Nhà báo Mỹ khâm phục ý chí của cô bé Việt Nam

02/11/2011 18:46 GMT+7 | Trong nước

Một cô bé Việt Nam 14 tuổi với giấc mơ học hành mong đổi đời đã khiến nhà báo danh tiếng ở Mỹ cảm động.


Nhà báo Nick đang được các em bé Việt Nam dạy đếm bằng tiếng Việt. Ảnh: John Wood/Twitter


Nhà báo Nicholas D. Kristof kể rằng ông tới Việt Nam để thực hiện một dự án phim tài liệu, và lưu lại một ngôi làng nhỏ thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, Nick, tên gọi thân mật của nhà báo từng hai lần nhận giải báo chí Pulitzer danh giá, gặp một cô bé mới 14 tuổi nhưng có khát khao đèn sách lớn đến nỗi luôn thức dậy từ 3 giờ sáng mỗi ngày, để làm việc nhà rồi sau đó làm bài tập.

Cô bé tên Phụng rất mong muốn được theo học cả các lớp phụ đạo để nâng cao kiến thức. Gia đình Phụng hy sinh tất cả để dành dụm tiền đóng học phí cho con gái, vì họ tâm niệm rằng học tập là con đường để tìm kiếm những cơ hội đổi đời trong tương lai.

Trên trang Twitter, nhà báo Mỹ thậm chí đúc kết ngắn gọn: "Cô bé nghèo về vật chất nhưng lại quá giàu nghị lực".

Sau khi nói về trường hợp Phụng, Nick đặt ra so sánh giữa nền giáo dục Mỹ và giáo dục Việt Nam. Theo nhà báo 52 tuổi, người Mỹ đang bị tụt lại phía sau vì một nền giáo dục thiếu sự cạnh tranh. Tỷ lệ tốt nghiệp ở các trường trung học cũng như tỷ lệ học tiếp lên cao đẳng, đại học ở Mỹ hiện chỉ ngang với mức của những năm 70 thế kỷ trước. "Có quá nhiều điều chúng ta cần tiếp thu từ khát vọng học tập tại các nước châu Á", Nick kết luận.

Quan điểm của nhà báo đang làm việc cho tờ The New York Times nhận được sự chia sẻ của nhiều người. Một người có tên Susanne Sayers kể về trải nghiệm đã có được khi tới Việt Nam năm ngoái. "Tôi trò chuyện với một bà mẹ luôn một thân một mình làm mọi công việc đồng áng, tất cả là để dồn cho những đứa con của bà có thể bước chân vào các trường cao đẳng, đại học", Sayers chia sẻ.

"Bà ấy dậy từ 5 giờ sáng để làm những công việc thường nhật. Chỉ cần nghĩ tới từng ấy công việc thôi là tôi đã thấy mệt rồi, vậy mà bà ấy còn làm cả công việc tự nguyện cho làng của mình, đó là trồng đước để giữ cho bờ biển không bị xói mòn".

Khi Sayer hỏi: "Lúc nào bà mới đi ngủ?", cô nhận được câu trả lời gần như luôn giống nhau: "Ôi, khoảng nửa đêm cơ. Thỉnh thoảng sớm hơn một chút nếu tôi thấy mệt". Sayer kể rằng người phụ nữ Việt Nam ấy làm tất cả vì con, bà tự hào về chúng vì tất cả đều học giỏi. "Chúng nói với tôi rằng đó là vì tôi đã làm việc vất vả, và chúng không muốn làm tôi phải thất vọng", Sayer dẫn lại lời bà mẹ giàu nghị lực.

Nhiều thành viên khác trên Facebook thì tranh luận về giáo dục giữa hai nước. Một người có tên Mr. K's Classroom lý giải nền giáo dục Mỹ giậm chân tại chỗ từ hơn 40 năm qua vì nền giáo dục này đã lỗi thời nhưng lại có quá ít sự thay đổi. Những người trẻ tuổi ở Mỹ vẫn có khát khao học tập, nhưng họ lại quá chán nản với nền giáo dục ít đổi thay. "Hãy làm mới nền giáo dục và khơi gợi đam mê học tập của những thanh niên Mỹ", thành viên này kết luận.

Thành viên Susan Connolly thì cho rằng đam mê học tập thường không được đổi lại bằng những cơ hội việc làm ở nước Mỹ. Nếu các tập đoàn lập nên các quỹ dành cho việc học tập tại các trường đại học hơn là đốt tiền trong các tiêu dùng cá nhân, có lẽ việc học tập của các sinh viên sẽ trở nên có định hướng tốt hơn, nhằm đáp ứng các nhu cầu nhân lực thực sự của xã hội, Connolly nhận định.

Tuy nhiên, trong số hàng trăm người tham gia cuộc trao đổi trên trang Facebook của Nick, cũng có không ít thành viên bày tỏ quan điểm phản biện. Thành viên Aman Malkani tự nhận là một người châu Á và cho hay việc dành tất cả thời gian cho học hành đồng thời không được vui chơi đã ăn sâu trong nhiều thế hệ. Tại Ấn Độ, nơi Malkani sống, việc quá chú trọng vào học hành khiến nhiều người không có thời gian và cũng không được phép chơi thể thao.

Thành viên Anthony De Simone thì cho rằng ví dụ điển hình về bé Phụng mà nhà báo Nick đưa ra không chứng minh được điều gì. De Simone còn dẫn ra những tấm gương như Steve Jobs hay Bill Gates, những người làm nên sự nghiệp lẫy lừng mà không tốt nghiệp một trường đại học nào.

De Simone còn cho rằng những đứa trẻ ở Mỹ ngày nay thường dậy sớm để tới các lớp tập thể dục, để phụ giúp công việc ở các nông trại, để đi giao báo, hay để rèn luyện kỹ năng sử dụng các nhạc cụ. Tất cả những việc này đều được thực hiện trước khi tới trường. Theo đó, thành viên De Simone cho rằng trường hợp bé Phụng mà nhà báo Nick dẫn ra không thể là một dẫn chứng phù hợp để đặt ra sự so sánh về đam mê học tập ở nước Mỹ.

Phụng đang được bảo trợ bởi một chương trình của Room to Read, một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại San Francisco, Mỹ. Tổ chức này tập trung vào việc bình đẳng giới và học vấn trong giáo dục. Phối hợp với các tổ chức đối tác địa phương, Room to Read phát triển các kỹ năng đọc và viết, cũng như thói quen đọc của các học sinh tiểu học. Đặc biệt, tổ chức này hỗ trợ các học sinh nữ hoàn tất chương trình trung học cơ sở với các kỹ năng sống có ích cho việc thành công trong nhà trường và xã hội.

Hôm 28/10, tổ chức Room to Read đã trao một tủ sách mới cho thư viện của trường tiểu học Ngũ Hiệp 2, tỉnh Tiền Giang. Hoạt động được tổ chức nhằm kỷ niệm sự kiện cuốn sách thứ 10 triệu mà Room to Read quyên góm được cho 12.000 thư viện tại 9 quốc gia đang phát triển ở châu Á và châu Phi.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm