14/07/2013 17:06 GMT+7 | Đọc - Xem
1. Một lần, rất ơ hờ, tôi đã cầm điện thoại khi có số máy lạ gọi tới để nói chuyện liên quan đến bài báo, và người gọi xưng tên là Nguyễn Văn Học. Một lần khác, gặp nhau loáng thoáng trong hội nghị văn chương, tôi cũng nhìn anh ngơ ngơ, không nhận ra đó là ai, cho đến khi Văn Học giới thiệu tên.
Có lẽ Văn Học không gây ấn tượng gì cho người tiếp xúc từ cách ăn nói chầm chậm nhát gừng, có vẻ như đang suy nghĩ nhưng chẳng có gì để nghĩ, từ khuôn mặt đâu đâu cũng thấy giông giống, và truyện anh viết, cầm lên, đọc vài chữ, lại để xuống… ngoài cái tên.
Cuộc đời Nguyễn Văn Học trải qua nhiều khốn khó. Những trở ngại của đời thường là nguồn dinh dưỡng tốt nuôi tâm hồn người, nếu người có đời sống nội tâm và hướng thiện. Thông thường, nếu hỏi cuộc đời của văn sĩ, ít ai kể cho bạn nghe một câu chuyện về tuổi thơ trong sáng, giản dị, vui vầy ấm áp bên người thân. Người khi đã cầm bút viết, sẽ có một ẩn ức hay nỗi cô độc lớn trong lòng hòng tìm cách khơi gợi tỏ bày để xóa nhòa đi.
Chân dung nhà văn Nguyễn Văn Học
Thế nên, khi Văn Học đi làm việc ở trong nhà nghỉ, rồi thoát khỏi lo lắng của người quen rằng anh có thể vướng vào làm “bảo kê”, rơi vào vũng bùn “nhơ nhớp”. Có hơi quá chăng, khi mặt mũi anh giản dị lành hiền thế kia, và dường như chuyện vì tiền bạc mưu sinh có thể mua rẻ tâm hồn người đến thế, thì chẳng dại gì lại cầm bút viết văn. Rốt cuộc, Văn Học đã chọn con đường chữ nghĩa để sống. Dù vẫn còn đấy quá nhiều nhọc nhằn.
2. Khi vết thương nằm xuống kể chuyện đời. Văn là đời, đời cũng từ văn sinh ra, là lẽ thường nhiên.
Câu chuyện về một người đàn bà đáng tuổi mẹ, mang trong lòng nỗi căm hận đàn ông, giúp đỡ nhận một cậu bé dân quê làm con nuôi từ tình thương xót, rồi đôi khi lại thèm khát cơ thể chính con nuôi mình.
“Những năm tháng đó, đã trôi đi như những đám mây trên trời và chỉ khắc lại trong lòng bà Hát sự thèm khát, thứ tình yêu nguyên thủy đối với cậu con trai” (tr.262).
Xung quanh đấy, có rất nhiều tình tiết, mà có nhà báo nói rằng, truyện cứ như là phim.
Mà có vẻ mang dáng kịch bản phim thật, người viết không muốn nhọc sức đi tìm sự thật đằng sau từng hành động, mà đứng quan sát rồi kể lại. Dường như, Văn Học không bỏ công làm văn, câu chữ anh viết kiểu nhanh như cho xong, kể lể hồi tưởng quá khứ lặp lại dông dài, chấm phẩy thiếu dụng ý, gây nên sự trúc trắc khó tường minh mà vẫn mang phần dễ dãi.
“Giống như một đám quỷ dữ đói khát, đám thanh niên này ngứa chân ngứa tay, có thể lâu ngày chưa được động chân động tay nên vớ được một thằng kẻ trộm là đấm đá cho sướng, cho chết, cho ngã ngửa người, cho sáng mắt ra…”, trang đầu tiên cuốn sách anh viết thế.
“Khi tôi và Hoàng đang thảo luận về sự tăng dân số đột biến của năm qua mà một số tờ báo đã lưu tâm nói đến thì chàng công an trẻ gọi điện, giọng cậu ta gấp gáp…” đó là câu văn của trang cuối cùng.
Bạn thấy gì ở những câu kể như thế?
Sự dễ dãi đi suốt cả cuốn sách, hiếm hoi để tìm một câu chữ “đắt”, có chắt lọc qua cảm xúc lẫn tư duy. Tôi không rõ Văn Học có tự hài lòng với những gì anh viết ra hay không? Hay chính anh cũng đang hoài nghi? Hay chăng từ điều viết mà không nhìn, không nghĩ, không xem lại, cũng chưa chinh phục được chính người viết ra, thế nên người đọc khó thấy “sướng”.
Cầm sách lên, rồi bỏ xuống, cứ cho rằng tôi khó tính, ưa xét nét. Nhưng đơn giản là, sách viết ra người ta không hăm hở đọc bởi nếu tìmtính văn chương trong ngôn ngữ lại thiếu. Giống như đứng trước một triển lãm, người xem không buồn xem xét tư tưởng ý nghĩa tác phẩm khi cái đầu tiên làm nên chất mỹ thuật là vẻ đẹp thị giác, lại không được tìm thấy ở đây.
Bìa tiểu thuyết Khi vết thương nằm xuống
3. Tiểu thuyết Khi vết thương nằm xuống được sáng tác xong năm 2008, nhưng vừa qua mới được in. Không hiểu sao, bản thảo của Nguyễn Văn Học lại nằm ủ lâu thế? Trung bình 1 năm, anh hoàn thành 2 đầu sách văn học, chưa tính tùy bút, chân dung… dường như là, anh gắn đời mình vào việc viết. Nhưng nhắc đến tên anh, gắn liền với tên đứa con tinh thần nào, thì liệu mấy người nhớ?
Người được gọi là nhà văn, hay người làm văn chương thì trước tiên, cần biết kể ra một câu chuyện hay, thu hút người đọc, dù mức đó chỉ dừng lại danh xưng “người kể chuyện”. Sau đó, biết cách tạo ra mỹ cảm từ ngữ, xa hơn là tạo ra một thế giới mới khác, mà người đọc lại tưởng “bịa như thật” vì họ tìm được chính con người mình trong thế giới ấy. Niềm đồng cảm, lay động tâm hồn người đọc, cũng như thông qua tác phẩm, nhà văn giúp cho người đọc giải đáp được những câu hỏi tưởng chừng bế tắc của mình. Giỏi hơn nữa, tạo ra tư tưởng sống mới, tích cực, là điều thiết yếu cho tác phẩm tồn tại.
Nếu đơn giản chỉ là tường thuật lại một câu chuyện, rồi thêm bớt chi tiết, và gọi đó là văn chương thì ai cũng có thể là nhà văn, bởi vốn dĩ sinh ra, con người đã biết nói nhiều hơn nghe.
Ai cũng muốn kể bắt đầu từ chính câu chuyện về bản thân mình, rồi đến kể hộ chuyện cho người và ảo vọng về giấc mộng văn sĩ.
Sau giấc mộng văn sĩ, thì còn lại gì?
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất