Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: 'Thành thực là một phẩm chất của người làm văn chương'

18/05/2017 10:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/5, tập lý luận phê bình văn học mới nhất mang tên Khát vọng thành thực của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chính thức được phát hành trên toàn quốc.

Vào đầu câu chuyện, ông Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Bản thân tôi thấy 4 chữ khát-vọng-thành-thực đã gói gọn tinh thần chung của phong trào Thơ mới, từ những năm đầu của thế kỷ 20. Và khát vọng thành thực đã trở thành một chủ đề xuyên suốt của văn học Việt Nam hiện đại" - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lý giải với Thể thao & Văn hóa về chủ đề của tập lý luận phê bình mà mình mới "hạ sinh”.

* Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự xuất hiện của “Khát vọng thành thực” trong Thơ mới?

- Để trả lời được câu hỏi này, đầu tiên chúng ta phải hiểu về hoàn cảnh của phong trào Thơ mới. Trước khi tiếp xúc với văn hóa, văn học phương Tây mà cụ thể là văn học Pháp, văn học Việt Nam nằm trong quỹ đạo của văn học trung đại phương Đông. Loại hình ấy rất hạn chế tư tưởng và cảm xúc cá nhân của con người. Văn thơ thời bấy giờ thường chỉ nói đến những cái chung, phổ biến trong những phạm trù, quy phạm chung.

Chú thích ảnh
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Đến khi tiếp xúc với văn học phương Tây, cái tôi cá nhân trong văn học bắt đầu bùng nổ. Con người của xã hội phương Đông bắt đầu tự hỏi “Tại sao chúng ta không được nói thẳng, nói thật về về những tâm tư, tình cảm của chính mình như các nhà thơ văn phương Tây?” Từ đó, phong trào Thơ mới như một sự giải phóng, đưa đến những khát vọng tự do cá nhân. Sở dĩ các nhà thơ mới làm được điều đó vì họ đã dám thành thực và họ đã biết cách thể hiện cái thành thực ấy trong các sáng tác thơ văn. 

Vậy nên khi khát quát lại phong trào đó, nhà phê bình Hoài Thanh mới khái quát nó lên thành “Khát vọng thành thực”.

* Vậy Hoài Thanh có phải là một điển hình cho “Khát vọng thành thực” không, thưa ông?

- Ông Hoài Thanh là người cùng thế hệ với các nhà thơ mới. Điều ông nói ra trong cuốn Thi nhân Việt Nam là sự tổng kết 10 năm của Thơ mới, khai quật những sáng tác thơ mới của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên… trong sự biểu hiện rất rõ cái “khát vọng thành thực”.

Thế hệ nhà thơ mới ấy, trong đó có Hoài Thanh đã làm nên một cuộc cách mạng trong thi ca văn học. Khát vọng ấy từ khi nói lên thành 4 chữ “khát vọng thành thực” đã theo suốt, tạo nên một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn học Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Khát vọng thành thực"

  * Ông suy nghĩ như thế nào về sự thành thực trong văn chương?

- Theo tôi, văn chương phải thành thực, người viết văn phải thành thực. Thành thực với chính mình, với cuộc đời, với con người. Nói như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng ghi trong nhật ký khi ông mới 18 tuổi là: “Người là thật, phải thật với người”. Văn học là nhân học, văn học nói về cuộc đời thì không thể không thật. Vậy nên thành thực là một phẩm chất của người làm văn chương. 

* Còn gì khác ngoài “Khát vọng thành thực” liên quan đến phong trào Thơ mới trong tập sách này không, thưa ông?

- Đó là vấn đề liên quan đến việc đánh giá đúng một số nhà thơ nhà văn Việt Nam, ví dụ như Phạm Quỳnh, người đã đóng góp rất lớn cho văn hóa Việt Nam nhưng lại chưa được đánh giá thấu đáo.

Tôi cũng có đề cập đến phạm trù thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, đã tìm đường vượt qua quy phạm chặt chẽ của văn học trung đại để bộc lộ cá tính riêng. Rồi vấn đề về thơ văn trẻ cuối thế kỉ 20 đầu thế kỷ 21 cũng được tôi nhắc đến trong tuyển tập này...

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Mỗi dịch giả có lựa chọn của riêng mình

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Mỗi dịch giả có lựa chọn của riêng mình

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, là người đầu tiên thuộc giới phê bình lên tiếng, qua Thể thao & Văn hóa, xung quanh tranh cãi về cách dịch trong "Những thứ họ mang", tập truyện ngắn về chiến tranh Việt Nam của nhà văn Tim O'Brien.

* Thế còn “Khát vọng thành thực” ở thế hệ văn chương trẻ hiện nay, ông thấy thế nào?

- Lớp trẻ hiện nay sống trong điều kiện phong phú hơn, thuận lợi để tiếp cận hiện thực hơn. Bản thân tôi cũng nhìn thấy ở họ “khát vọng thành thực”. Khát vọng này có thể rất mạnh mẽ, dường như được truyền từ thế hệ trước, do những hoàn cảnh lịch sử nào đó mà sự thành thực ấy chưa được thế hệ đi trước thực hiện một cách đầy đủ nguyên vẹn. Do đó, với những điều kiện vô cùng thuận lợi như hiện nay, tôi tin rằng “khát vọng thành thực” trong thế hệ văn thơ trẻ sẽ vô cùng mạnh mẽ.

Tôi thấy điển hình có 2 nhà văn Đinh Phương và Trọng Khang dù còn khá trẻ nhưng những sáng tác của họ đã bắt đầu cho thấy được cá tính, nhận được rất nhiều sự chú ý từ độc giả.

* Xin cảm ơn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Tựa sách từ chữ dùng của Hoài Thanh

Tập lý luận phê bình văn học Khát vọng thành thực bao gồm 26 bài viết, được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết trong nhiều dịp khác nhau, từ năm 1985 cho đến những năm đầu thế kỉ 21. Trong đó, bài Khát vọng thành thực được lấy làm chủ đề cho tập sách được ông viết vào năm 1999, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật nhà phê bình Hoài Thanh. 

4 chữ “khátvọngthànhthực” là 4 chữ được Hoài Thanh sử dụng trong cuốn Thi nhân Việt Nam khi ông viết về phong trào Thơ mới. Khát vọng thành thực là khát vọng được là chính mình, với tất cả những sắc thái, cung bậc của đời sống tư tưởng, tình cảm...

Hà My (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm