Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn: Không cần lót khăn ướt trên mông!

04/05/2013 07:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân những tranh luận nhiều chiều về bản dịch tập truyện ngắn của nhà văn Mỹ nổi tiếng Tom O’Brien (Những thứ họ mang), TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi với nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn về phê bình sách và văn hoá phê bình hiện nay.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn

* Thiên hạ đang xô nhau mổ xẻ mấy chữ “tục” của bản dịch. Tưởng anh “xuất đầu lộ diện” cũng vì chuyện “hot” này, hoá ra lại vì những lỗi dịch “rất cũ” mà năm ngoái, một bản dịch của một tác phẩm khác cũng đã mắc y chang ! Tưởng anh phát hiện ra cái gì…mới hơn chứ?

- Rất buồn là câu chuyện dịch sai dịch ẩu này vẫn là những chuyện “khổ lắm biết rồi nói mãi”! Thực ra, câu chuyện này cũng bắt đầu từ những chữ được gọi là “tục tĩu” kia. Thấy mọi người bàn tán nhiều quá, tôi đi tìm mua bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng để so sánh với nguyên tác (bản thân tôi cũng rất thích Tom O’Brien), và khi so sánh bản dịch với nguyên tác tôi mới phát hoảng vì bản dịch sai quá nhiều, và đáng buồn là sai ở những lỗi hết sức i-tờ.

* Mọi người hầu như không mấy quan tâm tới phát hiện “bản dịch thảm hoạ” của anh. Họ có vẻ thích chuyện “hot” hơn, hay họ đã “chai lì” với các “thảm hoạ dịch thuật”- anh nghĩ tới chiều hướng nào?

- Tôi nghĩ có lý do chính đáng để công chúng bị cuốn hút vào cuộc tranh luận giữa hai phe “đạo đức” và “tự do dịch thuật”- vấn đề được đặt ra ở đây không hẳn liên quan đến mấy chữ được một số người cho là tục tĩu, vấn đề là tự do cho những người làm công tác sáng tạo, chống lại bất cứ hình thức kiểm duyệt nào, trong đó có “tự kiểm duyệt”. Tôi phản đối bất cứ hình thức kiểm duyệt nào đối với ngôn từ, cho nên, những ngôn từ dung tục hoàn toàn có thể được đưa vào bản dịch nếu nó phản ánh đúng tinh thần của tác giả trong nguyên tác. Vấn đề ở đây là tác giả có chuyển ngữ trung thành nguyên tác hay không, hay tự sáng tạo thêm những sắc thái và ngôn ngữ không có trong nguyên tác? Ở điểm này, tôi nghĩ anh Nguyễn Quang Thiều và nhiều người đã có những ý kiến rất xác đáng.

Nhưng vấn đề tôi muốn đề cập không phải ở đó. Vấn đề của bản dịch Những thứ họ mang của Trần Tiễn Cao Đăng nằm ở chỗ khác, chỗ mà như nhà báo Nguyễn Vạn Phú đã nhận xét “quan trọng là qua một đoạn ngắn, đã thấy rất nhiều lỗi dịch thuật rất sơ đẳng, những lỗi thuộc loại lười tra cứu, dịch vội, dịch ẩu”. Có thể gọi một cách “thời thượng” đây là một bản dịch “thảm họa” với vô số những lỗi dịch ấu trĩ. Và nói “mọi người hầu như không mấy quan tâm đến phát hiện bản dịch thảm họa của anh” cũng không công bằng. Một bộ phận độc giả rất quan tâm đấy chứ, bằng chứng là bài viết của tôi chỉ đề cập đến hơn 50 lỗi dịch trong truyện ngắn đầu tiên của cả tập truyện, còn độc giả tiếp tục phát hiện những lỗi dịch cơ bản khác trong những truyện ngắn sau. Còn cũng không loại trừ có những người vẫn tiếp tục lái độc giả vào cuộc tranh luận “tục hay không tục” để tránh đề cập đến vấn đề cơ bản hơn của bản dịch Những thứ họ mang.

Trong bối cảnh nhiều bản dịch sách gây tranh cãi về độ chính xác trong thời gian gần đây, mà nóng nhất là cuốn Những thứ họ mang, ngày 8/5 tại TT Văn hoá Pháp, Hà Nội sẽ diễn ra cuộc toạ đàm Dịch thuật trong thực tế xuất bản, với sự tham gia của 5 dịch giả (Lê Hồng Sâm, Trịnh Lữ, Lương Việt Dũng, Đào Bạch Liên, Trần Lê Thuỳ Linh) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

* Có người phê lại anh theo kiểu “Mày chê tao sai nhưng ở chỗ khác mày cũng chả đúng. Suy ra, tao với mày cùng giuộc, chê nhau làm gì cho thiên hạ biết !”. Anh nghĩ thế nào về chuyện này?

-(Cười) Đây là một lối ngụy biện rất phổ biến mà trong logic học gọi là ngụy biện “anh cũng thế” (tu quoque), nó dựa vào lý lẽ rằng một hành động có thể chấp nhận được vì người đối nghịch cũng đã làm. Thay vì tranh luận nhận xét của một người là sai hay đúng, có dịch giả lại lôi những bản dịch của dịch giả khác, người có một số bình luận về trình độ dịch thuật của anh ra và đắc thắng “xem ông kìa, sai còn bằng mười tôi”! Một dạng lý lẽ ngược ngạo khác là “hãy cứ dịch đi rồi hãy phê bình”, đây là dạng lý lẽ làm tôi không thể không liên tưởng đến câu “anh hãy đẻ ra trứng rồi hãy bình luận là trứng ngon hay dở”. Hoặc dạng khác “người ta đã dịch rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, hẳn người ta phải giỏi!”. Tôi xin lỗi, nhưng cũng phải nói rằng, dịch nhiều không có nghĩa là dịch đúng, dịch hay. Trong văn chương, và trong rất nhiều chuyện, số lượng không đồng nghĩa với chất lượng. Đáng tiếc là những ngụy biện kiểu như vậy hiện nay lại đang thắng thế trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Cá nhân tôi, với tư cách người dịch, cũng như giới làm sách nói chung, luôn luôn trân trọng những ý kiến, phê bình dựa trên tinh thần xây dựng, cởi mở, cầu tiến, tương kính. Đáng tiếc, không phải phản hồi nào cũng như vậy. Điều đáng sợ nhất là thói học phiệt đang có vẻ ngày càng lấn át mọi diễn đàn. Học phiệt là khăng khăng tự cho mình đúng, không còn dành cửa nào cho sự đối thoại đích thực – Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng.

* Người ta vẫn ví “Ngọn roi phê bình quất cho con ngựa văn chương vùng lên”. Giờ lại có người nói : Ngựa vùng lên đá cho đứa cầm roi chứ chẳng phải lồng lên phía trước. Có phải đó là tình cảnh chung hiện nay của quan hệ nhà phê bình-người sáng tạo ở Việt Nam không?

- Khi đọc bài viết của tôi, một số bạn bè gửi tin nhắn trách tôi sẽ làm cho dịch giả “bị tổn thương”, “mất đi lòng tin và sự hăng hái vào công tác dịch thuật vốn đã ít người theo đuổi”. Tôi lại nhớ đến ngày bé, khi bố tôi quất cho tôi mấy roi vì làm một số điều sai trái, tôi là bậc thầy của việc lót trên mông một cái khăn ướt (khăn phải không quá khô để khi cái roi nện lên phát ra tiếng kêu khác lạ, phải không quá ướt để thấm ra ngoài dễ bị phát hiện). Tôi có thể làm thế, có thể góp ý riêng với dịch giả, có thể dùng ngôn từ nhẹ nhàng hơn từ “thảm họa”. Nhưng tôi nghĩ, dịch giả đâu có còn là trẻ con, và tôi cũng không còn thời gian và kiên nhẫn để thấm ướt chiếc khăn lót mông. Chính chúng ta cũng có một phần trách nhiệm vì đã không có những nhận xét thẳng thắn, không có sự công tâm để chuyên chú đọc, so sánh và phê bình những tác phẩm dịch dở, dịch sai, dịch ẩu, góp phần tạo ra những giá trị ảo để cuối cùng, người gánh chịu mọi thiệt thòi là công chúng nói chung và độc giả nói riêng, những người phải bỏ tiền ra mua những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Những bài viết của tôi thường gây động chạm, cho nên những phản ứng “đá hậu” của “con ngựa văn chương” cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tôi nghĩ, khi bình tâm để suy xét, họ sẽ hiểu đó là trách nhiệm của người làm phê bình: không cả nể, không nói khác với những gì mình nghĩ, trung thực và có trách nhiệm trong những nhận định của mình.

* Cám ơn anh. Tôi cũng mong rằng cuộc trao đổi này cũng được bạn đọc chia sẻ với một thái độ như vậy.

Một bản dịch sai sót quá nhiều?

Có một loạt những ví dụ kiểu “một loại dây đeo quanh thắt lưng có khóa” (trong khi tiếng Việt chỉ gọi đơn giản là cái thắt lưng) như “military payment certificates” được tác giả dịch thành “chứng nhận thanh toán cho quân nhân”, dog-tag” được dịch thành “thẻ ghi tên”, safety pins dịch là "kẹp giấy", thức ăn nóng thì đựng trong “lon marmite màu xanh lục”, rồi “ insignia of rank” được dịch là “phù hiệu cấp bậc”, rồi " he'd stolen on R&R in Sydney, Australia" được dịch thành "thó được ở Trung tâm Nghỉ ngơi Giải trí dành cho quân nhân ở Sydney, Úc". Bất cứ ai quen thuộc với không khí lính trận đều biết không có thứ gọi là “chứng nhận thanh toán cho quân nhân” mà người ta gọi đơn giản là “phiếu quân vụ” hay người miền Nam quen gọi là “đô-la đỏ”, dog-tag được dịch là thẻ bài, safety pins là cái kim băng, cái “lon marmite màu xanh lục” bí hiểm kia chỉ là cái cà-mèn nhiều ngăn của lính Mỹ, cái “phù hiệu cấp bậc” đơn giản là “quân hàm”, "on R&R" chỉ nói về hoạt động "nghỉ xả hơi" của lính Mỹ ở nước ngoài (chứ không tồn tại một Trung tâm Nghỉ ngơi Giải trí nào). 


Những lỗi thứ hai, tạm gọi là những lỗi dịch do không hiểu đời sống và văn hóa Mỹ, dẫn đến những lỗi dịch hết sức hài hước. Ví dụ ngay khổ đầu tiên của truyện ngắn, với nguyên tác “she was an English major” được dịch thành “nàng học khoa Anh ngữ” (trong khi một học sinh phổ thông cũng hiểu phải dịch là “nàng học khoa Văn” hay “nàng học khoa ngôn ngữ”)…

Nguyễn Thanh Sơn


Vân Hạc (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần















Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm