11/02/2024 07:54 GMT+7 | Văn hoá
Những tờ báo Xuân - báo Tết đã có trên dưới 100 năm tồn tại trong đời sống văn hóa của cộng đồng để trở thành "món ăn tinh thần" quen thuộc trong dịp năm mới. Nhưng với những nhà sưu tập báo Xuân như Tạ Thu Phong, đó còn là một câu chuyện dài gắn với văn hóa đọc, nhu cầu thẩm mỹ và mọi đặc điểm xã hội của Việt Nam suốt một thế kỷ qua.
Có tiếng trong giới sưu tập sách báo cũ tại Hà Nội, Tạ Thu Phong sở hữu khoảng 400 tờ báo Xuân quý hiếm thuộc nhiều giai đoạn của báo chí Việt Nam. Đó là những tờ mùa Xuân 1938 của Ngày Nay, Xuân 1941 của Đời Nay, các tờ báo Xuân chiến khu, Xuân Độc lập đầu tiên vào năm 1946, các tờ báo Xuân thời tạm chiếm của Hà Nội trước 1954, của miền Bắc - miền Nam trước 1975 hay các tờ báo Xuân, báo Tết thời bao cấp…
Dòng chảy đặc biệt
* Một phần những tờ báo Xuân của anh đã được giới thiệu với độc giả tại Hội báo Xuân đầu năm 2023. Và dịp đó, tôi nhớ nhiều người đã tán đồng quan điểm của anh về mốc thời gian mà báo Xuân tại Việt Nam được khai sinh?
- Quả thật, với tôi, một tờ báo Xuân hoặc báo Tết phải hội tụ ba yếu tố: Được ra định kỳ mỗi năm vào Tết Nguyên đán, có nội dung gắn với ngày Tết, có hình thức đẹp và khác biệt với báo ra ngày thường.
Từ góc nhìn ấy, ngược dòng thời gian, vào số đầu năm 1908, tờ Lục Tỉnh tân văn có nói về Tết. Nhưng đó chỉ là tờ báo ra trong dịp Tết chứ không phải báo Tết đúng nghĩa.
Đúng 10 năm sau (1918), tạp chí Nam Phong cho ra mắt số Tết, với nội dung về ngày Tết và trình bày đẹp hơn báo ngày thường. Dù vậy, trong suốt lịch sử 210 số của mình, Nam Phong chỉ có duy nhất số Tết này và sau đó không ra thêm bất kỳ số Tết nào khác. Do vậy, chỉ nên coi đây là một số báo chuyên đề Tết, chứ không phải là tờ báo Tết theo đúng nghĩa.
Thực tế, tờ báo Tết đầu tiên của Việt Nam là tờ Phụ Nữ Tân văn số Xuân năm 1930. Báo ra đời năm 1929 và có số mùa Xuân đầu tiên ngay trong Tết Canh Ngọ (1930), sau đó được duy trì đều đặn trong những cái Tết kế tiếp. Đáng nói hơn, số mùa Xuân này cũng mở màn cho thông lệ làm báo Xuân ngay sau đó của nhiều tờ báo nổi tiếng như Phong Hóa, Ngày Nay, Ích Hữu, Loa…
* Trong đời sống xuất bản, chúng ta thường sử dụng cả 2 khái niệm báo Xuân và báo Tết. Thử truy nguyên, anh thấy 2 khái niệm đó bắt đầu xuất hiện thế nào, và liệu có gì khác nhau trong giai đoạn đầu?
- Như đã chia sẻ, Nam Phong tạp chí 1918 là tờ báo đầu tiên sử dụng khái niệm "số Tết". Kế tiếp, năm 1930 Phụ nữ tân văn cho ra mắt ấn phẩm báo Xuân. Lúc này, một tờ báo ra dịp Tết có tên "số mùa Xuân" chính thức xuất hiện.
Nhìn chung 2 khái niệm này gần như được sử dụng đồng nhất. Chẳng hạn, tờ Ngày Nay vào năm 1937 dùng khái niệm "số mùa Xuân", nhưng vào các năm 1938, 1940 lại sử dụng khái niệm "số Tết". Hoặc Tiểu thuyết Thứ bảy năm 1943 sử dụng khái niệm "số Tết Quý Mùi". Tôi không thấy có gì khác biệt về nội dung và hình thức quanh 2 tên gọi này, dù cụm từ "số mùa Xuân" được dùng phổ biến hơn. Có lẽ, đó chỉ là cách thay câu chữ để tránh một màu, đơn điệu và tạo điểm nhấn theo từng năm của mỗi báo.
Nhưng cũng có một điều độc đáo: Riêng tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam trong thập niên 1980 lại xuất hiện đồng thời hai tờ báo cho Tết nguyên đán, trong đó có một tờ số Xuân và một tờ gọi là số Tết. Đó là chủ ý của những người thực hiện.
* Vậy, cho tới trước 1954, theo anh, các số báo Xuân của chúng ta đã trải qua những giai đoạn phát triển nào, với những đặc điểm nào?
- Báo Xuân thực chất chỉ là các tờ báo đặc biệt ra dịp Tết, không phải một thể loại báo riêng biệt. Các giai đoạn phát triển của nó chính là các giai đoạn hình thành và phát triển của báo chí nước nhà. Tất nhiên, báo Xuân vẫn chịu ảnh hưởng của đời sống xã hội và cả quan điểm thẩm mỹ mỗi giai đoạn.
Cụ thể, sau giai đoạn khởi thủy với Lục tỉnh tân văn 1908 và Nam Phong tạp chí 1918, quãng 1930-1945 là thời điểm nở rộ của phong trào làm báo Xuân. Lúc này, các toà báo thường tập trung toàn bộ tâm sức, trí tuệ để trau chuốt báo Xuân như một cơ hội quảng bá thu hút độc giả. Điểm đặc trưng của báo Xuân giai đoạn này là những minh họa mang chủ đề mùa Xuân như thiếu nữ với hoa Xuân hoặc các con giáp trong năm, đôi khi là biến tấu từ tranh dân gian.
Điển hình, trong tờ Ngày Nay số Tết 1938, họa sĩ Nguyễn Gia Trí có biến tấu từ bức tranh Hàng Trống Ngũ Hổ vốn rất nổi tiếng. Ở đó, cạnh chàng Lý Toét đang thở dài than vãn là các "ông Hổ" mang cờ Nhật, cờ Đồng Minh, cờ phát-xít, tượng trưng cho các phe trong Đệ nhị thế chiến.
Tiếp đó, trong giai đoạn 1946- 1954, các tờ báo Xuân có sự phân tách theo xu hướng chính trị. Những tờ báo Xuân ở chiến khu như Sự thật, Độc Lập, Cứu Quốc… có chất liệu thô mộc, minh họa đơn giản nhưng rất đặc sắc với các họa sĩ như Phan Kích, Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Sỹ Ngọc. Ngược lại, các tờ báo Xuân xuất bản ở tại vùng tạm chiếm - đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng hay các đô thị lớn - do kế thừa công nghệ in ấn hiện đại của người Pháp nên có chất liệu giấy in và trình bày rất đẹp.
* Vậy còn báo Xuân giai đoạn sau 1954 thì sao?
- Ở giai đoạn đất nước bị chia cắt trước 1975, làng báo cả 2 miền vẫn đều cho ra mắt báo Xuân. Tại miền Bắc, minh hoạ bìa trên các tờ báo Xuân vẫn chủ yếu là do các hoạ sĩ vẽ tay. Ở miền Nam, ngoài việc hoạ sĩ vẽ bìa thì công nghệ in ấn hiện đại cũng như chất liệu giấy đẹp đã cho phép nhiều toà soạn báo cho in ảnh chụp phong cảnh hoặc chân dung nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng lên trang bìa báo Xuân thay cho lối minh hoạ vẽ truyền thống.
Tiếp đó, sang giai đoạn thống nhất sau 1975, báo hai miền Nam Bắc đã quy về một mối và thường có nội dung phản ánh khí thế xây dựng chủ nghĩa xã hội với các bài viết rất lạc quan, vui tươi. Giới sưu tập gọi đây là báo Xuân thời bao cấp, và điểm thu hút lớn nhất của giai đoạn này chính là minh họa của một số họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên.
Còn lại, từ giai đoạn Việt Nam mở cửa tới nay, báo Xuân liên tục cải tiến về công nghệ in, nội dung và hình thức. Những ấn phẩm báo Xuân này đã thật sự trở thành một nét văn hóa trong cách đón Tết của chúng ta. Tuy nhiên, giới sưu tập thường chỉ quan tâm tìm kiếm dòng báo từ thập niên 1990 đổ lại.
"Trong giới sưu tầm, người chơi báo ít hơn người sưu tầm sách. Lý do có nhiều, trong đó có việc sưu tầm báo chí sẽ mất thời gian công sức bảo quản, bởi báo chí khổ to nên việc lưu trữ khá cồng kềnh và khó khăn. Tuy nhiên, riêng báo Xuân lại mang lại hứng thú cho hầu hết nhà sưu tầm bởi chất lượng mỹ thuật và giá trị theo thời gian của nó".
"Hành trình bất tận"
* Anh có thể nói về một vài số báo Tết mà mình đặc biệt ấn tượng?
Tôi thích những tờ báo Xuân thập niên 1930, đặc biệt là của Phong Hóa, Ngày Nay. Phần bìa và minh hoạ trên các báo này đều có biểu cảm thẩm mỹ mạnh mẽ, được thực bởi các danh họa nổi tiếng khi đó như Tô Ngọc Vân, Lemur Cát Tường, Nguyễn Gia Trí… Nhìn chung, đây không chỉ là báo Xuân mà đích thực là những họa phẩm tuyệt đẹp cho người yêu hội họa và những nhà sưu tầm.
Về nội dung, các tờ báo này đều rất phong phú, với các thông tin độc đáo thú vị ngay từ phần quảng cáo trở đi. Ví dụ, tờ Ngày Nay số 1937 in mẫu quảng cáo mô phỏng tờ lịch có kê cứu "lịch sử" phát hành các số báo Xuân:
1937: "Số mùa Xuân" đầu tiên của Ngày Nay xuất bản. Khắp Đông Pháp người ta tranh nhau mua. 1938: "Số mùa Xuân" thứ hai của Ngày Nay xuất bản. Tranh nhau mua. Một người bị thương. 1939: "Số mùa Xuân" thứ ba của Ngày Nay xuất bản. Hai ông cụ khóc vì không mua được. Đến chậm quá.
* Vậy còn hành trình sưu tập báo Xuân của anh, nó thường gặp những vướng mắc trắc trở gì?
- Các số báo Xuân luôn hiếm, nhất là các tờ báo Xuân tiền chiến hoặc những tờ báo Xuân có danh họa nổi tiếng vẽ bìa. Thật lòng, không phải lúc nào bạn cũng có sẵn tiền để mua chúng. Và dù có tiền, chưa chắc bạn đã dễ dàng mua được, vì những tờ báo này được các nhà sưu tầm rất trân quý - nhất là khi thú chơi sách báo cổ nói chung và báo Xuân nói riêng ngày một mở rộng.
Có nghĩa, ở hành trình này, kiên nhẫn và có tiền chưa đủ, mà phải có duyên và gặp may (cười). Như nhiều nhà sưu tập khác, hành trình tìm kiếm báo Xuân của tôi là những câu chuyện dài bất tận. Trong "trường ca" tìm kiếm này, mỗi tờ báo là một câu chuyện, và cũng thật khó chọn đâu là câu chuyện thú vị nhất.
Với tôi, có những tờ báo không còn là hiện vật vô tri nữa mà là kỷ vật có linh hồn. Tôi muốn kể về tờ báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân dân) số Xuân 1946 - mùa Xuân đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám. Báo vốn được treo trong thư phòng của cụ Phan Trác Cảnh, chủ hiệu sách cũ Cảnh tại số 5 Bát Đàn. Tôi mê, nhưng chưa bao giờ dám mở lời vì biết cụ cũng thích nó. Rồi vài tháng trước, khi sắp qua đời, bỗng cụ gọi tôi đến, gỡ tờ báo đưa cho tôi và bảo: "Biết Phong thích nhưng không dám nói. Thôi, ông chuyển cho Phong cầm về chơi". Đến giờ, tôi luôn nhìn nhớ như một kỷ vật của người thân và một bậc tiền bối trong giới sưu tập.
* Còn cách mà nhiều người ước chừng, rằng Tạ Thu Phong mất số tiền tương đương một căn nhà để sở hữu bộ sưu tập báo cũ của mình? Điều ấy có đúng không?
- Theo cách nói ấy thì phải là 2 căn nhà, bởi cần thêm một nhà khác để chứa đống báo ấy (cười).
Chúng tôi vẫn nói với nhau: những nhà sưu tập là đại gia về sách báo, nhưng lại là những kẻ bần hàn về tiền bạc. Thực tế, một cuốn sách cổ cũng chỉ có giá trị từ một đến hai trăm triệu đồng là cao lắm rồi. Một tờ báo Xuân quý hiếm cũng chỉ mấy chục triệu. Nhưng so với thú chơi khác thì sưu tầm sách báo tốn kém bởi số lượng. Người chơi tranh có thể sở hữu vài chục đến vài trăm bức tranh đã là khủng khiếp rồi. Nhưng người chơi sách báo thì số lượng tính bằng tấn, bằng chục tấn. Nghĩa là tích tiểu thành đại, nhiều món tiền nhỏ hợp lại thành món tiền lớn.
* Vậy nhìn lại, thú sưu tầm này mang lại cho anh những gì, và lấy mất của anh những gì?
- Cái mất, ngoài tiền bạc, còn là thời gian, công sức và đôi khi là việc đánh đổi ngay cả những cơ hội phát triển sự nghiệp của tôi. Thú thực, trong hành trình sưu tầm của mình, tôi không ít lần mệt mỏi, chán nản, thậm chí kiệt sức và đôi khi cả ân hận vì lỡ theo đuổi con đường này. Nhưng cảm giác đó chỉ là thoáng qua và nhất thời so với những gì tôi thu hoạch được.
Thú sưu tầm mang lại cho tôi những đam mê và cảm xúc rất con người. Trong bối cảnh cuộc sống ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, những cảm xúc rất đời thường trong quá trình sưu tầm khiến tôi thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa. Ngoài ra, thú sưu tầm mang đến cho tôi sự hiểu biết khá đa dạng và sâu sắc về các lĩnh vực mình quan tâm. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình trưởng thành lên rất nhiều về tư duy và sự hiểu biết.
Chẳng hạn, trước đây tôi không nghĩ rằng mình có thể viết sách, nhưng quá trình sưu tầm báo chí đã cho tôi được tiếp cận rất nhiều tư liệu quý giá và từ đó hình thành trong tôi đam mê nghiên cứu. Mấy cuốn sách từng ra mắt cũng là kết quả của quá trình tích luỹ sưu tầm tư liệu báo chí này. Đó là món quà quý giá nhất mà tôi nhận được từ thú chơi nhiều đam mê nhưng cũng đầy vất vả này.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nhà sưu tập Tạ Thu Phong sinh năm 1974, hiện đang là luật sư tại Hà Nội. Ngoài việc sưu tập tư liệu sách báo quý hiếm, anh còn là tác giả của một số cuốn sách biên khảo như Tiếng thét Yên Bái, Hà Nội một thân, Hà Nội chuyện xưa phố cũ. Trong số này, Hà Nội chuyện xưa phố cũ đã được đề cử vào hạng mục Tác phẩm, giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2022 của báo Thể thao và Văn hóa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất