20/05/2014 09:19 GMT+7 | Di sản
Từ trước đến nay, Đờn ca tài tử (ĐCTT) - cải lương đã là “đặc sản” mà người phương xa đến đất Nam Bộ nhất định phải thưởng thức. Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, nghệ thuật ĐCTT càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều ngành, nhiều người. Trong đó, lĩnh vực du lịch nhận thức rõ ràng hơn những tiềm năng to lớn mà di sản này mang đến.
Thú chơi người tài tử
Với người dân Nam Bộ, ĐCTT không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là sinh hoạt cộng đồng. Qua cách nói “chơi” ĐCTT là đã phần nào thể hiện tính ngẫu hứng và vô tư của loại hình này. ĐCTT là một thú chơi, không mang tính biểu diễn. Là thú chơi nên tùy hứng, có thể chơi mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh nếu có tâm trạng và điều kiện.
Chơi vui thì có nhiều bạn bầy cùng “tâm tấu”, qua tiếng đờn mà tìm bạn tri âm. Nhưng chỉ một người một đờn vẫn cứ là một cuộc chơi sảng khoái của tâm hồn. So với các di sản hay hình thức văn nghệ dân gian khác, ĐCTT có lợi thế hơn hẳn về độ phổ biến vì hoàn toàn không phụ thuộc vào thời vụ, hoàn cảnh bên ngoài, không cần nghi lễ, quy ước rườm rà và có một không gian rất mở: trong nhà, ngoài sân, trên sông, giữa đồng…, các dịp quan - hôn - tang - tế đều không thiếu vắng tiếng đờn ca. Vì vậy dễ hiểu khi ĐCTT lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân Nam Bộ. Đã có thời trẻ nhỏ chưa học chữ đã biết xướng âm, nhà khá giả đều mời thầy về dạy đờn cho con.
Tuy nhiên, sự phổ biến và điều kiện dễ dàng để gầy một cuộc chơi tài tử không đồng nghĩa với sự dễ dãi, thiếu chuyên nghiệp. ĐCTT không kén người chơi nhưng dù xuất thân thế nào thì họ đều là những tài năng âm nhạc thực thụ khi âm nhạc ĐCTT được đánh giá rất cao với hệ thống bài bản phong phú, phức tạp. Cũng không phải ai hễ thấy thích hay lõm bõm vài bản đờn là có thể hòa vào cuộc chơi. Người chơi tài tử thực sự phải tập tành, rèn luyện rất công phu vì để thành thạo một bản Tổ có khi phải đến cả năm. Có thể thấy ĐCTT thể hiện rõ “cái chất” Nam Bộ: phóng khoáng, ngẫu hứng nhưng không kém tài hoa, tinh tế.
Đờn ca tài tử phục vụ du lịch: không mới…
Từ năm 1906, âm nhạc tài tử Việt Nam đã gây tiếng vang tại Hội chợ thuộc địa Marseille. Vé vào Nhà hát Đông Dương để xem vũ điệu Campode trên nền nhạc tài tử do ban ĐCTT nổi tiếng đất Mỹ Tho (ông Nguyễn Tống Triều đứng đầu) trình bày bán đắt như tôm tươi. Sau khi trở về Việt Nam, tiếp thu hình thức biểu diễn trên đất Pháp, ông Nguyễn Tống Triều quyết định đưa ban ĐCTT của mình lên sân khấu trình diễn tại Minh Tân khách sạn và rạp chiếu bóng Cinema (Mỹ Tho) trước giờ chiếu phim. Từ đó, việc các nhà hàng, tửu lâu, khách sạn, hí trường… có thêm các tiết mục ĐCTT phục vụ quan khách cũng đã không còn xa lạ.
Khi chất tài tử không còn
Nhìn vào thực trạng ĐCTT phục vụ du lịch hiện nay, những quan ngại về việc làm “biến chất” ĐCTT của nhiều chuyên gia, nghệ nhân gạo cội là hoàn toàn có cơ sở. GS-TS Trần Văn Khê cho rằng chỉ trong 10 - 15 phút thì không làm cách chi cho du khách cảm nhận được giá trị của nghệ thuật ĐCTT. Thời gian vội vã nên người đờn, người ca buộc phải vội vã theo, phải lược bớt bài bản hoặc chỉ đờn những bài lý, bài bản vắn không mang chất tài tử. Và tuy mang danh là ĐCTT nhưng phần lớn tiết mục trình bày là bài bản cải lương, chủ yếu là những câu vọng cổ quen thuộc. Lúc còn sinh thời, Nghệ nhân Dân gian Bạch Huệ đã lo lắng về sự mai một của ĐCTT khi các bài bản lớn ngày càng ít người tiếp cận và việc thể hiện tràn lan những bài bản cải lương trong các chương trình mang danh tài tử, nhất là ở các khu du lịch làm nhiều người hiểu sai bản chất ĐCTT.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh kịch liệt phản đối việc đưa ĐCTT làm du lịch vì nó làm mất chất ngẫu hứng, chất tài tử của nghệ thuật này: “Đờn ca cho chiếu lệ, cốt yếu để lấy tiền thì còn gì là tài tử?”. Trình độ hạn chế nên không thể có những ngón đờn quăng bắt, người ca cũng gồng mình ca cho đúng nhịp, cố cho xong tiết mục một cách an toàn thì làm sao có thể “phiêu”? ĐCTT mất tính ngẫu hứng sẽ trở nên… nhạt nhẽo!
Trong một chuyến tham quan, GS Tô Ngọc Thanh không khỏi xót xa khi tiếng đờn gan ruột của người nghệ nhân lọt thỏm giữa tiếng cụng ly hào hứng của thực khách. Tiệc tàn, trong khi đám khách người Việt bỏ đi thẳng thì số khách người nước ngoài nán lại hỏi thăm và tặng nhóm biểu diễn 50 USD, nhưng lại có anh hướng dẫn viên đến đòi lại vì “thù lao nhạc công đã có trong hợp đồng với chủ vườn, mỗi nhạc công được nhận 20.000 đồng”(!) dẫn đến đôi co lời qua tiếng lại và anh tiếp viên buông một câu “xanh rờn”: không bao giờ dẫn khách tới chỗ này nữa! “Thật đáng buồn khi người ta đem một dòng nhạc sang trọng, bác học, tinh tế để thay cho loại nhạc rẻ tiền trong các tiệm ăn ven đường!”, GS Tô Ngọc Thanh bức xúc.
Bao năm qua khi ĐCTT đã là một thương hiệu vững mạnh cho các tour du lịch thì cuộc sống của người nghệ nhân biểu diễn vẫn rất bấp bênh. Hiện nay, đa phần các nhóm ĐCTT hoạt động tại các khu du lịch không được ký hợp đồng hay phát lương mà thu nhập hoàn toàn nhờ vào tiền boa từ du khách. “Mặc dù đã đưa vô tour rõ ràng nhưng các công ty du lịch không trích phần trăm lại cho nghệ nhân biểu diễn. Thù lao của nghệ nhân là do lòng hảo tâm và sự yêu thích ĐCTT của du khách. Nhiều khách lại đinh ninh là chương trình có trong tour rồi tưởng rằng người biểu diễn đã có lương nên họ không boa thêm… Nên nhiều khi chính nhóm ĐCTT phải tự… mồi khách. Đờn ca trong tình cảnh đó thì còn gì là hứng thú để mà trau chuốt tiếng đờn, câu ca. Người biểu diễn cũng chạy theo sinh kế mà mai một ngón nghề. ĐCTT hoàn toàn có thể đưa vào du lịch nhưng nếu khai thác không đúng cách, khai thác kiểu ăn xổi ở thì như chúng ta hiện nay thì không thể phát huy được giá trị của di sản mà đôi khi còn gây hại!” - TS Mai Mỹ Duyên, người nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với nghệ thuật ĐCTT chia sẻ.
Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất