Nhà báo Đỗ Tuấn: 'Không nên đẽo cày giữa đường'

25/11/2015 08:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh các vấn đề của bóng đá Việt Nam, Thể thao & Văn hoá có cuộc trao đổi khá thẳng thắn, thú vị với Nhà báo Đỗ Tuấn đến từ báo Bóng Đá, một người có đủ trải nghiệm và thâm niên trong nghề.

Chuyện về QBV Việt Nam 2015

* Từng nhiều năm là thành viên BTC cuộc bầu chọn QBV Việt Nam, khi anh còn công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, Đỗ Tuấn hẳn có nhiều trải nghiệm thú vị?

- Mỗi năm đều có những tranh cãi, có những khó khăn, đặc biệt là trong việc tìm kiếm nhà tài trợ. Tôi đã từng trải qua những thăng trầm của giải thưởng, chung lưng đấu cật với BTC cuộc bầu chọn và điều đó cho tôi những trải nghiệm nghề nghiệp rất thú vị.

* Cựu danh thủ bóng đá nữ Việt Nam, Lưu Ngọc Mai, chia sẻ rằng, các cuộc bầu chọn sau này gần như chỉ cho có, khi nhân tài bóng đá vơi dần và các thần tượng cứ lần lượt bỏ đi. Ngọc Mai thậm chí còn ví các cuộc vinh danh cá nhân dành cho giới cầu thủ không khác cuộc thi sắc đẹp là mấy, khi vẻ đẹp thuần Việt không còn được bảo lưu. Quan điểm của Nhà báo Đỗ Tuấn về vấn đề này?

- Tôi không đồng ý khi cho rằng các cuộc bầu chọn chỉ cho có. Nền bóng đá có những thăng trầm. Không phải năm nào chúng ta cũng sản sinh ra một lứa cầu thủ giỏi, xuất sắc và năm nào bóng đá Việt Nam cũng gặt hái được thành tích. Chúng ta phải chấp nhận điều đó như một thực tế khách quan. Nó không hẳn giống như sắc đẹp Việt Nam, bởi bóng đá có những đòi hỏi khắt khe hơn. Nếu chúng ta có một nền bóng đá ổn định và nhiều cầu thủ giỏi, các thế hệ khác nhau, thì bóng đá Việt Nam không vất vả như thế này.

* Một vấn đề cá nhân, Đỗ Tuấn đã bỏ phiếu cho ai trong cuộc đua đến danh hiệu cá nhân năm 2015?

- Với hạng mục QBV nam, tôi đã rất khó khăn trong việc bầu chọn, bởi chúng ta không có nhiều quá nhiều các gương mặt nổi trội. Nhưng ở hạng mục QBV nữ, tôi chọn Huỳnh Như (TP.HCM) và cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, theo tôi khó ai vượt qua được Đỗ Duy Mạnh (Hà Nội T&T).

Chuyên gia Trịnh Minh Huế: 'Công Phượng không được đề cử bóng Vàng là khó hiểu'

Chuyên gia Trịnh Minh Huế: 'Công Phượng không được đề cử bóng Vàng là khó hiểu'

Chuyên gia Trịnh Minh Huế tỏ ra khó hiểu khi trong danh sách bầu chọn Quả bóng Vàng Việt Nam 2015 không có tên Nguyễn Công Phượng.


Về bóng đá trẻ Việt Nam

* Những ngày vừa qua, bóng đá trẻ Việt Nam lại lên cơn sốt tại sân Thống Nhất, ngay trúng thời điểm “nông nhàn”, anh có cảm xúc gì?

- Nói chung, đây là một giải đấu truyền thống của báo Thanh Niên, với tuổi đời đến gần 20 năm, đấy là một điều rất đáng trân trọng với những người làm nghề như chúng ta. Nó cũng giống như báo Bóng Đá đã từng nhiều năm chia sẻ với VFF, tổ chức giải U17 quốc gia vậy. Với cầu thủ trẻ, các trận đấu còn là cơ hội cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm, cái này không mua được bằng tiền.

* Chuyện CĐV bóng đá Việt Nam (VFS) đang chia rẽ sâu sắc nội bộ, bên trọng bên khinh giữa U21 Báo Thanh Niên và U21 HAGL. Dường như Đỗ Tuấn cũng là người trong cuộc, với các vấn đề - quan điểm gây tranh cãi?

- Đầu tiên, tôi muốn CĐV cổ vũ chuyên nghiệp hơn. Nếu bạn là fan của HAGL, thì bạn nên mặc áo, cờ và gọi tên HAGL, thay vì mặc áo hình quốc kỳ và hô vang Việt Nam. Chúng ta cần hướng đến sự chuyên nghiệp, từ việc cổ vũ - cổ động bóng đá. Sau các trận đấu vừa qua, chính các cầu thủ HAGL đã phản ứng với tôi rằng, họ vẫn muốn CĐV gọi đúng tên của họ.

Và chuyến “du học” Hàn Quốc

* Năm ngoái và cả những năm trước, chúng ta cắp sách đi học Nhật Bản, học mô hình J-League được xem là chuẩn mực bậc nhất châu Á. Nhưng năm nay, VFF và nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, VPF, lại tìm đến K-League của Hàn Quốc để tham khảo?

- Nói chung, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia có nền bóng đá mạnh nhất châu Á, cũng như các giải đấu chuyên nghiệp của họ là rất quy củ. Việc chúng ta đi học hỏi mô hình, hay tham khảo, đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, học như thế nào và áp dụng ra sao, thì phải đúng theo thực tế của bóng đá Việt Nam, chứ đừng theo dạng “đẽo cày giữa đường”.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị!

36. Đấy là số cán bộ VFF và VPF đang tham dự chuyến công tác nghiên cứu, học hỏi bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc. Nếu chi phí cho một cán bộ là 50 triệu đồng thì sơ sơ cũng gần 2 tỷ đồng.

255. Với 255 điểm, tiền vệ Phạm Thành Lương đã vượt qua Nguyễn Văn Quyết (180 điểm) và Lê Công Vinh (126 điểm) để đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2014.

13. Tại V-League 2015, Văn Quyết đã ghi 13 bàn và thực hiện hơn 10 đường chuyền thành bàn, giúp Hà Nội T&T giành ngôi á quân. Đấy là con số ấn tượng ở cấp CLB nhưng ở ĐTQG Quyết chơi không ấn tượng lắm.


Tùy Phong (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm