Nguyễn Thị Cẩm Châu - Biết theo lối xưa vẽ rồng điểm mắt

09/09/2020 18:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Châu là người lạ nhất trong những người có tác phẩm trong sách giáo khoa tiếng Việt bậc tiểu học (bộ hiện hành, xuất bản từ năm 2000). Lạ vì, khi đang là cô giáo tiểu học vùng sâu vùng xa huyện biển Cần Giờ, TP.HCM, đang còn là “nhà văn trẻ”, văn Nguyễn Thị Cẩm Châu đã được tuyển vào sách Tiếng Việt 5 (tập 1 trang 124-125) - bài tập đọc Người gác rừng tí hon.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 22): Nhà thơ Thạch Quỳ - 'Quạt cho bà ngủ'

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 22): Nhà thơ Thạch Quỳ - 'Quạt cho bà ngủ'

Thạch là đá, Quỳ là tên một ngọn núi ở vùng Nghệ Tĩnh, Thạch Quỳ là bút danh của một “ông đồ” Nghệ gàn nổi tiếng, gàn thứ thiệt nhưng dễ thương, chứ không gàn diễn. Ông đồ Thạch Quỳ người nhỏ thó, xù xì, góc cạnh như đá núi, nhưng thơ trong sách giáo khoa thì lại đẹp, mềm mại, rực rỡ.

1. Bài này trở thành trang nóng của sách giáo khoa vì tính thời sự mà nó để cập - chống lâm tặc, bảo vệ rừng, “giữ lấy màu xanh” cho Trái đất, một chủ điểm được dạy kéo dài trong 3 tuần ở lớp 5. Và vì có đề tài nóng, văn của cô giáo tiểu học vùng sâu đi rất nhanh từ trang báo “nhật trình”, tới trang sách “giáo khoa thư”, sau khi truyện này được giải Nhì cuộc thi truyện ngắn toàn quốc “Hành tinh xanh mãi xanh” do báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2001.

Bài tập đọc này chọn 270 chữ từ 1.700 chữ trong nguyên văn truyện được giải. Dù chỉ là tóm lược như thế, nhưng bài tập đọc vẫn đủ chất truyện, đủ kịch tính để hấp dẫn người học tuổi lên 10. Nhân vật “người gác rừng tí hon” tự kể rằng, “tình yêu rừng của ba đã sớm truyền sang em”; chính em, trong một lần thay cha gác rừng, đã phát hiện một nhóm lâm tặc 3 tên.

Một mình em mưu trí “lần theo dấu chân” bọn xấu, khẩn trương và bí mật gọi điện báo công an, khôn khéo, giăng bẫy bằng “sợi dây chão chăng ngang đường”, rồi dũng cảm “lao ra” để cùng các chú công an bắt mấy đứa phá rừng, bị dồn tới chỗ thiểu não như “rô bốt hết pin” phải đưa tay vào còng! Còn chính em, chính người kể chuyện thì bất ngờ lớn vụt lên, bất ngờ rực sáng trong câu kết bài tập đọc: “Cháu quả là chàng gác rừng dũng cảm!”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Châu

Vẫn giữ được kịch tính để truyện có cao trao trong khi phải giảm thiểu, phải rút ngắn cốt truyện, là cái giỏi của người biên soạn bài này. Đây là kinh nghiệm để những người đang biên soạn bộ giáo khoa Tiếng Việt mới có thể tham khảo. Với kinh nghiệm này, những người biên soạn sách mới, nên chú ý tới các truyện được giải trong các cuộc thi của các Hội Nhà văn VN, của các báo và nhà xuất bản lớn, uy tín, đang và sẽ diễn ra gần như đồng thời với việc biên soạn giáo khoa, một công việc còn kéo dài, ít nhất 4-5 năm nữa! Kếp hợp chuyên môn kiểu này chính là “hợp đồng binh chủng” trong việc bảo vệ và phát triển tiếng Việt.

Những người quan tâm tới tiếng Việt, và việc học tiếng Việt hy vọng, ngay trong sách Tiếng Việt lớp 2 phát hành vào dịp khai giảng năm học 2021 – 2022 sẽ có những bài nhân bản mà thời sự, văn chương mà thực tế, giàu tính ứng dụng. Thí dụ như sẽ có câu chuyện dân Việt mình đã cùng nhân loại, chiến đấu để tìm ra cách sống mới sau đại dịch Covid-19!

2. Tôi đọc lại nhiều truyện ngắn của Nguyễn Thị Cẩm Châu khi viết bài này, và thấy, truyện nào của cô giáo - văn sĩ cũng rất nhà nghề, truyện nào cũng có thể chỉ ra những mẹo luật, cách thức đã đúc kết thành phép viết, thành kỹ thuật cấu trúc truyện.

Như truyện Chân dung một người bạn (trong tập Bất ngờ lưng chừng trời - NXB Kim Đồng 2003) lấy bối cảnh một trại Hè của học sinh phổ thông trung học ở biển Phan Thiết, các khớp nối của truyện là những câu văn tả biển rất thật, rất hợp lý. Theo các khớp nối cốt truyện, nhân vật chính, cô nữ sinh Cẩm Tú sải đôi chân dài thanh nữ, năng nổ, tích cực trên cồn cát để làm hết mình, phận sự một lớp trưởng. Cả lớp vui chơi hết mình với cô để rồi có người lỡ chân, sai khớp, phải nằm giữ lều, khi các bạn chơi lửa trại ngoài trời đêm bãi biển (phục bút đấy!).

Nhân vật bị mất quyền lửa trại buồn tình thắp nến đọc sách, rồi ngủ quên! Lửa nến đốt lều vải, tạo cao trào truyện bừng bừng hỏa hoạn! Lại chính lớp trưởng Cẩm Tú lao vào cứu bạn để rồi “ống quần Tây của Tú bị vướng cọc lều toạc đi một đường rách” giúp độc giả nhìn thấy qua đường rách kia “… từ ống quyển trở xuống là một khúc chân giả màu kem, bằng nhựa”. Cẩm Tú, càng cẩm tú, càng đẹp hơn khi nữ sinh khuyết tật ấy biết sống như một người lành lặn!

Truyện viết khéo tới mức, tạp chí Tài hoa trẻ của báo Giáo dục và Thời đại có lời khen: “… Cẩm Châu học người xưa, dựng chân dung nhân vật Cẩm Tú theo lối “vẽ rồng điểm mắt”. Đó là bài học dạy rằng, phải vẽ con mắt rồng bằng giọt mực cuối cùng, để khi rồng nhìn thấy trời xanh và sống dậy bay khỏi khung tranh thì nó đã là một con rồng toàn bích… thoát khỏi sự ràng buộc của những sợi dây chữ thuật chuyện để thanh thản, nhẹ nhàng bước vào sự ngạc nhiên của bạn đọc” (Tài hoa trẻ 212 năm 2002).

Trong truyện ngắn Vĩnh hằng được giải giải Ba cuộc thi sáng tác truyện ngắn về nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2006, ngoài lối dẫn chuyện rất nghề như ta vừa phân tích, tác giả Nguyễn Thị Cẩm Châu còn biết làm đẹp truyện của mình bằng những câu văn kỹ lưỡng, uyển chuyển, duyên dáng, như cách các nhạc sĩ thêm nốt hoa mỹ vào giai điệu âm nhạc của mình.

Chú thích ảnh
Bài “Người gác rừng tí hon” của Cẩm Châu trong sách Tiếng Việt 5

Tác phẩm này kể chuyện một thầy giáo sinh vật, cùng học sinh và đồng nghiệp thực hiện các tiêu bản bướm, giữ lấy vẻ đẹp của loại côn trùng muôn hồng, ngàn tía, đặng mà nhìn ra vẻ đẹp “vĩnh hằng” của nghề dạy học, cho nên truyện không thiếu các câu văn tả bướm, rất thật, rất khoa học. Đề rồi ngòi bút nhà nghề Nguyễn Thị Cẩm Châu biến cái thật khoa học thành cái đẹp văn chương: “Bướm cẩm thạch cánh nâu nhung với viền đen chấm đen huyền ảo. Bướm hoàng đế trắng thanh khiết biết làm duyên với vài đốm sẫm. Bướm chóp cam màu trắng sữa… bướm chanh vàng rực, cánh trên viền đen lại thêm vài đốm đen rơi… bướm hoàng tử mướt rượt, màu xanh biển… bướm hổ màu đen chen sắc vàng huyền hoặc… bướm lá màu cam nhìn là thấy hơi hướm mùa Thu…”.

Phải chăng việc đóng dấu chất lượng truyện này trên Bằng chứng nhận giải thưởng của Bộ GD&ĐT và Hội Nhà văn Việt Nam chính là cách nhắc nhở, lưu ý các nhà soạn giáo khoa mới, truyện Vĩnh hằng là một văn liệu còn khả dụng?

3. Chúng tôi được làm quen với nhà văn - cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Châu khi tham gia hội thảo khoa học tổ chức trên rừng Mã Đà, thuộc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, đề tài “Nhà văn nói gì với các em về rừng Việt Nam hôm nay?” do Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn nghệ Đồng Nai tổ chức năm 2016. Hôm ấy nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Châu, từ biển lên rừng bàn chuyện khoa học với các bạn văn.

Không chỉ dạy học, viết truyện, làm thơ, in sách, bàn chuyện khoa học văn chương… để thâm nhập thực tế tìm đề tài, và kiếm sống, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Châu còn làm MC đám cưới, còn làm… xiếc: Nhà văn của chúng ta có thể nằm nổi trên nước, cầm bút vẽ chân dung lên tờ bìa cỡ A3, nằm nổi viết thơ của chính mình trên một tờ bìa khác theo lối thư họa, nằm nổi múa lụa, năm nổi múa lửa với các cây nến…

Với những tiết mục như thế vào năm 2015 Nguyễn Thị Cẩm Châu được Trung tâm kỷ lục quốc gia Việt Nam cấp chứng nhận là người giữ các kỷ lục trên, và tới năm 2020 này chưa ai phá được những kỷ lục ấy, cho dù Nguyễn Thị Cẩm Châu công khai trên báo, cách mình tập luyện, và nhận truyền nghề nếu ai yêu cầu, vì theo Cẩm Châu mình làm như thế “để giúp đỡ cộng đồng vì hiện tượng chết đuối đang xảy ra quá nhiều ở nước ta”.

Vài nét về Nguyễn Thị Cẩm Châu

Nguyễn Thị Cẩm Châu là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, hội viên Hội Kỷ lục gia Việt Nam. Tốt nghiệp Trung học Sư phạm TP.HCM năm 1983 dạy tiểu học ở huyện Cần Giờ. Là tác giả của 24 tập truyện, 1 tập thơ, có truyện được chuyển thành phim. Quan niệm về nghề viết của Nguyễn Thị Cẩm Châu: “Không có văn học già, văn học trẻ, văn đàn ông, văn đàn bà. Chỉ có văn hay và văn dở”.

Lê Đường Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm