Nhà cũ trong… phố cũ

04/07/2019 06:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 2/7, phần mặt tiền và ban công tầng 2 của một ngôi nhà tại phố Hàng Bông (Hà Nội) vừa đổ sập. Những phỏng đoán ban đầu cho rằng: sự cố này xuất phát từ việc tấm biển quảng cáo đang được thi công tại tầng 2 của ngôi nhà quá nặng, nên khi gặp gió lớn đã tác động mạnh và ... kéo sập phần tường nhà.

Giãn dân phố cổ

Giãn dân phố cổ

Thông tin từ UBND TP Hà Nội cho biết: trong vài tháng tới, đề án xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ sẽ được khởi công. Đây là đề án đã được lên kế hoạch từ nhiều năm trước, nhưng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Phỏng đoán có vẻ khá “trời ơi” ấy cũng không quá vô lý, nếu ta chú ý tới một thực tế: ngôi nhà này được xây dựng vào năm 1947, tức là 72 năm trước.

Trên lý thuyết, trải qua ngần ấy năm tồn tại, một ngôi nhà thường phải thực hiện những đợt tôn tạo nhất định. Thế nhưng, về bản chất, những tôn tạo, sửa chữa mang tính chắp vá và tự phát cũng không thể nào khiến một công trình nào mãi bền vững theo thời gian.

Tại Hà Nội, do đặc điểm lịch sử, khu phố cổ - nơi có phố Hàng Bông cùng căn nhà 2 tầng vừa sập – và khu phố Pháp liền kề chính là những nơi tập trung nhiều căn nhà cũ, được xây dựng từ giai đoạn 1954 về trước. Và, do được xây bằng kĩ thuật cũ, những ngôi nhà này tất nhiên không thể so sánh với những khối nhà có trụ bê tông và móng đào sâu ở giai đoạn sau này.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ sập nhà trên phố Hàng Bông (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Để rồi, cứ vài năm một lần, chúng ta lại được chứng kiến một trong số những ngôi nhà đó đổ sập.

Điển hình, 4 năm trước, vụ sập tòa biệt thự cổ tại 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi gây ra cái chết thương tâm cho 2 phụ nữ. Các kết luận cho thấy: ngôi nhà được xây năm 1905 này bị sập do xuống cấp và bị thấm nước sau những trận mưa liên tục.

Hoặc, dù xuống cấp, nhưng vụ sập nhà tại 43 Cửa Bắc vào giữa năm 2016 (cũng khiến 2 người tử vong) còn có nguyên nhân bị cho là oái ăm hơn – khi nhiều người nhắc tới việc công trình gặp chấn động và ảnh hưởng từ... việc thi công tòa nhà bên cạnh. Tương tự, trong các vụ sập ngôi nhà 91B Hàng Mã (năm 2010) và số 32 Lê Thái Tổ (năm 2018), các phân tích cũng nhắc tới tác động “dây chuyền” từ việc đào móng ở những công trình liền kề.

Dù vẫn còn gây tranh cãi về cách gọi “nhà cổ” hay “nhà cũ”, vẫn phải thừa nhận: những kiến trúc lâu năm ấy có thể giàu giá trị, nhưng lại đặc biệt... nhạy cảm và mong manh trước mọi chấn động về vật lý.

***

Việc trùng tu, cải tạo những ngôi nhà cũ ở trung tâm Hà Nội là một bài toán phức tạp từ nhiều năm nay. Phần nào, công việc ấy chịu ảnh hưởng từ những quy định nghiêm ngặt về xây dựng, nhằm bảo tồn các công trình có giá trị nằm trong khu phố cũ và phố cổ. Nhưng điều quan trọng hơn, theo dòng chảy thời gian, rất nhiều ngôi nhà ấy đã bị biến dạng nghiêm trọng so với kết cấu ban đầu.

Cụ thể, các cuộc khảo sát từng cho thấy: trong và sau chiến tranh, rất nhiều ngôi nhà ở phố cổ - cũng như những biệt thự cũ trong khu phố Pháp – lần lượt bị chia nhỏ không gian cho nhiều hộ gia đình sinh sống. Để rồi đến thời mở cửa, với vị trí trung tâm đô thị, chúng lại được liên tục đục, phá, khoan cắt, lên tầng... ở từng mét vuông mặt tiền để phục vụ làn sóng kinh doanh.

Như chia sẻ của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, việc liên tục bị chỉnh sửa để thay đổi công năng (chuyển từ ở sang bán hàng) và gồng gánh lượng dân số “nở” ra là lý do khiến những ngôi nhà cũ ngày càng xuống cấp. Đơn cử, chỉ riêng về thoát nước, rất nhiều ngôi nhà rơi vào tình trạng cùng lúc bị "thấm xuôi" và "thấm ngược", nghĩa là vừa bị thấm nước từ trên xuống (hệ quả của việc xây thêm công trình phụ, bể nước, đường ống) và vừa bị từ dưới lên (khi việc thoát nước ngầm bị ảnh hưởng trong quá trình tôn đường, cải tạo nền.)

Không phải ngẫu nhiên, đề án giãn dân phố cổ của Hà Nội đã coi lượng cư dân đang sống trong các căn hộ xuống cấp, có nguy cơ sập đổ là một đối tượng được ưu tiên giải quyết. Nhưng điều đó là chưa đủ. Xa hơn,những căn nhà cũ ấy cần được tiếp cận bằng những giải pháp đặc biệt, để có thể thu hút nguồn lực xã hội hóa và từng bước được tôn tạo một cách khoa học,hợp lý theo đúng với giá trị hiện có của mình.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm