Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Sự thống nhất về lòng người'

22/02/2015 12:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đặt trong dòng chảy văn hóa - lịch sử của Việt Nam, hệ thống giá trị văn hóa ở miền Nam giai đoạn 1954- 1975 cần được đánh giá thế nào? Và, bản thân sự đánh giá ấy cũng đã có những thay đổi ra sao trong 40 năm qua? Đó là nội dung cuộc trò chuyện giữa Thể thao & Văn hóa và Đại biểu Quốc hội, nhà Sử học Dương Trung Quốc.

Ông Quốc nói:

- Xin bắt đầu từ một câu chuyện riêng. Năm 1975, tôi và một số cán bộ Viện Sử học được cử vào Sài Gòn công tác. Tới nơi, anh em rất thú vị khi thấy chính quyền cũ cũng chọn các danh nhân trong lịch sử Việt Nam như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo để đặt tên đường. Rồi, một đồng nghiệp nhận xét rằng văn hóa ở đây có nét gần gũi với Hà Nội giai đoạn trước 1954. Cũng dễ hiểu, bởi sau mốc thời gian ấy, dòng chảy của văn hóa Pháp vẫn tiếp tục được kế thừa tại miền Nam - trong khi miền Bắc có sự đứt đoạn, dù từng tiếp nhận nó trong một thời gian dài.

Có nghĩa, văn hóa của miền Nam cũ vẫn phát triển từ cái nền truyền thống vốn có của chúng ta trong lịch sử. Thậm chí, trong những gương mặt đóng góp cho nó, có rất nhiều nghệ sĩ, học giả xuất thân từ miền Bắc. Điểm khác biệt giữa hai nền văn hóa chính thống Nam, Bắc trong thời kỳ này chủ yếu đến từ sự khác biệt về chế độ chính trị, cũng như những ý thức hệ đi kèm. Và, nếu tạm bỏ qua những nội dung chịu sự định hướng từ chính trị, tôi khẳng định: Đây vẫn là một nền văn hóa phong phú và có tinh thần dân tộc cao.

Trong lịch sử, thế kỉ XVII, XVIII là một giai đoạn loạn lạc hết sức đen tối với câu chuyện Trịnh Nguyễn phân tranh. Nhưng ngược lại, đó là thời kì chúng ta có sự phát triển mạnh ở cả Đàng Trong, Đàng Ngoài với việc mở cõi về phương Nam, với việc xuất hiện của những thương cảng Hội An, Phố Hiến. Để rồi, khi nhìn lại tổng quát cả hai vùng ở phương diện văn hóa nghệ thuật, giới nghiên cứu Sử học lại coi đây không phải thời suy, mà là thời thịnh. Tôi nghĩ, điều đó có thể gợi mở những suy nghĩ cho chúng ta sau này.


Nhà sử học Dương Trung Quốc

* Ông đang chia sẻ cái nhìn của một nhà sử học sau 40 năm. Và chúng ta đều hiểu rằng cách đánh giá này đã có những thay đổi so với điểm xuất phát ban đầu. Sự thay đổi ấy có lộ trình thế nào, theo ông?

- Sự dè dặt khi tiếp nhận nền văn hóa của một chế độ chính trị vừa đối đầu là điều tất yếu. Theo như tôi biết, vào thế kỷ XIX, cuộc nội chiến Mỹ chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 5 năm, nhưng nước Mỹ cũng phải mất một thời gian không nhỏ để giải quyết các dư âm của nó, trong đó tất nhiên có cả những chia rẽ về văn hóa.

Ở trường hợp Việt Nam, do những đặc thù riêng, việc nhìn nhận về văn hóa miền Nam trước năm 1975 diễn ra khá phức tạp. Tôi chỉ muốn nói: Những quan niệm chính thống của chúng ta vẫn nhắc quá nhiều tới những thắng lợi về quân sự của một hệ thống chính trị so với một hệ thống chính trị khác. Câu chuyện về những ý niệm ta - địch, chính - tà, chân - ngụy ấy thường dễ được đánh đồng sang những yếu tố khác, bao gồm cả văn hóa. Nhìn từ góc độ phát triển xã hội, đó không phải là điều hay.

Do cách đặt vấn đề của chúng ta chưa thật sự rõ ràng, nên mọi thứ luôn cần thời gian, trong đó có cả những cuộc “vượt rào” (cười). Cho dù vậy, việc công nhận những giá trị tích cực của văn hóa miền Nam trước năm 1975 cũng đi được những bước khá dài rồi. Tự thân, nhiều tác phẩm, tác giả của nền văn hóa ấy vẫn được khán giả hôm nay đón nhận. Chẳng hạn, tôi có thể kể tới hai gương mặt mà tôi từng có dịp tiếp xúc là nhạc sĩ Phạm Duy và nhà sử học Tạ Chí Đại Trường. Riêng anh Tạ Chí Đại Trường từng nhận giải thưởng của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh vào năm 2014 vừa rồi…

* Nhưng, hiện nay vẫn có những ý kiến nói về sự cứng nhắc trong việc lựa chọn tiếp nhận những giá trị văn hóa miền Nam trước năm 1975. Theo ông, có nên tồn tại một chuẩn mực nào cho sự lựa chọn này không?

- Tôi nghĩ, đây là một vấn đề phức tạp và cần nói theo từng trường hợp cụ thể. Sự thật, trong bối cảnh đối kháng về chính trị, ở cả hai miền Nam, Bắc đều có khá nhiều những sản phẩm văn hóa được sáng tác với mục đích thực dụng. Khi giá trị tự thân của chúng không đủ thuyết phục một cách lâu dài, thì cũng không cần khơi gợi, đào xới lại làm gì.

Ngược lại, nếu có những sản phẩm văn hóa chưa được tiếp nhận chỉ vì tác giả của nó từng “thế nọ, thế kia” trong những năm chiến tranh, thì thời gian sẽ đưa ra câu trả lời công bằng nhất. Chúng ta cũng không thể lý tưởng hóa theo kiểu đòi một sự sòng phẳng tuyệt đối ngay được. Với lịch sử, sự sòng phẳng nhất với nó nằm ở việc bảo tồn được những hệ giá trị quan trọng, bất kể xã hội hiện đại biến đổi ra sao.

* Cuối cùng, theo ông, đâu là những rào cản lớn nhất của chúng ta trong vấn đề này?

- Trân trọng, đánh giá công bằng về rất nhiều phần tích cực trong hệ giá trị văn hóa mà xã hội miền Nam trước năm 1975 để lại là nền móng quan trọng để đạt được sự hòa hợp về văn hóa cho bây giờ. Mà muốn vậy, cách nghĩ áp đặt theo kiểu tạo ra cái nọ để thay thế cái kia lẫn cách nghĩ có phần bảo thủ, để rồi cho rằng cái mới tệ hơn, kém hơn cái cũ đều không nên tồn tại.

Lịch sử đã chứng minh: thống nhất lãnh thổ là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt. Vậy nhưng, mất bao xương máu để làm điều ấy rồi, thì sự thống nhất ấy chỉ có thể đứng vững trên sự thống nhất về lòng người. Mà xét cho cùng, chẳng phải văn hóa chính là cách ứng xử giữa người với người đấy thôi?

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện nà.

 Hoàng Nguyên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm