Đạo diễn Nguyễn Trọng Hải: Tái hiện tình báo giai đoạn 1975-1992 là quá khó khăn

23/07/2014 07:41 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 17h30 hôm nay (23/7) bộ phim Vết dầu loang (35 tập, KB-ĐD: Nguyễn Trọng Hải) về ngành tình báo Việt Nam ra mắt trên kênh HTV9, và sẽ được chiếu định kỳ từ thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần. Đạo diễn cho biết anh mất gần 10 năm mới hiện thực hóa được kịch bản khá nhạy cảm và phức tạp này.

Bộ phim tái hiện bối cảnh hoạt động của lực lượng tình báo Việt Nam từ năm 1975 đến 1992, khi họ phải đấu tranh với các tổ chức thù địch, vốn đang triển khai nhiều kế hoạch chống phá nguy hiểm. Càng về sau, phim đã mạnh dạn chỉ ra những mất mát, đau khổ của cả hai phía, để cuối cùng là con đường hòa giải tất yếu.

Đạo diễn Nguyễn Trọng Hải trò chuyện với TT&VH về những khó khăn khi làm bộ phim này.


Đạo diễn Nguyễn Trọng Hải

* Điều khó nhất khi anh phát triển Chuyên án vết dầu loang - N89 thành kịch bản phim truyền hình là gì?

- Đó là việc tái hiện bối cảnh sống của đất nước những năm sau 1975, với không khí sống khá đặc thù mà gần như ngày nay khó có thể nhìn thấy được nữa. Không khí ấy quyết định đến phong thái, văn hóa và cách ứng xử của các nhân vật. Giai đoạn lịch sử 1975 - 1992 là rất phức tạp, đầy biến động và thách thức. Chúng tôi tìm cách trả lời câu hỏi: Sau khi thống nhất đất nước, con người của cả hai chiến tuyến đã sống trong bối cảnh ấy như thế nào? Càng khó hơn khi bối cảnh phim là hoàn cảnh sống trong mặt trận an ninh, tình báo với nhiều bí mật, thấy vậy mà không phải vậy.


Cảnh trong phim Vết dầu loang. Ảnh do đoàn phim cung cấp

* Còn về đặc thù nghề an ninh, tình báo, anh có gặp nhiều khó khăn không?

- Tình báo thời chiến đã khó tái hiện, huống chi đây là tình báo thời bình, nơi địch và ta hoạt động chung địa bàn, đâu dễ phân biệt trắng đen, ta địch. Khi cầm kịch bản này đi chào hàng, nhiều người còn hỏi đầy ngạc nhiên: Thời bình sao lại có tình báo nhỉ?

Một cái khó nữa, đề tài an ninh, tình báo nhiều người đã viết, đã làm phim rồi, phim mình ra sau, tìm sự khác biệt ở đâu? Nếu làm không khéo sẽ trở thành thứ minh họa xơ cứng, tước mất tính nghệ thuật, khán giả sẽ không xem. Quan điểm của tôi là không nên và không thể tô hồng lịch sử, nên cần cái nhìn khách quan nhất có thể.

* Vậy thì anh có nghĩ phim đã đạt đến tính khách quan và thông điệp mà kịch bản mong muốn chưa?

Phim thuộc thể loại tâm lý hành động, an ninh tình báo, với sự tham gia của Mai Sơn Lâm, Trung Dũng, Thân Thúy Hà, Lê Chi Na, Lý Anh Tuấn, NSƯT Tạ Minh Thảo, Đức Sơn, Trung Dũng, Mạnh Dung… Kịch bản phóng tác theo truyện ngắn Lữ quán đêm tử thần của Nguyễn Thiếu Hoàng từ năm 2005.
- Tôi tạm vui vì sau gần 10 năm thì phim cũng đến giờ lên sóng, chứ mãn nguyện thì chưa dám nghĩ đến, vì có quá nhiều giới hạn, hạn chế trong quá trình sản xuất. Còn thông điệp gần gũi nhất của phim là ở các câu hỏi: Những người trong lực lượng tình báo cả hai chiến tuyến họ đã sống như thế nào trong hoàn cảnh của mình? Ngay cả bên chiến thắng, họ có phải chịu mất mát, đau thương không?

Bước qua cái vỏ cháy nổ, đánh đấm và cả các mưu lược tình báo căng thẳng vẫn là khát khao làm sao để “bốn bể anh em một nhà”? Bởi cái giá của thù địch, của chiến tranh là quá lớn, làm sao để khi hết mặt trận, hết chiến tranh, người ta có thể sống an hòa với nhau?

Kể chuyện tình báo bằng hành động

Được sự trợ giúp về khí tài từ Quân khu 7 và các lực lượng công an nên Vết dầu loang đã thực hiện được rất nhiều cảnh chiến đấu, cháy nổ tương đối bề thế. Khi sắp khởi quay (22/3/2013) chuyên gia khói lửa Lê Minh Phương qua đời do tai nạn thảm khốc tại nhà, thế nhưng từ những gì họ đã cùng nhau vạch ra, đoàn phim đã hoàn tất được phần lớn, nên phim vẫn trân trọng đề tên Phương “khói lửa”.

Đây có lẽ là một trong vài phim cuối cùng mà chuyên gia Phương “khói lửa” thực hiện. Riêng về phần hành động, đánh đấm thì do nhóm cascadeur Quốc Thịnh dàn dựng nên khá táo bạo, đẹp mắt.

Chủ trương của đoàn phim là lấy khói lửa, súng ống và đánh đấm để kể câu chuyện tình báo, nên khán giả không nhất thiết phải căng não khi xem. Nhân vật tình báo chính của phim lại là đứa con của hai chế độ, hai chiến tuyến nên càng éo le, căng thẳng.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm