Nguyễn Đăng Bẩy - lặng lẽ với dịch thuật

19/08/2024 07:34 GMT+7 | Văn hoá

Văn đàn tiếc thương khi nghe tin nhà văn - dịch giả Nguyễn Đăng Bẩy từ trần hồi 2h30 ngày 14/8/2024 (nhằm ngày 11 tháng Bảy năm Giáp Thìn) tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi. Với nhiều nhà báo và dịch giả, ông là người anh - người thầy về biên tập, về khả năng Việt hóa các bản dịch, đặc biệt từ tiếng Nga.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Lê Thị Bích Hồng về dịch giả chăm chỉ và lặng lẽ này.

Từ một bài thơ dịch

Đầu những năm 1980, sinh viên văn khoa sư phạm Hà Nội chúng tôi truyền nhau chép tay bài thơ Giờ này bạn ở đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi? của nhà thơ Xô viết Aleksey Fatyanov (1919 - 1959) viết năm 1945, được phổ biến ở Liên Xô từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, do Đăng Bẩy dịch:

Nguyễn Đăng Bẩy - lặng lẽ với dịch thuật - Ảnh 1.

Nhà văn - dịch giả Nguyễn Đăng Bẩy (1948 - 2024)

Đêm tháng Năm, những đêm ngắn ngủi,             

Trận chiến đã xong, bom đạn câm rồi…

Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi,        

Những người đồng hành, đồng đội của tôi?

 

... Ngộ nhỡ bạn tôi chưa thành gia thất,  

Thì bạn thân ơi, chớ vội ưu phiền. 

Tiếng hát vùng tôi không bao giờ dứt, 

Con gái vùng tôi danh bất hư truyền.

  

... Đêm tháng Năm, những đêm ngắn ngủi,

Trận chiến đã xong, bom đạn câm rồi…

Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi,        

Những người đồng hành, đồng đội của tôi?

Bài thơ được phổ nhạc, trở thành ca khúc được nhiều người ưa thích, được hát trong vở kịch Những con hươu xanh với giai điệu trầm hùng mà da diết "Giờ này anh về đâu hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn/ đã cất bước cùng nhau trên con đường xa/ Nếu giờ này bạn hiền còn thiếu một gia đình/ Xin bạn đừng ngại ngần về chốn quê tôi/ Miền đồng quê phì nhiêu, nông trường bài hát hòa êm đềm/ Có nhiều cô đẹp như tiếng ca ban chiều".

Cái tên dịch giả Đăng Bẩy đến với tôi từ bài thơ dịch thời điểm đó, nhưng phải đến đầu thế kỷ 21 tôi mới có cơ hội gặp anh trong các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi nhớ anh đã từng nói: "Tên anh đã từng không ít lần nhầm với NSND Nguyễn Đăng Bẩy nổi tiếng ngành điện ảnh bên em. Chuyện trùng tên âu cũng là bình thường. Nhưng cũng có chút ngại. Nhà văn Tuân Nguyễn đã từng đảo thứ tự tên họ vì trùng với nhà văn Nguyễn Tuân nổi tiếng. Thế nên, ngoài bút danh Nguyễn Đăng, thì anh thường dùng tên Đăng Bẩy, kể cả Facebook cũng vậy".

Duyên nợ văn chương

Dịch giả Đăng Bẩy từng chia sẻ trong trường hợp của mình: "Văn chương quả là duyên nợ trong trường hợp tôi. Tuy kinh qua nhiều nghề, nhưng vì có một bài thơ được in trên Văn nghệ năm 1968, tôi chuyển sang dịch thuật và làm báo văn chuyên nghiệp đến nay".

Không duyên sao được khi một kỹ sư thiết kế ở Viện Máy công cụ (Viện IMI) được đào tạo tại Học viện Kỹ thuật lâm nghiệp (Liên Xô cũ) đã làm cuộc "xê dịch" sang "ngôi nhà văn chương" chỉ sau 3 năm công tác (1978 - 1981). Cơ duyên làm cầu nối ban đầu từ chính nhà viết kịch Hồng Phi, ông đã phát hiện Đăng Bẩy và giới thiệu về báo Văn nghệ. Còn người bạn, họa sĩ - nhà thơ Hoàng Hữu khích lệ: "Không làm thơ nữa thì dịch bài cho anh em tham khảo với chứ" và để trở thành dịch giả.

Nguyễn Đăng Bẩy - lặng lẽ với dịch thuật - Ảnh 2.

Vài đầu sách do Đăng Bẩy dịch

Cuộc "tác duyên" không ngẫu hứng, cơ học bởi các văn nghệ sĩ đã thấy nội lực văn chương tiềm ẩn khi anh có có bài in ở mục Ca dao (tạp chí Văn nghệ quân đội) và có một bài thơ được in trên báo Văn nghệ (1968) khi anh đang tham gia thanh niên xung phong.

Trước hết, việc dịch thơ, văn xuôi không phải là cách chuyển ngữ máy móc. Nếu chỉ dịch từ cơ học theo kiểu tra từ điển thì có thể nhờ sự trợ giúp Google dịch, công cụ AI. Nhưng dịch tác phẩm văn học (thơ, văn xuôi) lại khác, đòi hỏi người dịch làm nhiệm vụ sáng tạo trên cơ sở sáng tạo trước của nhà thơ, nhà văn, phải có hiểu biết, có cảm xúc, có sự rung động, đồng cảm của một tâm hồn văn chương.

Trở lại trường hợp dịch giả Đăng Bẩy, anh có vốn tiếng Nga vững, tiếng Việt phong phú. Nhưng chỉ riêng điều này thôi cũng chưa đủ, nếu anh không có năng khiếu văn chương thật sự.

Đăng Bẩy giản dị, cứ lặm lụi, cần mẫn làm việc để rồi anh là tác giả của hàng trăm bài thơ dịch in rải rác trên các báo, trở thành tác giả dịch thuật. Anh từng chia sẻ: "tôi chuyển sang dịch thuật và làm báo văn chuyên nghiệp". Anh đã dịch nhiều tác phẩm (thơ, văn xuôi) của các nhà thơ Nga nổi tiếng. Ví dụ các bài thơ Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi? của Aleksey Fatyanov, Mùa Đông của Sergey Yesenin (1895 - 1925)...

Trong số các nhà thơ Nga, anh dành nhiều bản dịch cho thơ Aleksandr Blok (1880 - 1921) nhất. Có thể kể đến các bài thơ như Ôi, tôi muốn sống tràn, phớt tỉnh, Tháng năm ngặt nghèo với bao đêm trắng, Tôi bước vào những ngôi đền tăm tối, Ban mai ở Matxcơva, Một ngày Thu, Ngày lạnh, Trên cánh đồng Kulikôvô, Trước phiên tòa, Tuyết và tuyết... Ngoài dịch văn học Nga, Đăng Bẩy còn dịch một số tác giả của các nước khác. Anh đã dịch ba bài thơ Cành cây, Hòa tấu trong vườn, Lò xo của nhà thơ Octavio Paz (1914 - 1998) của Mexico, người đoạt giải Nobel văn học 1990.

Bám vào nguyên tác, Đăng Bẩy dịch sang nhiều thể thơ như 5 chữ, 8 chữ, thơ tự do, thơ lục bát...

Thơ 5 chữ: "Mùa Thu đã bay đi/ Và mùa Đông băng về/ Như có đôi cánh mỏng/ Vô hình, mùa Đông xòe" (Mùa Đông, Sergey Yesenin). 

Thơ 8 chữ: "Tôi sẽ bên nàng làm lụng ngay đây/ Riêng chuyện cũ xin nàng đừng có nhắc/ Rằng đã có thời tôi chỉ nhìn đáy cốc/ Dìm nỗi u hoài trong giọt rượu vang" (Ngày lạnh - Aleksandr Blok)

Thơ lục bát: "Anh yêu - tuổi trẻ trong lành/ Anh yêu - nữ chúa lòng anh - trọn đời/ Và Kremli sớm mai này/ Dịu dàng, trong trẻo, tươi ngời như em" (Ban mai ở Matxcơva, Aleksandr Blok).

Dựa trên vốn từ phong phú cả Nga và Việt, hiểu đặc trưng của từng thể thơ, Đăng Bẩy vừa bám sát nguyên tác, vừa sáng tạo tác phẩm lần thứ hai.

Với văn xuôi cũng vậy. Do nắm vững đặc trưng thể loại, bản dịch truyện ngắn Nga của anh không cứng nhắc theo kiểu chuyển nghĩa cơ học, mà có sự sắp xếp, huy động trường từ ngữ phong phú, đa dạng, gần gũi với tâm hồn người Việt Nam. Các truyện ngắn của Dmitry Bykov hoặc tuyển tập truyện ngắn Nga đã minh chứng cho lao động sáng tạo của anh.

"Ông thực sự là người thầy giảng giải cho tôi những kỹ năng biên tập. Ông nói với tôi rất nhiều về kỹ năng Việt hóa các bài dịch. Ông luôn động viên tôi dịch các tác phẩm văn học" - nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Vốn từ vựng văn chương sinh động

Ngoài văn chương, Đăng Bẩy đã cập nhật nhiều nguồn tài liệu viết về điện ảnh Liên Xô và nước Nga theo cách riêng của mình. Anh viết chân dung các diễn viên nổi tiếng như: Kirienko (phim Sông Đông êm đềm), Smurtunovsky (phim Hamlet), Batalov (phim Moskva không tin vào nước mắt), Verchinskaya (phim Cánh buồm đỏ thắm), Taratorkin (phim Tội ác và hình phạt), Pyrieva (phim Anh em nhà Karamazov), Svetlana Toma (phim Đoàn Digan tan biến vào chân trời), Alfierova (phim Con đường đau khổ), Vladimir Kolkin (phim Thép đã tôi thế đấy)… Anh cũng viết về các đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Nga như Tarkovsky, Konchalovsky, Nikita Mikhalkov, cha con Chukhrai, Sergey Gerasimov, Bondarchuk…

Nguyễn Đăng Bẩy - lặng lẽ với dịch thuật - Ảnh 4.

Đăng Bẩy (thứ ba, từ phải sang) trong đội bóng sinh viên ở Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad

Đó là chàng sĩ quan bạch vệ "mắt xanh" đẹp trai do Oleg Strizhenov đóng trong phim Người thứ 41 (chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Xô viết Boris Lavrenyov). Là nữ diễn viên Borisova thủ vai Nastasia Philippovna trong phim Thằng ngốc (đạo diễn Ivan Pyriev). Đó là Aleksey Vladimirovich Batalov, người tham gia nhiều bộ phim, trong đó có phim Khi đàn sếu bay qua (đạo diễn M. Kalatozov, 1957) - bộ phim huyền thoại đi vào kho báu của điện ảnh Xô viết và điện ảnh thế giới. Nhân vật anh lính Boris Borozdin do Batalov đảm nhiệm, góp phần quan trọng cho thành công của bộ phim. Trong bài Kiều diễm và tự nhiên, Đăng Bẩy viết về nhân vật Assol xuất hiện trên màn ảnh lần đầu tiên vốn là một thiếu nữ mơ mộng, lãng mạn trong phim Cánh buồm đỏ thắm (1961, đạo diễn Aleksandr Ptushko) do Anastasiya Vertinskaya đóng. Cô lại hóa thân lộng lẫy trong vai nàng Gutiere Baltazar trong bộ phim Người cá (1962), dựng theo thiên truyện khoa học viễn tưởng của Alexandre Belayev. Phải đến khi đó, nữ diễn viên trẻ đẹp 18 tuổi mới lọt vào mắt xanh của đạo diễn Grigory Kozinsev và được chọn vào vai nàng Ophelia trong Hamlet...

Với các bài viết về chân dung nghệ sĩ Nga Xô viết, Đăng Bẩy đã thoát được cách viết đơn thuần cung cấp thông tin báo chí mà quan trọng anh đã đưa vào bài viết cảm xúc, tâm trạng, tâm huyết và huy động được vốn từ vựng văn chương sinh động, hấp dẫn, cuốn hút. Nhờ đó, bạn đọc Việt Nam có cơ hội được hiểu biết về nền văn học Nga Xô viết.

Vài nét về dịch giả Nguyễn Đăng Bẩy

Dịch giả - nhà văn Nguyễn Đăng Bẩy còn có bút danh Nguyễn Đăng, sinh ngày 12/11/1948 tại Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Năm 1965, anh tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Sau đó, anh từng du học tại Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad (Liên Xô cũ, 1973 - 1978)

Tháng 10/1981, anh chuyển sang làm biên tập viên trang văn học nước ngoài, chuyên san Văn nghệ dân tộc, sau đó làm Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 2010.

Theo kỷ yếu Nhà văn, tác phẩm chính của anh đã xuất bản gồm: Ra đi không trở lại (truyện dịch V. Bykov, 1983), Mùa Thu trong rừng sồi (tuyển truyện ngắn Liên Xô, 1984), Kẻ đánh cắp thần linh (truyện ngắn hiện đại châu Á, 1985), Tình yêu khôn lường (2008)…

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm