Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Giải "Thành tựu" nằm ngoài hệ thống giải hằng năm

16/09/2010 13:29 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tiếp theo hai giải Thành tựu trọn đời trao cho Bằng Việt (2005), Trần Dần (2008), vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải Thành tựu về thơ cho cố thi sĩ Lưu Quang Vũ với tuyển tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi.

Nhìn qua ba lần trao giải Thành tựu này, câu hỏi đặt ra là tên chính xác của giải là gì (Thành tựu, hay Thành tựu trọn đời, hay Thành tựu về thơ/hoặc văn xuôi/dịch thuật); và tần suất trao giải là bao nhiêu năm một bận?

Trò chuyện với TT&VH, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết:

- Ban đầu, theo điều lệ giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ này thì không có hạng mục giải Thành tựu. Cũng như giải của các hội khác, Giải thưởng của Hội Nhà văn HN trước tiên là nhằm trao cho các tác phẩm xuất sắc hàng năm của các hội viên trong hội. Nhưng xuất phát từ những đòi hỏi trong thực tiễn, mà Giải đã có những sự điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng xét giải. Cụ thể, giải còn xét trao cho cả những tác phẩm xuất sắc của các tác giả có thể không phải là hội viên nhưng viết về chủ đề Hà Nội hoặc đang sống và làm việc tại Hà Nội...


Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
* Và Giải Thành tựu cũng là một sự “mở rộng” cơ cấu giải?

- Đúng vậy. Như tôi đã nói, theo quy chế “cứng” ban đầu thì chưa có hạng mục giải Thành tựu. Ở đây cần phải nói thêm một chút, Giải của Hội Nhà văn Hà Nội có một điểm rất đặc biệt, tuy không đưa vào điều lệ, nhưng tất cả mọi người đều tự nguyện “chấp hành”. Đó là thỏa thuận: Tác phẩm của tất cả các thành viên trong Hội đồng chung khảo (gồm toàn bộ Ban chấp hành và chủ tịch bốn hội đồng bộ môn), dù xuất sắc đến đâu và dù có được đề cử lên đi chăng nữa, thì vẫn không đưa vào xét giải.

Giải thưởng sẽ được trao vào trung tuần tháng 10/2010 với Giải Thơ được trao cho Cởi gió, tập thơ của Nguyễn Phan Quế Mai; Giải Thành tựu về thơ được trao cho Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tuyển tập thơ của Lưu Quang Vũ; Giải Văn xuôi được trao cho Nhân gian, tiểu thuyết của Thùy Dương.

Năm 2005, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, cũng là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội, đã ra mắt Tuyển tập Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX. Nhà thơ Bằng Việt, như chúng ta biết, là một gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, một nhà thơ nổi tiếng của nền thơ đương đại VN; và ông còn là một dịch giả nổi tiếng. Tuyển tập thơ dịch nói trên có thể coi là một “bản tổng kết” sự nghiệp dịch thuật của ông. Nhưng vì “thỏa thuận” kể trên, nên không thể xét trao giải cho Tuyển tập này trong khung giải thưởng hàng năm của Hội. Lúc đó nhà thơ Vũ Quần Phương, là ủy viên BCH Hội ở trong Hội đồng chung khảo giải thưởng, nêu ý kiến là cuốn sách đó xứng đáng được một giải thưởng, và nên chăng Hội trao một giải nằm ngoài hệ thống giải hàng năm của Hội, với tên gọi là Giải Thành tựu. Hội đồng chung khảo thấy sáng kiến ấy là thỏa đáng, và đã bỏ phiếu để trao giải thưởng “Giải thành tựu trọn đời” của Hội Nhà văn Hà Nội (2005) cho Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX.


* Và 3 năm sau mới có một giải thành tựu thứ hai?

- Đúng vậy, giải Thành tựu không phải năm nào cũng trao. Trong đợt xét giải năm 2008, khi tuyển tập thơ Trần Dần ra mắt, Hội đồng chung khảo mới lại bàn luận và nhất trí cao bỏ phiếu trao giải Thành tựu trọn đời lần thứ hai. Kết quả là nhà thơ Trần Dần với tuyển tập này đã đạt số phiếu tuyệt đối. Năm 2009, Hội cũng không có giải Thành tựu. Năm 2010 này, trong các tác phẩm thơ được đưa vào xét giải có tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi. Đây là tập hợp những di cảo đã xuất bản trước đó và thêm một số bài mới chưa công bố của Lưu Quang Vũ. Tập thơ dày dặn này thêm một lần nữa khẳng định tài thơ của Lưu Quang Vũ, một thi sĩ đích thực. Từ đó Hội đồng đã thảo luận và bàn bạc khá lâu để đi đến quyết định là có thể trao giải Thành tựu về thơ cho Lưu Quang Vũ ở tuyển tập này.


Tập thơ mang lại cho Lưu Quang Vũ
giải Thành tựu về thơ

* “Thành tựu về thơ”, chứ không phải “Thành tựu trọn đời” là vì sao thưa ông?

- Hội đồng không dùng chữ Thành tựu trọn đời vì có ý kiến phân tích, giải thưởng Thành tựu trọn đời thường trao cho những tác giả còn đang sống ở cuối cuộc đời của tác giả đó (như bên điện ảnh). Hơn nữa, Hội đồng cũng thấy rằng chỉ trao giải Thành tựu về thơ vì Lưu Quang Vũ còn có thành tựu về kịch (mà bên sân khấu có thể trao).

Tên gọi giải này chưa thống nhất, chưa cố định, vì như tôi đã nói, nó nảy sinh từ thực tế đời sống văn học. Dẫu vậy, trao giải “thành tựu” là đúng, là kịp thời, và Hội Nhà Văn Hà Nội chúng tôi vui mừng và bằng lòng với giải thưởng này.

* Khác với Trần Dần năm 2008, kết quả bỏ phiếu cho tập thơ của Lưu Quang Vũ không đạt số phiếu tuyệt đối (9/12 phiếu; thấp hơn cả số phiếu cho tập Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai - giải Thơ). Đó là vì sao vậy thưa ông?

- Giải Thành tựu đã qua hai lần trao, nhưng trước khi xét giải lần này, còn có những ý kiến trong Hội đồng chung khảo cho rằng, rồi đây đã và sẽ còn có rất nhiều tuyển tập của các tác giả nổi tiếng khác xuất hiện (chẳng hạn các tuyển tập Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Duy...), vậy giải sẽ trao thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng có nên trao nữa không, hay ngưng lại ở Trần Dần để nhiệm kỳ sau sẽ hoàn thiện về thể thức trao giải này và đưa vào quy định trong Điều lệ giải?

Nhưng đa số ý kiến vẫn thấy rằng tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ có giá trị đặc sắc, hơn nữa lại đúng dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà Lưu Quang Vũ chính là một người con của Hà Nội, sống và sáng tác tại Hà Nội; và tập thơ cũng được Hội đồng thơ đề nghị lên. Từ tất cả những sự cân nhắc đó, Hội đồng nhất trí là cứ để lá phiếu quyết định. Kết quả là đã có 9/12 phiếu thuận. Còn các phiếu chưa đồng thuận, tôi nghĩ không phải vì băn khoăn trước giá trị tập thơ mà là băn khoăn về thể thức giải như tôi đã nói.

* Tương lai giải thành tựu sẽ tiếp tục được duy trì như thế nào, thưa ông?

- Đây là giải chưa có trong Quy chế ngay từ đầu mà xuất phát từ thực tiễn trong nhiệm kỳ vừa qua. Cho nên hôm họp Hội đồng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010 - cũng là phiên họp cuối cùng trong nhiệm kỳ này, mọi người đã đề xuất là chuyển giao cho BCH và Hội đồng chung khảo khóa sau để cố định hóa và chuẩn hóa nó.

* Xin cảm ơn ông

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm