17/06/2024 17:43 GMT+7 | Văn hoá
Tập hợp 50 bài viết về những con người đã tạo dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời cầm bút gần 45 năm của nhà báo Hồ Quang Lợi vừa NXB Hà Nội phát hành với tên gọi Người trên đường đời. Cuốn sách cũng vừa ra mắt bạn đọc vào sáng 12/6 tại Thư viện Hà Nội nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).
Lâu nay, nhà báo Hồ Quang Lợi vốn được biết đến với những đầu sách thuộc thể loại chính luận, cũng chính là sở trường trong sự nghiệp làm báo của ông. Thế nhưng, đến Người trên đường đời đã cho thấy một Hồ Quang Lợi khác hơn, mới hơn, khi đặt con người là chủ thể chính trong tác phẩm của mình.
"Suy cho cùng, con người là tất cả"
Chia sẻ về cuốn sách mới nhất của mình, Hồ Quang Lợi cho biết suốt gần 45 năm làm báo, ông chủ yếu viết chính luận, bình luận quốc tế, cùng với những vấn đề về đối ngoại của Việt Nam. Riêng với Người trên đường đời viết về các nhân vật để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời làm nghề của ông.
"Nói tới nhân vật tức là nói về con người. Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc đặt tên cuốn sách. Tôi quyết định đặt một cái tên rất gần gũi, rất thương mến: Người trên đường đời. Giản dị là vậy, nhưng nó chứa biết bao suy nghĩ của tôi về con người trong cuộc sống, trên thế gian này, đó là làm sao để tôn vinh, quý trọng con người" - ông Lợi bày tỏ - "Suy cho cùng, con người là tất cả. Con người là cao quý nhất, là đẹp nhất và đáng trân trọng nhất. Và, phẩm giá con người là thứ quý giá nhất là trên cuộc đời này. Do đó, cuốn sách là những gửi gắm tình cảm và tâm tư của tôi về chữ người trong cuộc đời này".
Gần 45 năm làm báo, là chừng ấy thời gian cho Hồ Quang Lợi có may mắn được gặp, tiếp xúc và làm việc với nhiều con người của lịch sử, trong đó có nhiều vịlãnh đạo của Việt Nam và của các nước trên thế giới. Họ đều để lại trong Hồ Quang Lợi những ấn tượng sâu sắc. Những con người đó - với vai trò, sứ mệnh, hoàn cảnh đặc biệt khác nhau - đã tác động mạnh mẽ tới dòng chảy của lịch sử Việt Nam.
Đơn cử, 7 chân dung ở phần 1 (Người giữa phong ba) và 11 chân dung ở phần 2 (Phẩm cách), họ đều là những con người gắn với những sự kiện lịch sử hoặc những thay đổi quan trọng của đất nước…
Nhân vật trong Người trên đường đời còn là những con người có những sắc thái đặc biệt trên nhiều lĩnh vực, cả trong và ngoài nước. Đó là những văn nghệ sĩ, những bậc trí thức được Hồ Quang Lợi "dựng" chân dung ở phần 3 (Chở bao nhiêu đạo…) như nhà sử học Phan Huy Lê, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, GS Vũ Khiêu, nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Phan Quang… Đó còn là những người bạn quốc tế vô cùng yêu mến Việt Nam, những nhân vật tầm cỡ thế giới và cả những người có thể làm thay đổi trật tự thế giới được Hồ Quang Lợi đề cập trong phần cuối: Ánh sáng của lương tri.
"Mỗi bài viết của Hồ Quang Lợi, dù về bất cứ nhân vật nào ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài, đều thể hiện kết quả của một quan sát, một chiêm nghiệm sâu sắc" - nhà thơ Bằng Việt.
Không chỉ dựng lên những chân dung thuần túy
Viết về những con người mà mình có may mắn gặp trong đời, nhà báo Hồ Quang Lợi bày tỏ, chính họ đã cho ông nguồn năng lượng để sống và viết. "Những bước đường đầy gian truân, thử thách và những cống hiến của họ là những ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin về những giá trị đích thực trong cuộc sống", tác giả Người trên đường đời bày tỏ.
Chia sẻ góc nhìn này với tác giả, nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, với Người trên đường đời, Hồ Quang Lợi đã "trả món nợ" tình cảm, tình nghĩa đối với những con người đã gặp trong đời mình.
"Hồ Quang Lợi rất quan tâm đến những con người sống xung quanh mình, dù đó là những con người bình thường hoặc là những lãnh đạo cấp cao của đất nước. Mỗi người đều mang tới cho tác giả những cảm nhận cụ thể cho tới những bài học về cách sống để anh tiếp nhận và đưa lên trang sách" - ông Việt nhấn mạnh - "Để rồi, con người là trung tâm trong tác phẩm của anh. Hồ Quang Lợi đã sống trọn vẹn với những nhân vật của mình trong cùng một thời đại, từ đó anh rút được rất nhiều bài học từ những con người ấy. Và, cũng chính những con người này đã tạo cho anh cảm hứng để sống và có được thành tựu như ngày hôm nay".
Ông Việt cũng khẳng định, tất cả các bài viết của Hồ Quang Lợi đều thấy thấp thoáng đằng sau những suy nghĩ, những nhận định, những giải thích của tác giả về những vấn đề của thế giới, của xã hội đương đại đang được quan tâm. Vì lẽ đó, viết về con người cụ thể nhưng tác phẩm của Hồ Quang Lợi không chỉ dựng lên những chân dung thuần túy.
"Phải chăng khi viết Người trên đường đời, tác giả đã tự đặt mình vào vị trí một công dân của thế giới. Đối với mỗi người được tiếp xúc, đối với những vấn đề đưa ra thành tấm gương hoặc ấn tượng đáng nhớ trong sách, anh đều viết rất kĩ, rất chân thành, để có những phát hiện về từng nhân vật. Bởi thế, mỗi bài viết của Hồ Quang Lợi, dù về bất cứ nhân vật nào ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài, đều thể hiện kết quả của một quan sát, một chiêm nghiệm sâu sắc", nhà thơ Bằng Việt cho hay.
Là kết quả của "một quan sát, một chiêm nghiệm sâu sắc" nên Người trên đường đời cũng được Hồ Quang Lợi gửi gắm nhiều thông điệp ở tầng sâu của con chữ. Đó cũng là những vấn đề mà ông luôn đau đáu suốt cuộc đời làm nghề của mình.
"Thứ nhất, đó là sự tri ân. Chúng ta phải nhớ đến những sự kiện đã xảy ra trên đất nước này, những con người đã đóng góp mồ hôi, xương máu để có cơ đồ hôm nay, cùng với tinh thần trách nhiệm xây dựng tương lai để không hổ thẹn với tiền nhân. Thứ hai, phải sống tử tế, phải có tình thương yêu con người. Một xã hội dù có hoa lệ, có phồn vinh đến mấy mà không có tình thương yêu con người, thì đó không phải là một xã hội đáng sống" - ông Lợi bày tỏ - "Và cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần hòa hiếu giữa các dân tộc. Tinh thần này giúp chúng ta vượt qua hận thù để làm bạn với những quốc gia từng là "cựu thù", để trở thành đối tác chiến lược toàn diện với những nước lớn. Đây là cơ hội để đất nước ta phát triển mạnh mẽ và vững chắc trong tương lai".
Nói rộng ra, nhà báo Hồ Quang Lợi còn khẳng định trách nhiệm của những người làm báo với món nợ cuộc đời vẫn còn đó, thôi thúc ông và các đồng nghiệp tiếp tục viết, tiếp tục làm nghề bằng tinh thần dấn thân và cống hiến.
"Còn đó những bất công xã hội, những ngang trái trong cuộc đời với biết bao khổ đau, ngòi bút của chúng ta đã hướng đến chưa, bảo vệ con người chưa? Ngòi bút của của chúng ta đương nhiên là phải có đạo đức, đương nhiên là phải chính trực. Vì, chỉ có chính trực và nhân văn thì ngòi bút của chúng ta mới có ích cho xã hội" - ông Lợi chia sẻ - "Ngòi bút của chúng ta viết về những điều tốt đẹp, đấu tranh để chống lại cái ác, cái xấu để nhân lên niềm tin vào lẽ phải, vào công lý và sự thật. Ngòi bút của chúng ta không làm được điều đó, chúng ta chưa hoàn thành trách nhiệm với xã hội. Đó vẫn còn là một con đường chông gai của những người làm báo".
Vài nét về nhà báo Hồ Quang Lợi
Ông sinh năm 1956 tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông hiện là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Rumani, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.
Ông từng giữ cương vị Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Tổng biên tập báo Hà Nội mới, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN...
Ông đã được trao 9 giải báo chí (trong đó có 5 giải A) ở cấp quốc gia hoặc toàn quốc. Ông đã viết hàng nghìn bài bình luận đăng trên các báo và xuất bản nhiều tác phẩm có giá trị như: Cuộc bứt phá toàn cầu (NXB Quân đội nhân dân, 1997), Ẩn số thời cuộc (NXB Quân đội nhân dân, 2004), Xung chấn kỷ nguyên đột biến (NXB Quân đội nhân dân, 2011), Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc (NXB Quân đội nhân dân, 2012), Những chân trời cuộn sóng (NXB Hà Nội, 2013), Hà Nội - Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại (NXB Hà Nội, 2014), Thế sự và mắt nhìn (NXB Hà Nội, 2015), Nước Nga hành trình tới tương lai (NXB Hà Nội, 2017), Thời cuộc và Văn hóa (NXB Hà Nội, 2019),…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất