Nhà soạn nhạc và bản giao hưởng hiếm hoi

18/05/2015 11:00 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 19/5/2015 tại Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch sẽ biểu diễn giao hưởng Miền Đông thành đồng của nhạc sĩ Vĩnh Lai. Điều đáng nói đây là một bản giao hưởng “đồ sộ” hiếm hoi của TP.HCM.

Theo nhạc sĩ Vĩnh Lai, ông viết tác phẩm này trong vòng 2 năm và hoàn thành vào tháng 6/2014.

Bản giao hưởng đồ sộ

Bản giao hưởng này có 4 chương. Chương I viết theo hình thức sonate có tiêu đề là Quật cường. Âm nhạc ở chương này được chia ra làm 3 phần: Phần A xây dựng hình tượng quê hương, nhân dân với chất liệu âm nhạc đậm chất Nam bộ; phần B là hình tượng của quân xâm lược tàn bạo và phần C là phần đấu tranh tàn khốc, nhưng quật cường và dũng mãnh của nhân dân “miền Đông thành đồng” để đi đến thắng lời huy hoàng.

Chương II với tiêu đề là Tưởng niệm, chương này như một hành khúc tang lễ. Đây cũng là chương mà tác giả viết với tất cả niềm cảm xúc thiêng liêng liêng, bởi cũng tại chiến trường miền Đông Nam bộ, người bố thân yêu của tác giả đã chiến đấu và hy sinh.

Lời tựa của tác giả đầu chương II là: “Kính dâng hương hồn ba và các chiến sĩ, đồng bào anh hùng đã hy sinh trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do hạnh phúc cho dân tộc”. Âm nhạc của chương này tha thiết, da diết; phần cuối là ước mơ và hy vọng như hương hồn của những người con miền Đông thành đồng đã anh dũng hy sinh, hòa quyện sâu thẳm muôn đời nơi đất mẹ.


Nhạc sĩ Vĩnh Lai

Chương III có tiêu đề Hương rừng - Tình biển: ca ngợi vẻ đẹp nên thơ lãng mạn, dạt dào bao la của miền Đông Nam bộ. Trong đó những đoạn đàn harpe diễn tả suối reo, kèn clarinette diễn tả chim hót… sẽ là những bức tranh âm nhạc đặc sắc.

Chương IV với tiêu đề Rạng rỡ viên ngọc miền Đông: Âm nhạc của chương này tươi trẻ, khỏe khoắn. Đặc biệt ở chương này tác giả đã dùng bộ trống jazz nhạc nhẹ nhưng theo ngôn ngữ giao hưởng để thể hiện sự tươi trẻ.

Ý chí can trường, tâm hồn hào sảng, sức sống mãnh liệt, quân dân miền Đông Nam bộ đang chung sức chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, hùng cường là ý đồ nội dung mà tác giả gửi gắm vào chương cuối này.

Đây là bản giao hưởng đồ sộ, mang đậm chất liệu dân gian Nam bộ với tư duy âm nhạc hiện đại. Tác phẩm mang tính triết học và nhân văn sâu sắc.

Bản giao hưởng hiếm hoi hiện nay

Như trên đã nói, đây là một bản giao hưởng đồ sộ, bởi nó có thời lượng khoảng gần 1 tiếng đồng hồ với 200 trang tổng phổ viết trên giấy A3. Tác phẩm sử dụng dàn nhạc lớn (3 quản), sử dụng hầu hết các chủng loại nhạc cụ trong kho nhạc cụ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM. Đây cũng là bản giao hưởng hiếm hoi sử dụng 2 cây đàn harpe.

Theo nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM: Việc đánh giá tác phẩm thì để dành cho công chúng, nhưng đây là một tác phẩm có quy mô về biên chế dàn nhạc cũng như quy mô nghệ thuật. Những chương trình biểu diễn lớn, hoặc những dịp trọng đại như kỷ niệm 40 năm miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất thì những tác phẩm như thế này là rất quý và rất hiếm.

Để sáng tác một bản giao hưởng đòi hỏi nhiều yếu tố như: đào tạo, tài năng, đầu tư, vốn liếng âm nhạc của tác giả… và điều quan trọng bậc nhất là tâm huyết với nghề. Bởi viết một bản giao hưởng phải mất nhiều năm, nhưng “thu nhập” mang lại cho tác giả thì khá ít ỏi, bên cạnh đó tác phẩm cũng ít có cơ hội được dàn dựng biểu diễn thường xuyên.

Nếu tính riêng tại TP.HCM, các nhạc sĩ viết giao hưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng đa số cũng là các nhạc sĩ “lão thành”, còn các sinh viên nhạc viện sau khi viết 1 bản giao hưởng để tốt nghiệp thì hầu như họ không viết giao hưởng nữa. Một số nhạc sĩ viết giao hưởng đã khuất núi, người có nhiều thành tựu với 9 bản giao hưởng là nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam nay cũng đã già yếu.

Vừa qua, nhạc sĩ Việt Anh cũng hoàn thành giao hưởng Trường Sơn (biểu diễn ngày 19/4/2015)  nhưng đây cũng chỉ là bản giao hưởng quy mô nhỏ. Nên nhạc sĩ Vĩnh Lai và bản giao hưởng Miền Đông thành đồng có thể nói là bản giao hưởng đồ sộ hiếm hoi của nhạc sĩ viết giao hưởng hiếm hoi hiện nay tại TP.HCM.

Nhạc sĩ Vĩnh Lai sinh năm 1939 (giấy tờ hộ tịch là 1942), ông tốt nghiệp Khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau đó ông học sáng tác tại Nhạc viện Leipzig và học kỹ thuật điện thanh và đạo diễn âm thanh tại Leipzig (Đức).

Ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam từ 1969 đến 1974 Từ năm 1975 đến lúc nghỉ hưu (2002) ông công tác tại Đài Truyền hình TP.HCM (Giám đốc Đài FM 99,9 Mhz).

Ngoài giao hưởng Miền Đông thành đồng trình diễn lần này ông còn có một số tác phẩm giao hưởng khác như: Giao hưởng thơ Niềm tin, Ouverture Ngày hội non sông, Symphonique Suite. Các tác phẩm thính phòng như: Mối tình quê hương (viết cho cello và piano), Vườn xuân, Hương tràm (dàn dây và piano), Khúc nhạc chiều quê (flute và piano), Người em gái quê hương (violin và piano)…

Nhạc trưởngTrần Vương Thạch cho biết: Mục tiêu nghệ thuật trong kế hoạch dài hơi của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM là đầu tư xây dựng những tác phẩm lớn về âm nhạc và múa của miền Nam. Trong đêm 19/5, hai tác phẩm được Nhà hát đầu tư sáng tác là Giao hưởng Miền Đông thành đồng (do Trần Vương Thạch chỉ huy) và Tổ khúc múa Tổ quốc (biên đạo: NSND Hà Thế Dũng, Lương Xuân Thành, Tạ Thùy Chi; âm nhạc: Vũ Việt Anh, La Y San) do Tạ Thùy Chi và các diễn viên múa Nhà hát Thực nghiệm Trường Múa TP HCM biểu diễn.

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm