Nguyễn Hữu Chiến Thắng: "Tôi chỉ cố tỏ ra hấp dẫn và thu hút"

22/04/2009 10:40 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Đang online khuya trên mạng, bỗng thấy "nick YM" của MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng sáng đèn, chưa kịp hỏi han thì anh gọi "Bữa trước có đọc báo thấy em phỏng vấn một loạt nghệ sĩ, MC về chủ để "Đàn ông và phụ nữ lẳng lơ". Sao không thấy phỏng vấn anh vậy?".

TT&VH đã quyết định "chat" với MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng xoay quanh chủ đề này.

* Đọc loạt bài về chủ đề "Đàn ông và phụ nữ lẳng lơ" xong. Theo ý kiến cá nhân anh thì nghệ sĩ muốn hấp dẫn và thu hút thì có nhất thiết phải "lẳng lơ" không?

Trong câu hỏi đã có một phần câu trả lời rồi đấy. Nếu ta coi “hấp dẫn và thu hút” là lẳng lơ thì đó là điều nhất thiết. Nghệ sỹ mà chẳng thu hút nổi ai thì làm gì còn khán giả?


* Anh nghĩ sao khi nhiều người nói MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng là một người "lẳng lơ"?

Tôi kêu trời! Tôi làm sao đi trình bày với tất cả mọi người rằng: "Ồ, không. Tôi chỉ cố gắng tỏ ra hấp dẫn và thu hút thôi. Không lẳng lơ tý nào đâu ”

* Anh có bao giờ phải bận tâm hoặc thấy phiền vì bị coi là "lẳng lơ" chưa?

Thì cũng bởi tôi không thể đi vỗ vai hết thảy mọi người mà trình bày, phân trần.. nên.. Thôi, bỏ qua đi!

* Theo anh đàn ông cũng có quyền được "lẳng lơ"?

Đàn ông không gọi là lẳng lơ. Các cụ dùng từ khác, hay hơn nhiều. “Giai lơ ”. Chết thật! Hấp dẫn và thu hút cũng phân chia một bên: “lẳng lơ”, còn bên kia là “giai lơ”

* Đàn ông "lẳng lơ" ở mức nào thì bị coi là không đứng đắn, không nghiêm túc?

Khi sự hấp dẫn và thu hút đạt tới mức sỗ sàng, có nghĩa là thô kệch, trơ trẽn… nghĩa là vượt ngưỡng cho phép thông thường.

* Anh có nghĩ đến cái gọi là chủ nghĩa "lẳng lơ"?

Không. Không. Và không. Cái gì thu hút, hấp dẫn thì tự nó đã thế. Nêu lên thành chủ nghiã mà làm gì? Giải quyết được chuyện gì đâu?

* Theo anh, sự hấp dẫn và gợi cảm không chủ ý có bị đánh đồng là "lẳng lơ" không?

Cái “lẳng lơ” một cách rất đỗi ngây thơ ấy là món quà của Tạo hoá không phải muốn mà được. Cái hấp dẫn gợi cảm không chủ ý ấy không học được đâu. Hấp dẫn, gợi cảm không chủ ý, mà người hấp dẫn gợi cảm lại không ý thức về lực hút của bản thân nữa thì…chết người.


* Đàn ông được coi là "lẳng lơ" thì phải có những đặc điểm gì?

“Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, biết nói những lời “ong bướm” và thêm một tý “đầu mày cuối mắt” nữa chăng? Tôi không hiểu mình có lẳng lơ không nên không đúc rút được từ “kinh nghiệm bản thân”, tự vẽ ra một hình mẫu như thế và dán vào đó cái mác “lẳng lơ” vậy.

* Anh thử lấy ví dụ về mẫu đàn ông tiêu biểu mà anh cho là "lẳng lơ"?

Rhett Butler. Tôi thích nhân vật này vô cùng, ước gì mình được một góc của anh ta. Nhưng sự thật quá phũ phàng. Vả lại, nhân vật tiểu thuyết thì làm gì có thật ở ngoài đời nên tôi chẳng được tí ti phần trăm nào giống với những gì Margarrett Michel miêu tả thì cũng chẳng lấy làm thất vọng.

* Theo anh, quan niệm "lẳng lơ" của hiện tại và quá khứ có khác nhau điểm gì không?

Khác chứ. Cái gì mà chẳng thay đổi theo thời gian. Người ta còn già đi nữa là. Các cụ nói: Lẳng lơ chết cũng chẳng mòn / Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ. Lẳng lơ đến như Thị Màu – em như gái dở đi rình của chua là cùng. Âu lẳng lơ cũng là một cách lộn nhào mọi giá trị vốn được coi là luân lý, bất di bất dịch. Còn bây giờ, nếu coi lẳng lơ là xấu thì nó xấu, mà ngược lại thì nó tốt. Xấu đẹp tuỳ tâm, lẳng lơ hay chính chuyên cũng tuỳ cách xét đoán. Có khi trong thời đại này, lẳng lơ đồng nghĩa với quyến rũ cũng nên ấy chứ.

* "Lẳng lơ" trong từng tình huống, hoàn cảnh phù hợp có thể được chấp nhận không?

Đã gọi là xấu đẹp tuỳ tâm rồi thì có hỏi thêm nữa cũng là thừa.

Thành Trung (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm