáng đạt để thấy trong ngôi nhà thiên nhiên có bóng dáng sáng ngời của người mình kính yêu, của mẹ:
“Cả mùa Đông lạnh giá/ Mặt trời trốn đi đâu/ Cây khoác tấm áo nâu/ Áo trời thì xám ngắt// Se sẻ giấu tiếng hát/ Núp sâu trong mái nhà/ Cả chị ong chăm chỉ/ Cũng không đến vườn hoa// Mưa phùn giăng đầy ngõ/ Bảng lảng như sương mờ/ Bếp nhà ai nhóm lửa/ Khói lên trời đung đưa// Màn sương ôm dáng mẹ/ Chợ xa đang về rồi/ Chiếc áo choàng màu đỏ/ Như đốm nắng đang trôi// Mẹ bước chân đến cửa/ Mang theo vạt nắng hồng/ Trong nụ cười của mẹ/ Cả mùa Xuân sáng bừng” (Tiếng Việt 3 - Chân trời sáng tạo, tr.134 tập 1).
Giữa những ngày Đông giá, ông trời có đi trốn thì mẹ vẫn hiện ra, lớn dần, tích tụ từng giọt nắng, thành vạt nắng, để rồi mang từ chính cuộc sống loài người, một mùa Xuân ấm áp tình người. Cùng góp nắng với mẹ là khói bếp bay lên từ những mái ấm gia đình.
Bảo Ngọc “Gõ cửa nhà trời” để mở rộng tầm nhìn, giúp bạn đọc thiếu nhi nhìn thấy xã hội tí hon của loài vật:
“Khu vườn rộng mênh mông/ Sao chỉ toàn nhà nhỏ?// Nhà của chị kiến gió/ Cuộn trong tàu lá khoai/ Ụ đất - anh kiến lửa/ Xây thành lũy đến oai!// Xén tóc thuê cây ổi/ Mở cửa hiệu thời trang/ Bác bọ ngựa luyện kiếm/ Vun vút trên cành xoan// Riêng mấy bạn đom đóm/ Thích làm nhà gần ao/ Đêm giăng đèn mở hội/ Thắp lên ngàn ánh sao// Mặt đất gieo sự sống/ Bầu trời nâng cánh bay/ Mắt tớ nhìn xa tít/ Tớ xây nhà trên mây”. (Tiếng Việt 3 - Chân trời sáng tạo, tr. 82-83 tập 1).
Ở khổ thơ cuối nhân vật trữ tình 2 lần xưng “tớ” như khắc sâu tình bằng hữu với những người bạn tí hon mình vừa tìm hiểu và trân trọng đề rồi “xin” một “suất - nhà - ước - mơ” giữa đất trời cho mình, cho con người, để hòa đồng với thiên nhiên!
Khi đọc Gõ cửa nhà trời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Tôi đọc một mạch qua 3 phần Sương trời trong veo, Đồng dao ngày mới, Kể chuyện đồng quê. Đọc liền mạch 39 bài thơ tưởng mình như “hoàng tử bé” ngao du khắp thế gian, quan sát thế giới khởi tạo vận hành bằng đôi mắt trẻ thơ. Nhưng Bảo Ngọc có khác biệt, Gõ cửa nhà trời vô cùng thuần Việt, đôi mắt trẻ thơ quan sát vạn vật hữu linh, vạn vật có linh hồn đang hòa cùng sự thánh thiện trẻ thơ ở làng quê Việt Nam. Quan trọng hơn hết, tâm hồn thánh thiện đó luôn luôn khát khao được bay lên…”.
Một thi sĩ chân quê thời @
Trong tập sách mới nhất, tập thơ - truyện Lớp học Thung Mây in ở NXB Hội Nhà văn 2021 Bảo Ngọc bộc bạch:
“Tôi nghĩ mình thật sự may mắn được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên từ đồng quê! Tôi là đứa trẻ của cỏ dại, của nắng gió và mây trời! Tuổi thơ tôi cũng mò ốc, bắt cua, cũng mót khoai, cấy lúa lặn ngụp trên đồng… Bởi vậy tôi nói giọng quê, tiếng nói của mình thật tự tin, không e ngại vì bắt chước ai cả”.
Bảo Ngọc may mắn khi được sống ở quê nội, nơi người bà hay nhủ các cháu trải tấm chiếu trước mái hiên, dưới hàng cau thơm ngát bên vại nước rồi vừa phe phẩy cái quạt nan vừa hóng đợi từng cơn gió mát. Bà thường ngước mắt lên bầu trời chi chít những đám sao rồi chỉ cho các cháu đâu là chiếc gàu sòng đang mắc bên sông Ngân, chỗ nào là chỗ có ông Thần Nông đang ngồi co chân trước cánh đồng có hằng hà những đôi mắt sao nhấp nháy. Thỉnh thoảng bà lại vui miệng kể chuyện bằng thơ: Phạm Công - Cúc Hoa; Phạm Tải - Ngọc Hoa, Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga…
May mắn khi được sống ở quê ngoại, bên người ông tân tiến, nhưng thuộc Kiều và biết hát chèo, ông chủ hiệu sửa xe máy duy nhất ở thị trấn, được nghe ông nói những câu tiếng Pháp mà thuở ấy, với bé Ngọc, đó là thứ âm thanh từ trên trời rơi xuống - kỳ lạ và bí ẩn!
May mắn có người cha là anh bộ đội yêu văn chương, từng chinh chiến ở Buôn Ma Thuột, ở Sài Gòn rồi mang về cho cô con gái bé nhỏ một ba lô toàn sách kèm một em “cúp-bê” (búp bê) mắt xanh, tóc vàng xoăn tít. Mang về một thế giới chứa đầy kinh ngạc đối với những đứa trẻ nơi thôn quê thuở ấy.
“Từ ba lô sách của cha, từ ánh mắt biếc xanh của “cúp-bê” nhỏ, tôi đã lẫm chẫm bước đến khoảng trời mơ mộng của mình. Được đi xa hơn khỏi ngôi làng, tìm được nhiều điều quý giá từ những trang sách trong hành trình trải nghiệm sống, tôi bắt đầu ý thức hơn đến việc cần giữ, cần gửi trao những điều đẹp đẽ từ cội nguồn quê hương mà mình được nhận”- nhà thơ Bảo Ngọc tâm sự.
Những bạn văn của Bảo Ngọc kể rằng, trong vòng vấn đáp kỳ thi tuyển sinh Trường Viết văn Nguyễn Du năm ấy, khi một giám khảo hỏi: “Ước mơ cao nhất của em là gì?”, thí sinh Bảo Ngọc đã không giấu khát khao: “Để lại cho đời một số bài thơ”.
Góp công chăm bón những mầm non văn học
Nhằm động viên khuyến khích phong trào sáng tác của thiếu niên, nhi đồng cả nước, thực hiện chương trình hợp tác giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam, kể từ năm 2011, hằng năm Hội đồng Đội TW và báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức xét tặng Giải thưởng Cây bút Tuổi hồng dành cho các em học sinh từ 7 đến 16 tuổi.
Là biên tập viên văn học báo Thiếu niên Tiền Phong, nhà thơ Bảo Ngọc theo sát cuộc thi này. Bảo Ngọc thành thư ký cần mẫn, ghi chép văn phong, bút pháp của những mầm non văn nghệ được cuộc thi phát hiện. Trong hồ sơ chị lưu trữ: “Đan Thi được giải từ năm (lớp 7A12, THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) là cây bút có thể đi xa trên đường văn, nếu Đan Thi lựa chọn con đường ấy. Văn chương cần sáng tạo. Và một thứ tưởng như tự nhiên nhưng có lẽ là giời cho, đó là yếu tố tự thân. Đan Thi có điều đó. Bạn ấy viết được theo cách, nhìn một chi tiết hay một tình huống nào đó đều thấy, ẩn chứa một cốt truyện, một thông điệp. Bạn ấy là cây bút có sẵn chất văn từ bên trong. Đan Thi chính là bạn ấy trong các tác phẩm của mình”.
Hỏi về cây bút tuổi hồng Đỗ Tú Cường (TP.HCM), tác giả sách Quyền sợ ma in ở NXB Kim Đồng năm bạn ấy mới 14 tuổi, Bảo Ngọc cho biết, đấy là quyển sách chọn từ hàng trăm truyện Đỗ Tú Cường đăng báo từ năm học lớp 2. Rồi chị say sưa nói tới, Vũ Hương Nam nữ sinh (Đắk Lắk) từng giành giải Nhất cuộc thi sáng tác của dự án Văn học Đan Mạch - Việt Nam, khi còn tuổi “cây bút tuổi hồng”…
Cây bút tuổi hồng Dương Thị Phương từng được giải khi học lớp 10, (ở Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) nay là nhân viên Công ty VNE Ecommerce, Hà Nội nói về thần tượng Bảo Ngọc của mình:
“Với tôi chị Bảo Ngọc là một người chị vô cùng xinh đẹp, giỏi giang và có trái tim ấm áp. Tôi đã cộng tác, gửi bài cho chuyên mục “Trang viết tuổi hồng” do chị Ngọc phụ trách từ khi tôi còn cấp 1, cấp 2. Chị là người đã truyền lửa giúp tôi thêm yêu văn chương, mê viết truyện. Từ một cô bé nhà quê, tôi lần đầu tiên được ra Hà Nội cũng nhờ giải thưởng Cây bút tuổi hồng. Chị Ngọc không chỉ là một biên tập viên giàu kinh nghiệm luôn truyền dạy, chỉ bảo tâm huyết cho tôi trong nghề viết mà còn giống như một người chị thân thiết luôn quan tâm giúp đỡ nhiều điều trong cuộc sống. Chị là người chăm bón những mầm xanh, trong khu vườn văn học”.
Được hỏi về những mong muốn ở chặng tới khi viết cho các em, nhà thơ Bảo Ngọc trả lời: “Tôi muốn chơi với các em lâu hơn, trở thành người kể chuyện có duyên với các em, được các em chờ đợi và yêu mến! Tôi sẽ phải làm việc cần mẫn, đặc biệt là phải giữ cho mình một đôi mắt nhìn và tâm hồn của trẻ thơ”.
Vài nét về Bảo Ngọc Bảo Ngọc tên khai sinh là Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh 1974, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 2020. Bảo Ngọc hiện đang làm việc tại báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Chị là tác giả của: Hồn thời gian (tản văn, NXB Hội Nhà văn, 2008); Bến trăng (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2015); Giữ lửa (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2015); Gõ cửa nhà trời (thơ, NXB Kim Đồng, 2019); Lớp học Thung Mây (thơ - truyện,NXB Hội Nhà văn, 2021). |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất