Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Cú hích đổi mới tư duy thực sự là một cuộc giải phóng'

21/02/2016 08:18 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 30 năm đối với công cuộc chuyển mình vĩ đại của một dân tộc không phải là dài. Nhưng cũng không còn là ngắn nữa. Đất nước đang tiếp tục đà Đổi Mới và đang đẩy nhanh tốc độ hội nhập có thể nói là sâu rộng và toàn diện với việc hình thành Cộng đồng ASEAN; kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nhưng bên cạnh đó, đất nước vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, đạo đức, nề nếp, lối sống… những vấn đề mà một quốc gia văn minh, hiện đại và phát triển không thể không khắc phục.

Năm 2016 này, tròn 30 năm Đổi Mới và đánh dấu sự khởi đầu cho rất nhiều công cuộc hội nhập, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã trò chuyện cùng Thể thao & Văn hóa:

Từ hiệu lệnh “mở cửa”

* Sinh năm 1947, vào thời điểm đất nước bắt đầu Đổi Mới, ông đã ngót nghét 40. Lúc đó cuộc sống và công việc của ông như thế nào? Ông còn nhớ không khí ngày đó?

- Người ta hay lấy mốc Đại hội Đảng lần thứ VI diễn ra vào năm 1986 làm cái mốc “mở cửa” cho công cuộc Đổi Mới. Dùng từ “mở cửa” giúp ta hình dung rằng, cánh cửa đóng hay mở cũng là do ý muốn của con người mình thôi vì thế bước đầu tiên của Đổi mới hướng vào “tư duy” tức là cách suy nghĩ, hay rộng hơn là thay đổi các hệ thống giá trị.

Ví dụ trước kia làm ăn kinh tế ngoài quốc doanh thì gọi là làm ăn “cá lẻ”, thuê nhân công thì bị coi là “bóc lột”, buôn bán trao đổi hàng hóa thì bị gán là “con buôn”, “phe phẩy” v.v...


Nhà sử học Dương Trung Quốc

Chỉ cần thay đổi quan niệm (trong đầu) khi đưa ra hệ thống “3 lợi ích” (nhà nước, tập thể và cá nhân) là giải tỏa được các nguồn năng lượng bao lâu bị kìm giữ trong những việc làm bị coi là phi pháp hay sau này coi những việc làm năng động là “vượt” hay “xé rào”...

Cái thời điểm năm 1986, đúng là tôi vừa tròn 40 tuổi (ta). Người xưa coi “tam thập nhi lập - tứ thập nhi bất hoặc...” (30 tuổi là ổn định việc lập thân, 40 tuổi thì không còn gì phải băn khoăn, tức là biết đời là gì rồi, theo nhận thức của tôi).

Nhưng thế hệ như chúng tôi, cho đến thời điểm ấy, sống hoàn toàn trong thời kỳ đất nước có chiến tranh (từ sau 1975 là chiến tranh biên giới và ở Campuchia) nên sau này chúng tôi tự gọi mình là “lũ gà công nghiệp”, sống nặng về chịu đựng, chấp nhận; ứng biến thì cực kỳ năng động (giữa sống và chết) nhưng tư duy thì thụ động.  Do vậy cú “hích” đổi mới tư duy thực sự là một cuộc giải phóng.

Tuy nhiên, nó là một quá trình. Trước tiên, không thể không nói đến những biến động từ Liên Xô khi ông Gorbachev đưa ra quan niệm “glasnost” là minh bạch công khai về chính trị và “perestroika” là cải tổ về kinh tế.

Vả lại, năm 1986 mới là khởi động trên nghị quyết giữa lúc tình hình đất nước còn quá nhiều khó khăn chưa có những nhân tố mới mang tính đột biến. Dẫu sao, hiệu lệnh “mở cửa” này là yếu tố chủ quan nhưng rất quan trọng, “hé mở” hay “mở rộng” rồi “mở toang” còn theo hoàn cảnh khách quan.

* Thưa ông, với lớp trẻ từ 8X đổ lại đây thì “đêm trước Đổi mới” – thời bao cấp – chỉ còn là những trải nghiệm thú vị khi vào thăm phần trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hay tại các quán ăn mang phong cách “thời bao cấp”. Ông đã từng đến những nơi đó để trải nghiệm cùng lớp trẻ chưa? Với ông, ký ức thời bao cấp là gì (cả ký ức buồn lẫn ký ức vui)?

- Đương nhiên, thế hệ sau không trải nghiệm nên không có ký ức, họ phải tiếp cận qua văn chương, điện ảnh là những lĩnh vực có hư cấu, riêng với bảo tàng nó hấp dẫn vì tính chân thực và lại có thể trải nghiệm.

Tết này ở Hoàng thành Thăng Long người ta cũng tái tạo không gian và tổ chức cho khách trải nghiệm đời sống thời bao cấp... Bây giờ là “mốt” đấy. Ngoài bảo tàng còn có những quán ăn, quán cà phê. Tôi đã đến và đôi chỗ tôi cũng có chút ít đóng góp...

Ký ức thời bao cấp trước hết là một thời đã qua. Với chúng tôi là nhớ lại, hồi tưởng hay còn là “nhớ nhung” (nostalgie, một tâm thế rất được khai thác trong nghệ thuật và du lịch) bởi ngay với những kỷ niệm đau buồn hay khắc nghiệt nhất của quá khứ cũng có những cảm xúc “thi vị” bởi lẽ những điều cay đắng ấy là cái đã qua và nó làm tăng thêm dư vị ngọt ngào cho những cái ta đang sống (tựa như dấm ớt vậy).

Nhưng phải nói rằng cái “thời bao cấp” ấy cũng để lại những điều tiếc nuối khi có những cái tốt đẹp ngày xưa, nay không còn nữa. Cái thời ấy, con người vì luôn kề cận với cái chết, với cái khổ nên biết chia sẻ cho nhau sự sống và niềm vui...

Kể ra thì dài dòng lắm. Nhưng nói tóm lại là mỗi con người thời chiến tranh và bao cấp ấy vừa có lý tưởng lại vừa có hy vọng... Không bàn đến cái đúng hay sai, hiện thực hay hão huyền... nhưng nó tạo được động lực cho cuộc sống.

Quan sát các bạn trẻ (trong đó có con cháu mình) tôi thấy hình như cái động lực ấy không mạnh mẽ như thế hệ chúng tôi hoặc nó biểu hiện khác mà chúng tôi không biết được chăng?!


Người dân Hà Nội đi mua hoa ngày Tết tại chợ Đồng Xuân năm 1982. Ảnh: Michel Blanchard

Từ “bao cấp” thành “ban phát”

* Dường như “thời bao cấp” không chỉ có màu xám. Có khá nhiều những giá trị về một thời đã qua mà ngày nay trong thời đại kinh tế thị trường, chúng ta cũng muốn tìm lại, nhất là giá trị trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hay trong nền nếp, lối sống?

- “Bao cấp”, phải nói cái từ này thật hay, không biết lần đầu tiên ai sử dụng nhưng nó bao hàm được những điều mà khó kiếm được một từ tương đương.

Nó bắt nguồn từ những khó khăn về kinh tế (thường là thời chiến), chính quyền vừa muốn tỏ rõ trách nhiệm vừa muốn thể hiện quyền lực của mình đối với người dân thông qua việc phân phối các nhu yếu phẩm.

Ví như thời Chiến tranh thế giới lần thứ II, Việt Nam là thuộc địa của Pháp, bị cắt đứt liên hệ với chính quốc lại bị Nhật lấn át, chính quyền thực dân áp dụng chính sách “kinh tế thời chiến” hay “kinh tế chỉ huy” để điều hành trong đó có việc phân phối nhu yếu phẩm (như gạo, muối, đường, diêm, vải vóc...) Hồi đó cũng có chế độ tem phiếu ...

Nhưng sau những giải pháp mang tính tình thế (thời chiến), ta thường quá nhấn mạnh vào tính “ưu việt” của chế độ là quan tâm đến đời sống của nhân dân nên biến việc “bao cấp” thành sự ban phát gắn với chế độ quan liêu dẫn đến sự trì trệ không chỉ khiến cho kinh tế không phát triển được mà quan hệ con người cũng bị ràng buộc vào những thứ nhà nước ban phát đồng thời với những hiện tượng lợi dụng hay đối phó khiến các chuẩn mực trong quan hệ xã hội trở nên phụ thuộc lẫn nhau.

Từ bao cấp “nhu yếu phẩm” cho đời sống như một ưu việt của chế độ trong hoàn cảnh khó khăn ấy dẫn tới lạm dụng “bao cấp” luôn cả tinh thần là một vấn nạn còn dai dẳng đến tận bây giờ...

Đúng là có nhiều giá trị tốt đẹp thời đó nay không còn nữa, nhưng tôi cho rằng những giá trị ấy không phải bắt nguồn từ “bao cấp” mà nó là những giá trị truyền thống vẫn được bảo lưu trong môi trường ấy và đến nay, nó mai một nhiều hơn cùng với thời gian và trong bối cảnh mới, điều ta hay nói là “mặt trái của kinh tế thị trường”. Chẳng ai mong thời bao cấp ấy quay trở lại nữa là cái chắc.

* Vâng, rõ ràng, nếu không có Đổi Mới mà tiếp tục kéo dài thời kỳ quan liêu, bao cấp thì đất nước sẽ trì trệ kéo dài. Từ góc độ sử học, nhìn lại 30 năm Đổi Mới, ông có thể nói ngắn gọn về ý nghĩa lịch sử của công cuộc vĩ đại này? Từng đi ra thế giới khá nhiều, ông thấy bạn bè quốc tế nói gì về Đổi Mới (khi họ dùng “Doi Moi” như một khái niệm riêng)?

- Người làm sử như tôi thường dị ứng với chữ “nếu”. Mọi cái diễn ra đều có cái lý của nó. Về khoa học nhận thức thì phải phân tích... nhưng logic của đời sống bắt buộc nó phải thay đổi, sớm hay muộn, nhanh hay chậm thôi. Mà nước mình, dân mình với năng lực thích ứng thì thường “nước đến chân mới nhảy” rồi “Dĩ cùng tắc biến...” nên đời sau nhìn lại luôn đặt ra những câu hỏi như anh đặt cho tôi vậy.

Đúng là bạn bè quốc tế đánh giá cao sự “Doi Moi” của ta chủ yếu vì họ nhìn nhận Việt Nam chỉ nổi bật trong thời chiến mà thôi, ấn tượng về Việt Nam trong chiến tranh, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ quá lớn nên họ ít tin vào những gì ta có thể làm được trong thời bình.

Đừng thấy “hôm nay tốt hơn hôm qua” mà tự thỏa mãn

* Thấm thoắt công cuộc Đổi Mới đã được 30 năm. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì ông có cảm giác sốt ruột khi một lĩnh vực nào đó vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng, hay chưa được như kỳ vọng – ít nhất là kỳ vọng của cá nhân ông? Bởi tôi luôn nghĩ rằng chu trình 30 năm của một đất nước không phải là ngắn cho sự phát triển, thậm chí trong 30 năm, có những quốc gia đã đạt những bước phát triển thần kỳ…

- Ta thường có một “công thức” để tự vấn mình khi lấy Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng trải qua chiến tranh khốc liệt, nước thì thua trận, nước thì chẳng thắng chẳng thua... mà họ tiến lên thành “hổ”, thành “rồng” thực sự; còn ta thắng trận thì lại từng rơi vào trì trệ như... hết hơi vậy.

Đúng là có nhiều lý do, nhưng theo tôi, cái lý do chủ yếu là ta hay quá nhấn mạnh đến cái “đặc thù” để lựa chọn những giá trị mới. Còn tôi thấy chính cái “đặc thù” ấy khiến ta chậm trễ.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc và ký ức về Tết Xưa ở Hà Nội

Nhà Sử học Dương Trung Quốc và ký ức về Tết Xưa ở Hà Nội

Với tôi, người ở độ tuổi sắp trở thành “xưa nay hiếm” theo cách nghĩ của người xưa, đã thấy nhiều đổi thay trong một tập tục được lưu truyền cả ngàn năm, tính từ khi dân ta sử dụng âm lịch.


Cứ nhìn vào Đổi Mới thì sẽ thấy, nếu Đổi Mới mà hướng vào những giá trị phổ quát của thế giới vốn không mới (như kinh tế thị trường, quyền con người...) thì mọi thay đổi sẽ trở nên tích cực; còn ngược lại cứ nhấn mạnh “cái này ta khác nên phải làm khác” thì chỉ thấy vấp váp, đôi khi lòng vòng trước sau rồi cũng phải thay đổi như thiên hạ. Ta ít quan tâm đến giá trị thời gian, thời cơ nên lúc nào cũng thấy lạc quan rằng “hôm nay tốt hơn hôm qua” mà tự thỏa mãn.

* Sự hình thành Cộng đồng ASEAN hay hội nhập TPP đã mang lại nguồn cảm hứng lớn cho năm 2015. Với cá nhân ông, nguồn cảm hứng đó như thế nào? Cuộc sống của cá nhân ông năm 2016 sẽ có thay đổi chứ?

- Những sự kiện mà bạn nêu chắc chắn là những thử thách lớn. Tuy nhiên tôi nhìn nhận đó như là việc ta cứ nhảy xuống nước ắt phải bơi. Ta sẽ trưởng thành qua những thử thách ấy còn hơn lưỡng lự ngồi nâng lên đặt xuống.

Không phải là phiêu lưu, nhưng nhìn lại lịch sử ta thấy chắc chắn ta đã đi xa hơn nếu biết tranh thủ thời gian, người lãnh đạo biết quyết đoán. Bỏ lỡ cơ hội dường như là một nhân tố quan trọng khiến đất nước ta chậm tiến...

* Xin cảm ơn ông!

Nhưng phải nói rằng cái “thời bao cấp” ấy cũng để lại những điều tiếc nuối khi có những cái tốt đẹp ngày xưa nay không còn nữa. Cái thời ấy, con người vì luôn kề cận với cái chết, với cái khổ nên biết chia sẻ cho nhau sự sống và niềm vui...

5 bài học khi nhìn lại 30 năm đổi mới

Nhìn lại 30 năm Đổi Mới, từ những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu 5 bài học:

Một là, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.

Hai là, đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Bốn là, phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm là, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

(Theo Báo điện tử Chính phủ)


Đông Kinh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm