Nguyễn Thu Hằng - người kể cổ tích hiện đại

18/04/2022 18:32 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cô giáo Nguyễn Thu Hằng gõ phím viết tập truyện Chuồng cọp trên cao (NXB Trẻ 2022) khi đã có 160 truyện ngắn in thành sách, sau khi xuất hiện trên các trang báo.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7: 2 'cảnh giới' của 1 hiện thực

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7: 2 'cảnh giới' của 1 hiện thực

Từ 511 bản thảo dự thi, giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 vừa công bố 12 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo.

Nguyên Thu Hằng nhận được 18 giải thưởng văn chương các loại nhờ những trang mình đã viết. Tập truyện có cái tên là lạ ấy, Nguyễn Thu Hằng gửi tham gia cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ VII và trở thành 1 trong 12 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo (Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 5/2022).

1. Sách kể chuyện làng quê Việt Nam ngày hôm nay. Chuyện gốm làng, rượu làng, chùa làng, chợ làng … với những người làng ta, thật đẹp.

Một người con trai hiếu thảo, chiều ý bà mẹ mới ốm dậy, ẵm bà đặt lên cái xe kéo lót rơm, trải mền cẩn thận, tự tay kéo mẹ ra đồng giữa ngày mùa để mẹ được đưa tay: “…chạm vào một bông lúa. Mẹ run run nâng bông lúa lên. Những hạt thóc mẩy vàng đang cọ lên bàn tay nhỏ bé, xương xẩu của mẹ”, để một người bạn cấy ngày xưa “…nhai dập miếng trầu giúp mẹ, mẹ lại nhai bỏm bẻm” (Con chim xanh vẫn hót).

Chú thích ảnh
Tác giả Nguyễn Thu Hằng

Một anh thợ gốm say huyền thoại, tin huyền thoại, dám lặn xuống mỏ đất sét trắng dưới sông sâu, dám treo lên những đại thụ cao xanh giữa rừng đại ngàn hái hoa phong lan, ướp thơm đất kia, thực hiện giấc mơ gốm của mình - tạo ra những vòng cườm gốm ngát hương, đeo cổ tay. Người ấy ngã bệnh đột ngột ngay trước cửa lò gốm của mình. Người ấy chết giữa say mê, nhưng kịp để lại hương thơm cho làng mình, cho người mình yêu!

Một bác phó may thương binh, (Bông gạo trắng ngần) không ngại đạp máy khâu, chắp vải thừa, vải mụn, đủ các thứ màu, may con gấu nhồi “bông gạo trắng ngần” tặng cô bé nghèo, con một bà mẹ đơn thân. Cũng bác phó ấy giỏi đàn, như một anh xẩm chợ thời @ biết kể chuyện làng mình bằng tiếng guitar “... như tiếng gió thổi trên đồng chiều, như tiếng sóng vỗ bờ khi trăng lên. Như tiếng bàn chân trần thậm thịch nện xuống đất thâm lúc trên vai quẩy gánh hàng nặng. Như có tiếng cười con trẻ khi bẻ miếng bánh đa vừng giòn tan. Tiếng xé trái cau của bà lão thắt khăn mỏ quạ, lại nghe tiếng rượu chảy trong chai của cô thôn nữ thắt dây lưng xanh ngồi bán rượu dưới gốc gạo già”.

Cô sinh viên nhạc viện tên My trong truyện như bước ra từ dòng nhạc kia, như cô chính là cao trào của giai điệu văn chương ấy, sau một đảo phách bất ngờ, quay lưng với xuất du học nước ngoài “… khoác đàn lên vai, đi sâu vào chợ” làng mình, sẵn sàng làm người hát rong trong một nông thôn đang đổi mới.

2. Trong Chuồng cọp trên cao, tác giả Nguyễn Thu Hằng là người kể cổ tích hiện đại. Chất cổ tích có được là nhờ những phi thường được đưa vào theo lối viết hiện thực huyền ảo. Bằng lối viết này, tập truyện có những nhân vật trở về từ cõi âm trong dòng chảy cốt truyện.

Nhân vật Giang (Cánh hoa bay) đã trầm mình vì bị cha dượng xâm hại, lại “hồi sinh” trong không gian nghệ thuật truyện để thành người trần thuật ở ngôi thứ nhất, đưa bạn đọc tới nghĩa trang làng, để mình đọc tên mình trên mộ bia của mình! Đồng hiện nhịp nhàng giữa hiện thực và huyền thoại, hồn ma ấy nhường lời cho nhà văn - ở ngôi thứ ba, kể câu chuyện cái xấu bước vào làng theo dòng chảy ma túy để rồi: “Con quỷ đó đã hại Giang trong buổi chiều mưa gió mẹ và em trai không có nhà. Giang từ bãi sông chạy mưa về, trong túi còn cất mấy cánh phượng đầu mùa. Quần áo Giang dấp dính nước, bó chặt lấy thân thể đang lớn của thiếu nữ mười sáu khiến con mắt quỷ rực lên, cái lưỡi khô đảo liếm mép”. Tìm thấy Giang chết trôi trên sông Thái Bình “Mẹ gào lên, sẽ giết nó. Mẹ rút cây dao chạy ra đường, nhưng đường nhiều ngả, biết tìm ở đâu?”. Mẹ không tìm được thì Giang bay về tìm giúp mẹ từ cõi âm. Để nhân vật của mình trở về từ lối này, tác giả đã hiện thực hóa chữ quả báo trong Phật pháp! “Con quỷ” bị công an bắt giữ ở chính khúc sông ấy, trước sự chứng kiến từ những mắt lá xanh của cây đa làng khi người của thế giới bên kia đang vắt vẻo trên ngọn cao. Quả báo ấy thành thông điệp cảnh báo của tác phẩm.

Chú thích ảnh
Tập truyện “Chuồng cọp trên cao”

Trong cổ tích hiện đại của Nguyễn Thu Hằng, lối viết hiện thực huyền ảo (có nguồn gốc Tây phương) còn được cổ trang hoá, tạo hơi hướng liêu trai Đông phương, khi để người yêu hoa, hoa yêu người, tăng thêm tính hấp dẫn. Đây là lời của một nhành hoa, của người đẹp phong - lan - phi - điệp, được gả bán vào một lâu đài hoa lầu son gác tía có tên là “chuồng cọp”, những lời cả ghen trong một cuộc tính tay ba, tay tư: “Tôi đã nhận ra người con trai đứng trước mặt, người con trai đang hôn Nhi của tôi. Tôi đã nhận ra. Khi ánh mắt anh ấy nhìn thẳng vào tôi như thiêu đốt. Anh ấy có đôi mắt nhóm lửa vào lòng người khác. Nhi đang bị bốc cháy và tôi cũng từng bị vậy trong đêm trăng bên hiên nhà nghe anh ấy thổi sáo. Chính anh ấy đã bứt tôi ra khỏi thân cây cổ thụ trong rừng Thượng Ngàn năm nào. Cũng đôi mắt cương nghị ẩn chứa mầm lửa kia đã từng nhiều đêm đứng lặng ngắm tôi dưới trăng. Ánh mắt đắm đuối, bàn tay mơn man nồng nàn kia đã từng làm tôi nôn nao”.

3. Nhưng khác với cố tích xưa, tất cả các truyện trong Chuồng cọp trên cao của Nguyễn Thu Hằng đều chưa đi tới những kết thúc có hậu. Là vì cái xấu đang xâm thực từ nhiều ngả, bằng nhiều cách, đang làm “nhiễm mặn” cánh đồng chân quê, bối cảnh của các câu chuyện. Cái xấu và cái đẹp đang đối đầu khốc liện, trong diễn biết cốt truyện ở cả 10 truyện ngắn trong tập.

Chính anh thợ làm vườn tên Tần trong truyện ngắn Chuồng cọp trên cao chiếm đoạt “em” - nhành lan Phi Điệp - từ rừng xanh, nhưng rồi phải bán đi để em bị tù túng trong song sắt chuồng cọp, ở ngôi biệt thự của cô vũ công tên Nhi. Mẹ Nhi là Sen, gái làng, là người yêu cũ lớn tuổi, của Tần. Khi Tần và Nhi hoan lạc với nhau ngay trong chuồng cọp nhốt Phi Điệp, thì Sen nhìn thấy, bà cắt cổ tay tìm đến cái chết không biết có phải vì ghen? Bà Sen thoát chết, nhưng Tần và Nhi bỏ trốn, truyện kết phi đoàn viên như thế làm sao có hậu?

Làm sao có hậu khi cháu Thảo (Chiếc vòng hương) chưa kịp nhận vòng gốm thơm người thơ gốm nghệ sĩ có ý tặng mẹ mình thì anh ruột của cô đã đánh cắp nó cùng nhưng ghi chép công thức thực hiện để bỏ làng, cao chạy xa bay tính chuyên làm giàu. Truyện kết bằng nước mắt của tình nhân nữ bị đánh cắp chiếc vòng quý lẽ ra thuộc về bà. “Nước mắt tựa những hạt cườm thảo đang rơi xuống”.

Đứng riêng, mỗi truyện trong Chuồng cọp trên cao là một hạt cườm thảo, rời xuống từ bờ rào bờ dậu những ngôi làng Bắc bộ. Nguyễn Thu Hằng khéo xâu chuỗi từng hạt, từng hạt ấy thành một tác phẩm nhất khí, mang chủ đề chung - giấc mơ tuổi 20 hôm nay, từ làng quê Việt Nam trước những thách thức từ thiên nhiên và xã hội.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm