27/05/2008 16:04 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH) - Mái tóc dài, vàng hoe, thân hình có vẻ cục mịch với chiều cao 1m73, không quá lý tưởng cho một trung vệ nhưng Nguyễn Thành Long Giang lại đang nổi lên như một “hiện tượng” của bóng đá VN, khoảng 1 năm trở lại đây. Liệu có quá không khi người ta đặt cho cầu thủ quê Gò Công, Tiền Giang này những biệt hiệu mỹ miều, đại loại như: “Lá chắn thép” hay “trung vệ trẻ hay nhất của bóng đá VN hiện tại”?…
1. Sau thành công vang dội cùng tuyển U21 Tiền Giang, tại VCK U21 toàn quốc Cúp báo Thanh Niên 2006, tên tuổi của Long Giang bắt đầu “nổi như cồn”. Chức vô địch giải bóng đá trẻ, cùng danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu được tổ chức tại Đà Nẵng là phần thưởng xứng đáng cho Giang “béo”, mặc cho những danh hiệu cá nhân thường được đặc cách cho các cầu thủ chơi ở tuyến trên. Nguyễn Thành Long Giang một lần nữa được đề cử danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm, cùng các đàn anh là Thanh Bình hay Vũ Phong và cuối cùng ẵm luôn vinh dự này.
Những thăng tiến liên tiếp, ùa về như chảy hội, cứ dồn dập, và ngay cả bản thân anh cũng không hề tưởng tượng nổi trước đó. Thế nhưng cần phải thừa nhận rằng, việc Long Giang “nổi” lên có sự góp sức rất âm thầm của đồng đội Quốc Anh, người đá cặp cùng Giang ở đội tuyển U18, U20 quốc gia và đội U21 Tiền Giang khi đó. Long Giang được cất nhắc lên đội hình 1 Tiền Giang cùng vài ba bạn đồng trang lứa, rồi được “book” lên thẳng tuyển Olympic quốc gia, tham dự các trận đấu vòng loại ASIAD Doha, rồi Olympic Bắc Kinh và tới đây nữa là SEA Games 24.
Chơi ở khu trung tâm hàng hậu vệ , Long Giang đã thi đấu rất hay ngay ở những lần đầu tiên lên tuyển, nếu không muốn nói còn có những thời khắc xuất thần. Khả năng xử lý bóng điềm đạm, dứt khoát, tư duy chiến thuật tốt , là những điểm mạnh nhất của Long Giang. Sau những trận đấu này, những lời tán dương về khả năng chuyên môn trước đó về Giang quả không ngoa chút nào. Với một trung vệ mới chỉ mười chín, đôi mươi, Long Giang “lên” quá nhanh, thậm chí cả những người lạc quan nhất cũng chưa kịp nghĩ tới.
2. Đã một vài lần, báo chí nhắc đến những biểu hiện “sao” của Long Giang và người đồng đội cùng lứa Huỳnh Phúc Hiệp. Trên thực tế, đó là một biến tướng rất “logic” của những người trẻ tuổi, lại thành công sớm. Dĩ nhiên điều này không mang ý nghĩa tích cực. Lần thứ nhất, trong một buổi họp kỹ thuật trước trận đấu ở Tiền Giang, Long Giang tập trung muộn vì được đồng đội báo sai giờ, dù anh đang là đội phó trong CLB. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi, phải chăng thành công quá sớm đã khiến Giang chểnh mảng?
Thế rồi Giang “béo” bị HLV Nguyễn Kim Hằng gạch tên khỏi danh sách tham dự trận đấu với Đồng Nai ngày hôm sau. Lần khác, là thái độ ứng xử với đồng đội trên sân và đặt điều kiện với BHL, đại loại rằng: “Nếu các thầy bố trí anh X, Y, Z nào đó đá, con sẽ không đá”. Gia đình anh không tin rằng đứa con - đứa học trò ngoan và hiền, thậm chí đến nhút nhát như Long Giang lại tệ đến vậy. Giang “béo” đã phải khốn đốn sau những cú vấp đầu đời đó.
Ngay cả việc một cầu thủ gốc gác quê mùa, mới nổi tiếng mà ra đường không biết gật đầu chào người lớn - dù là người lạ, thì cũng bị xem là hỗn, huống chi là... Rõ ràng, Long Giang chưa đủ từng trải để có thể cảm nhận được vai trò của mình và anh đã hành động theo bản năng. Giang “béo” đã vấp và rất may chưa ngã quá đau.
3. Gia đình thuộc hàng có điều kiện (ba mẹ là thương gia, có sạp bán giày dép khá lớn ở chợ Lớn Gò Công – PV), Giang “béo” được đảm bảo cuộc sống nên chẳng phải lo nghĩ gì ngoài việc cắp sách đến trường và đá bóng. Song đáng lẽ ra, Long Giang đã có thể trở thành một VĐV môn taekwondo, từ rất sớm, chứ không phải chơi bóng như bây giờ. Số là 2 chị gái Giang khi đó đều tập võ và trong nhà chỉ có mỗi ông Sáng (ba của Long Giang), chơi bóng phong trào.
Nhưng cái duyên với quả bóng tròn, đã kéo Giang ra khỏi những đòn thế của taekwondo, năm anh lên 7. Cứ đá bóng trên đường phố, trong trường và các bãi đất trống ở thị xã, thời gian này Long Giang chơi chung nhóm với Phúc Hiệp (tiền đạo Huỳnh Phúc Hiệp - đồng đội của anh ở Tiền Giang và Olympic sau này), cho đến khi những nhà tuyển trạch chọn Giang “béo” vào tuyển U13 huyện, rồi lên U15 tỉnh. Việc học hành liên tục bị ngắt quãng, song vốn là một đứa ham học, Long Giang luôn biết chắt chiu khoảng thời gian ít ỏi để hoàn tất chương trình THCS. Tóc vẫn dài và vàng kiểu cháy nắng rất tự nhiên, sự xông xáo trên sân khác hẳn với vẻ bẽn lẽn ngoài đời.
Ước mơ khoác áo tuyển quốc gia còn giang dở, nhưng chắc chắn đó chỉ là vấn đề thời gian, nếu Long Giang biết tiếp tục nỗ lực. Từ khi Long Giang, Phúc Hiệp lên tuyển, bóng đá Gò Công cũng “lên đời”. Phong trào bóng đá của TX Gò Công bỗng sôi nổi hẳn và nhiều em nhỏ chiều chiều bước ra sân bóng cũng mang theo ước mơ được “giống anh Giang, anh Hiệp”. Không biết bao lâu rồi, bóng đá Tiền Giang nói chung và bóng đá Gò Công nói riêng mới lại có được “tiếng thơm” như thế, chỉ điều đó thôi đã là một vinh dự lớn lao cho Long Giang rồi.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất