22/11/2023 08:04 GMT+7 | Văn hoá
Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn phối hợp với Nhã Nam ấn hành. Cuốn di cảo này, do TS Mai Anh Tuấn biên soạn, được xem như là một mảnh ghép gần cuối trong tổng thể sự nghiệp văn chương Nguyễn Huy Thiệp đã được công bố tính đến thời điểm này.
Cũng chỉ dám nói "mảnh ghép gần cuối" thôi, bởi vì theo chỗ tôi được biết, trong di cảo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hiện giờ còn ít nhất 1 cuốn tiểu thuyết nữa chưa xuất bản. Tiểu thuyết này mang tên Bên rìa nước, một loại "giả kiếm hiệp", viết phiếm chỉ về giới nhà văn cùng thời khá thú vị. Hy vọng một ngày không xa tiểu thuyết này sẽ ra mắt hầu bạn đọc.
Ngẫm tiếp về suy tư của nhà văn
Tập di cảo Anh hùng còn chi được sưu tầm và tuyển chọn từ nhiều nguồn: Gia đình, bạn bè của nhà văn, các tư liệu sách vở, báo chí… với nhiều thể loại khác nhau: Thơ, truyện ngắn, tiểu luận, kịch bản phim, ký họa trên gốm và một số ảnh tư liệu.
Cuốn sách có một cái tựa khá gợi, gây hấp dẫn bạn đọc. Nó chính là một câu thơ được trích ra từ đoạn thơ nằm trong truyện ngắn Chảy đi sông ơi (1985) của Nguyễn Huy Thiệp: "Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì?/ Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi?...". Một bài hát từ bên kia sông vọng vào tâm hồn nhân vật cậu bé đang còn nhiều non bấy và mơ mộng. Trong phần kết truyện, người kể chuyện để cho nhân vật cậu bé này giờ đây đã trưởng thành về lại bến sông xưa bật khóc khi biết tin chị Thắm chết đuối cách đó 20 năm... Mấy câu hát xưa văng vẳng hiện về. Và "Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao"…
Bạn đọc nhớ lại thời điểm 1985 khi truyện ngắn này ra đời đang là thời thịnh nhất của Nguyễn Huy Thiệp, như cách nói của ông là "cập thời vũ". Ấy thế mà nhà văn đã cảm nhận sâu xa về cái vô thường của kiếp người và cuộc đời nói chung. Tư tưởng vô thường mang tính phổ quát, theo đó là những suy tư về cái bất toàn, bất trắc, bất khả tri của kiếp người và cuộc đời miên viễn. Có buồn không? Buồn chứ! Nhưng đó là cái buồn của người hiểu biết, bình tĩnh và trân quý thì hiện tại, cái đang là của cuộc sống này… Ngay cả đến sự nghiệp tầm vóc của chính Nguyễn Huy Thiệp cũng không nằm ngoài quy luật ấy, quy luật về sự băng hoại, về lẽ sinh tồn, về kiếp sống của mỗi chúng sinh. Tên cuốn sách do người biên soạn đặt như muốn gợi nhắc người đọc ngẫm lại, ngẫm tiếp về suy tư rất sớm này của nhà văn.
Những cái nhìn sắc lẹm
Nhìn vào di cảo, ở phần thơ, một số bài thơ trong tập Những vần thơ chua xót (được nhà văn viết từ quãng năm 1971, năm ông mới lên Sơn La dạy học đến năm 1977) lần đầu tiên được công bố, hàm chứa rất nhiều tâm sự ngổn ngang, sắc nhọn về đời sống. Ngoài những vần thơ viết cho tình yêu, viết cho đứa con đầu lòng, Nguyễn Huy Thiệp đã có nhiều tâm sự đi chệch hẳn, thậm chí trái ngược với không khí văn chương lúc bấy giờ.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, những năm đầu thập niên 1970, văn học của ta đang trong một "dàn đồng ca" tràn đầy tinh thần lạc quan... Những tiếng thơ buồn, tình yêu lứa đôi, tâm tình cá nhân… đều bị coi là lạc điệu, tiêu cực, u ám. Nhà thơ Lưu Quang Vũ của những năm 1970 trong một hoàn cảnh cá nhân đặc biệt đã cất lên những vần thơ toàn là "những vẩn vơ, cay đắng, u buồn", chỉ nằm trong sổ tay và thỉnh thoảng đọc cho bạn bè nghe, mãi đầu những năm thế kỷ 21 mới dần được công bố.
Nói thế, không phải tôi, người viết bài này có ý so sánh những vần thơ đầu đời của Nguyễn Huy Thiệp với thơ của Lưu Quang Vũ. Lúc Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu làm thơ, Lưu Quang Vũ đã nổi tiếng rồi. Vả lại, Đọc những bài thơ này của Nguyễn Huy Thiệp không phải để đòi hỏi ở đó những giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, mà cốt để hiểu một tình trạng tinh thần của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong những năm tháng tuổi trẻ này.
Thực tế các bài thơ này cho thấy xét về mặt nghệ thuật không có gì đáng kể, thuộc về thi pháp cũ, quen thuộc, không có cái riêng, dễ lẫn vào người khác. Điều mà tôi muốn nói ở đây là: Nguyễn Huy Thiệp có một phần nào giống Lưu Quang Vũ ở chỗ đã cảm nhận về một đời sống nhân thế không phải một chiều, mà đa chiều, không chỉ có cái tốt, cái tử tế, mà còn có cả cái xấu, cái ác, cái giả dối, già cỗi, cái "tàn nhẫn", "lọc lừa", "thớ lợ": "Những thói thường ngự trị khắp nơi/ Nụ cười nhạt, cái bắt tay lạnh lẽo/ Những luân lý già nua khô héo/ Cứ phều phào rên rỉ không thôi// Đâu cũng đầy bản tính nhác lười /Thói vị lợi lân la tìm bạn/ Những khuôn mặt vô duyên buồn chán/ Đất cằn khô, cỏ mọc chen hoa…" (Cực đoan).
Bài thơ mang tên Cực đoan này và một số vần thơ khác nói với bạn đọc hôm nay về một tâm trạng thất vọng trước đời sống, đồng thời là một ý thức phản tỉnh rất sớm đối với thực tại của tác giả. Đúng như dân gian từng nói: "Gai đã nhọn thì nhọn từ lúc mới". Ngay khi mới chập chững bước vào văn chương, thơ Nguyễn Huy Thiệp đã lóe lên những cái nhìn sắc lẹm, một ý thức phản tỉnh, một nhu cầu "tách đàn" để trở thành tiếng nói cá nhân độc lập.
Không phải ngẫu nhiên, anh giáo trẻ Nguyễn Huy Thiệp khi ấy đã đặt tên cho tập bản thảo thơ đầu đời là Những vần thơ chua xót (1977). Chúng ta, những người đọc hôm nay, đọc thơ Nguyễn Huy Thiệp với tâm thế để hiểu sâu hơn giai đoạn đầu tiên của một anh giáo trẻ ôm mộng văn chương trong một tình thế như vậy, từ đó hiểu thêm không phải ngẫu nhiên loạt truyện ngắn đầu tiên của nhà văn xuất hiện sau đó chừng 10 năm đã có một ý thức phản tỉnh và chất vấn thực tại một cách quyết liệt và đau đớn.
Suy tư nghiêm túc và tha thiết về nghề văn
Nhớ có một lần tôi cùng mấy anh em bạn văn tháp tùng Nguyễn Huy Thiệp trở lại Hua Tát, Sơn La (8/2017), theo lời mời của Khoa Ngữ văn, Đại học Tây Bắc. Trên đường từ Hà Nội đi lên phía Hòa Lạc, nhà văn rủ chúng tôi rẽ vào thăm trang trại của một ông chủ là bạn của ông. Một khu sinh thái rộng, dễ có đến mấy héc-ta, nhiều cây xanh, có suối, có rừng, có sân bãi, có các ngôi nhà xinh xắn nằm rải rác giữa các tàng cây xanh mát.
Sau hơn tiếng đồng hồ thăm thú, trò chuyện, chúng tôi tạm biệt ông chủ trang trại lên xe đi tiếp. Trên xe, tôi mới hỏi Nguyễn Huy Thiệp: "Có phải ông chủ vừa rồi là cái ông trong câu chuyện mà anh đã nói với em về việc định mở lớp viết văn ở trang trại của ông ấy không?". Nhà văn trả lời: "Đúng thế. Tay này là một quan hưu, rất giàu, chán vợ già lên đây lập trang trại ở một mình. Tay ấy rủ tôi lên đây, cắt cho mảnh đất để dựng trường mở lớp viết văn. Tôi nghĩ phải kéo ông vào cuộc này mới thành". Tôi băn khoăn: "Các anh đã có ý tưởng cụ thể gì chưa?". "Thì định bàn với ông xem sao. Nếu được cũng hay. Mình có thể mở trường lâu dài. Như một chỗ chơi. Nếu làm tốt sẽ có ích cho cái chung. Học viết văn là học đạo, là đi tìm đạo…".
Nghe thế, tôi cũng chỉ biết vậy, rồi tếu táo: "Nếu mở trường viết văn ở đây, có lẽ anh phải làm hiệu trưởng, còn em xin làm chân giáo vụ để giúp việc cho anh".
Sau chuyến đi này trở về, mỗi lần gặp nhau, không hiểu sao không thấy ông đả động gì đến chuyện này nữa.
Nói dông dài đôi chút như thế để tôi muốn nhắc đến bài viết trong tập di cảo này mang tên Đào tạo viết văn của Nguyễn Huy Thiệp. Chả là khi tôi đang công tác ở Khoa Viết văn, Đại học Văn hóa Hà Nội, khoa có tổ chức buổi tọa đàm góp ý về chương trình đào tạo ngành sáng tác văn chương và mời Nguyễn Huy Thiệp đến dự phát biểu. Thì ra ông rất cẩn thận, chuẩn bị ý kiến bằng văn bản hẳn hoi. Đại thể, ông coi việc đào tạo viết văn tựa như 3 thành tố Phật - pháp - tăng trong Phật viện (thầy dạy, kinh sách, người học), và ông luận xoay quanh cái ý tổng quát: "Về nguyên tắc, viết văn không học được, nhưng vẫn phải dạy".
Như chúng ta biết, càng về sau này, Nguyễn Huy Thiệp thường hay quy mọi câu chuyện đời sống và văn chương nghệ thuật về chữ đạo, là câu chuyện tìm đạo, ngộ đạo, và cả chuyện vô đạo nữa. Sự bàn luận của ông về chương trình đào tạo viết văn cũng nằm trong tinh thần chung đó, vừa thực tế vừa siêu hình, vừa xác tín vừa mơ mộng, chỉ biết vậy thôi, chứ không thể theo được.
Tuy nhiên, những sự luận bàn nồng nhiệt ấy của Nguyễn Huy Thiệp không phải là chuyện vu vơ, nói chơi, mà luôn là những suy tư nghiêm túc và tha thiết khiến chúng tôi không thể không suy nghĩ.
Sinh thời, ông là người rất gắn bó với thầy trò của Khoa Viết văn, bởi nhiều lẽ. Vì thế, trong một số câu chuyện đây đó, hoặc trong một số cái viết của mình, ông có nhắc đến khoa tôi như một niềm trân trọng và nhiều khích lệ…
Cuối Thu 2023
"Tôi nghĩ, cuốn di cảo Anh hùng còn chi của Nguyễn Huy Thiệp không chỉ có ý nghĩa như một tư liệu quý bổ sung vào bộ sưu tập về sự nghiệp của nhà văn, mà còn là một thôi thúc tinh thần góp thêm ít nhiều năng lượng cho giới văn chương đang trong tình trạng có phần rệu rã hiện nay" - nhà phê bình Văn Giá.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất