Ngày khoa học Đức vượt qua tố chất TBN

03/05/2013 12:45 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Trận chung kết Champions League toàn Đức mùa này tiếp tục đánh động toàn châu Âu về cuộc cách mạng sắp đến giai đoạn chín muồi của họ, trong sự lo lắng của người Tây Ban Nha.

1. Bảy năm trước, trong buổi bình luận trực tiếp trận TBN gặp Tunisia ở vòng bảng World Cup 2006, bình luận viên Andres Montes của kênh LaSexta đã thốt lên: “Estamos tocando tiki-taka tiki-taka” (Chúng ta đang chơi tiki-taka). Ông mô tả cách chuyền bóng nhanh và ngắn của đội TBN bằng một cụm từ có lẽ bắt nguồn từ món đồ chơi với những quả lắc của người TBN (tiki-taka theo tiếng TBN, hay Crackers trong tiếng Anh).



Dortmund là đội bóng có lối chơi khoa học - Ảnh Getty

Đó là lần đầu tiên cụm từ này được sử dụng trên truyền hình. TBN dừng bước ở vòng bảng World Cup năm ấy, nhưng ý tưởng phôi thai ấy đã bắt đầu được đưa vào hiện thực. Raphael Honigstein, một ký giả người Bavaria, viết rằng từ thời điểm ấy, người TBN nhận ra rằng “họ không đủ sức mạnh và sự rắn rỏi để trấn áp đối thủ, và họ phải thay thế bằng cách tập trung vào sự độc quyền với quả bóng”.

Đó cũng là thời điểm mà đội tuyển Đức thay đổi hoàn toàn dưới bàn tay HLV Juergen Klinsmann. Mannschaft đoạt hạng Ba thế giới bằng một lối chơi tấn công trái với sự lầm lì truyền thống của họ, với những cầu thủ trẻ đa số còn chưa khẳng định được tên tuổi. Không có một cái tên cụ thể nào được đặt cho lối chơi nhanh, mạnh, trực tiếp, và dồi dào thể lực của họ, nhưng nó thực sự đã gây ấn tượng.

2. Thời điểm ấy, TBN đã có đủ mọi điều kiện để chơi Tiki-taka: Tố chất kỹ thuật vốn có của người TBN, đội bóng làm nòng cốt cho lối chơi này, Barcelona, đang trong chu kỳ thành công (vừa đoạt Champions League 2005-2006), và lò La Masia, cái nôi của các cầu thủ vận hành lối chơi này, đã tồn tại hơn 300 năm, được cải tổ để giảng dạy cho các môn sinh của nó theo các yếu quyết của bóng đá tổng lực khi Johan Cruyff đến đây vào năm 1988.

Người Đức, ngược lại, phải làm lại từ A-Z để có thể chơi tấn công. Từ năm 2002, LĐBĐ Đức đã buộc các CLB thuộc hai hạng đấu cao nhất nước Đức lập ra các lò đào tạo trẻ theo các yêu cầu mới họ đề ra, và từ đó đến nay, gần 1 tỷ USD đã được đổ vào đây. Năm 2006, Klinsmann mang theo những giáo trình khoa học thể chất từ Mỹ để nâng cao thể lực cho người Đức. Hưng phấn được tạo ra từ các khán đài lúc nào cũng đông đảo ở Bundesliga là một sự thúc đẩy khác cho tinh thần tấn công.

Vì đơn giản là phát huy tố chất sẵn có, Tiki-taka của TBN được tạo ra một cách tự nhiên từ sự gắn kết và thấu hiểu giữa các cầu thủ ăn tập trong cùng một môi trường nhiều năm. Ngược lại, lối chơi của đội tuyển Đức và các CLB hàng đầu của họ hiện nay được tạo ra nhờ sự gắn kết “cơ học”: Khoa học được áp dụng vào chiến thuật sẽ vạch ra một hệ thống chung tiến bộ nhất, để bất kỳ một cá nhân nào được đào tạo đúng với tinh thần mới của bóng đá Đức sẽ thích ứng dễ dàng.

Dortmund hiện tại có thể không phải là đội cầm bóng tốt nhất, nhưng rõ ràng là đội tấn công ở tốc độ cao nhất châu Âu hiện nay, mà vẫn duy trì được sự nhuần nhuyễn. Không có lò La Masia nào ở đây, nhưng với cỗ máy tập chuyền bóng có tên Footbonault, các cầu thủ Dortmund chỉ cần thời gian khổ luyện, và sau đó, lắp ghép bản thân vào hệ thống tấn công nhanh và trực tiếp vốn có của đội bóng.

3. Hãy nhớ lại World Cup diễn ra trên đất Nam Phi cách đây 3 năm. Tiki-taka của TBN khi ấy đã đạt đến đỉnh cao, nhưng đội tuyển Đức cũng để lại ấn tượng rất đặc biệt. Họ đoạt hạng Ba với một đội hình khá ‘bình dân’: Klose vừa trải qua mùa giải đánh bóng băng ghế dự bị ở Bayern, Friedrich là trung vệ đội trưởng của một đội bóng vừa... xuống hạng (Hertha Berlin). Neuer, Jerome Boateng, Khedira hay Oezil vẫn còn non kinh nghiệm, còn Mueller, trước giải năm ấy, chẳng được ai biết đến.

Tại bán kết Champions League mùa này, Dortmund đã đánh bại Real Madrid với một đội bóng ít hào nhoáng hơn hẳn. Và Bayern cũng đã đè bẹp Barca, dù không hẳn là sở hữu lực lượng tốt hơn, và lại không có một cầu thủ tầm cỡ siêu sao như Messi. Thành công ấy lại một lần nữa cho thấy rằng, tính khoa học, tổ chức, và sự cần cù của người Đức đã làm nên một phép màu kỳ diệu: Họ hoàn toàn có thể vượt qua tố chất bẩm sinh của người TBN, thứ đã trở thành cốt lõi cho thành công vĩ đại của bóng đá xứ Bò tót nửa thập kỷ qua.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm