13/02/2013 07:07 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 24 năm (1989), tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 62, khi Jodie Foster lên công bố giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất - Thế giới điện ảnh đã sửng sốt khi cô đọc một cái tên lạ hoắc, Daniel Day-Lewis - trong khi hầu như ai cũng nghĩ năm đó Tom Cruise sẽ là người thắng giải!... Gần ¼ thế kỷ sau (2013), Daniel Day-Lewis đang đứng trước cơ hội đánh dấu cột mốc vĩ đại nhất: Người đầu tiên 3 lần đoạt giải Oscar Nam diễn viên chính với vai tổng thống Lincohn trong bộ phim cùng tên!
Diễn viên kén vai nhất
Được đào tạo cơ bản theo trường phái sân khấu cổ điển tại Trường Kịch nghệ Bristol Old Vic, nhưng Day-Lewis lại mê đắm và hướng mình theo phong cách diễn xuất Method (Method Acting - diễn xuất theo kiểu nhập vai hoàn toàn vào nhân vật, tưởng tượng mình chính là nhân vật đó). Xưa nay cả thế giới đều công nhận Marlon Brando là bậc thầy của lối diễn này. Ông đã đưa phong cách diễn xuất Method lên đến cực đỉnh, còn Day-Lewis thì lại nâng tầm phong cách diễn xuất Method lên mức cực đoan.
Trong điện ảnh không hiếm những hóa thân nhân vật xuất chúng theo trường phái Method Acting. Nhưng diễn kiểu “xuất hồn” như Day-Lewis, trên thế giới có lẽ chỉ duy nhất mình anh. Nổi tiếng là diễn viên luôn vắt kiệt sức lực và tâm trí cho việc nghiên cứu và hóa thân vào các vai diễn của mình. Cực đoan đến mức anh hoàn toàn nhập vai trong suốt thời gian đóng phim (kể cả khi không quay) thậm chí đến độ ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe của mình. Đó là lý do Day-Lewis được biết đến như là một trong những diễn viên kén chọn vai diễn nhất trong thế giới điện ảnh. Nằm trong số 9 nam diễn viên từng 2 lần đoạt giải Oscar, nhưng Day-Lewis là người đóng ít phim nhất. Năm nay anh đã 55 tuổi, nhưng chỉ đóng có 19 phim (tính đến 2012). Kể từ 1997 đến nay anh chỉ đóng có 6 bộ phim, có lúc 2 vai diễn của anh cách nhau đến 5 năm.
Những cuộc “hành xác” khó tin
The Unbearable Lightness Of Being (Đời nhẹ khôn kham - 1988): Tham gia điện ảnh từ năm 1971, nhưng mãi đến năm 1988, đây mới là vai chính đầu tiên của Day-Lewis. Trong phim anh đóng vai một bác sĩ phẫu thuật người Czech, mắc bệnh bạo dâm. Suốt quá trình quay dài 8 tháng, Day-Lewis học tiếng Czech và lần đầu tiên anh làm xáo trộn cuộc đời, khi tự cho phép mình liên hệ cảm xúc với một phụ nữ. Từ phim này, Day-Lewis bắt đầu từ chối thoát vai cả trong lẫn ngoài phim trường suốt toàn bộ lịch quay.
My Left Foot (Chân trái của tôi - 1989): Day-Lewis khẳng định dấu ấn cá nhân sâu đậm cho phong cách Method khi thủ vai Christy Brown - một nhà văn kiêm họa sĩ bị liệt não, và chỉ cử động được mỗi chân trái. Quá trình chuẩn bị cho vai diễn này của Day-Lewis được xem là kỳ tích có một không hai trong điện ảnh. Anh thường xuyên tới thăm dưỡng đường của Trường Sandymount ở Dublin (Ai-len). Tại đây anh kết bạn với những người bị liệt não, tập phát âm ngọng nghịu bằng lưỡi.
Khi đến phim trường, cách nhập vai khổ hạnh đến mức lập dị của anh trở thành nỗi ám ảnh của cả đoàn do anh từ chối thoát vai. Khi ở bên ngoài ống kính, Day-Lewis chỉ di chuyển trên khắp phim trường bằng xe lăn. Anh yêu cầu phải bế mình vào toilet khi đi vệ sinh, và đến bữa ăn… phải có người đút! Hậu quả của việc “hành xác” này là anh bị gãy hai chiếc xương sườn do phải ở trong tư thế gập cong người trên xe lăn quá nhiều tuần! Nhưng bù lại đây là vai diễn mang lại Oscar đầu tiên cho Day-Lewis.
The Last Of The Mohicans (Người Mohican cuối cùng - 1992): Ba năm sau khi đoạt tượng vàng Oscar, Day-Lewis trở lại đẹp phong trần như một bức tượng Hy Lạp trong siêu phẩm sử thi này. Day-Lewis phải tập thể hình rất khắc nghiệt cho cơ thể rắn chắc dẻo dai, và học cách sống nơi hoang dã rừng rú, học cách lột da thú, cách dựng lều, săn bắt và câu cá như nhân vật của mình. Thậm chí anh còn đeo kè kè một khẩu súng trường mọi lúc mọi nơi trong suốt quá trình đóng phim để giữ tình trạng nhập vai. Các nhà sản xuất khôn ngoan đã quảng bá rầm rộ quá trình nghiên cứu nhân vật của Day-Lewis khi phát hành phim này.
In the Name Of The Father (Nhân danh Cha - 1993): Day-Lewis đóng vai Gerry Conlon, một người bị kết án oan tội đánh bom quán bar Guildford. Anh sụt rất nhiều cân vì vai này, luôn nói giọng Bắc Ai-len trong và ngoài phim trường. Trải qua nhiều ngày ở trong một xà lim thật và chỉ ăn suất cơm tù nghèo nàn khiến anh sụt tới 13,6kg. Khi quay cảnh bị cảnh sát thật thẩm vấn suốt 3 ngày, anh không ngủ 2 ngày liền để cho gương mặt hốc hác. Anh còn yêu cầu các thành viên trong đoàn tạt nước lạnh vào người anh trong tiết trời rét căm căm và phải mắng chửi anh xối xả, y như nhân vật này từng phải chịu ngoài đời! Phim này mang lại đề cử Oscar lần thứ hai cho anh.
The Boxer (Võ sĩ quyền anh - 1996): Day-Lewis đóng vai Danny Flynn, một cựu thành viên tổ chức IRA, giờ trở thành võ sĩ quyền anh sau khi ra tù. Để chuẩn bị cho vai này, anh luyện tập nhiều tuần với cựu vô địch thế giới Barry McGuigan, người sau này cam đoan rằng Day-Lewis hoàn toàn đủ tư cách để chuyển sang nghề võ sĩ quyền anh! Nỗ lực luyện tập khủng khiếp của Day-Lewis phải trả giá bằng một cái mũi vỡ và một đĩa đệm bị hỏng ở phần dưới lưng!
Gangs Of New York (Băng đảng ở New York - 2002): Tái ngộ lần hai với đạo diễn Martin Scorsese sau 5 năm không đóng phim, Day-Lewis thủ vai tay anh chị khát máu biệt danh “Bill đồ tể”. Anh đưa một người hàng thịt từ Peckham ở Nam London qua Mỹ để hướng dẫn anh cắt nhỏ xác động vật. Day-Lewis cũng thuê các nghệ sĩ xiếc dạy anh cách phóng dao. Khi ở trên phim trường, anh lắng nghe mê say nhạc thô tục của rapper Eminem nhằm cố gắng duy trì “mức độ hung hăng” của mình.
Anh bị viêm phổi trong quá trình đóng phim này vì đã từ chối thay chiếc áo khoác xác xơ bằng len của nhân vật bằng chiếc áo ấm hơn, với lý do một người New York nghèo nàn ở thế kỷ thứ 19 thì làm gì có được một chiếc áo dày để mặc! Phim mang lại đề cử Oscar lần thứ 3 cho Day-Lewis.
There Will Be Blood (Máu sẽ phải đổ - 2007): Thủ vai địa chủ khai thác mỏ dầu hung dữ và tàn ác Daniel Plainview. Day-Lewis làm các diễn viên phải khiếp vía vì sự dữ tợn của mình, đến mức tin đồn lan truyền ở Hollywood rằng một bạn diễn căm phẫn rời bỏ bộ phim sau khi gọi Day-Lewis là “kẻ điên rồ và đáng sợ”. Chính vì thế anh từ chối nói chuyện với các bạn diễn trong những lúc không diễn xuất, và nhất quyết sống trong một căn lều trên mỏ dầu bỏ hoang ở Texas khi ngưng quay, và từng bị té ngã gãy một xương sườn. Diễn viên Paul Dano kể lại trong cảnh cuối cực kỳ bạo lực, anh suýt bị chấn thương nặng vì Day-Lewis đập anh túi bụi bằng những trái bowling! Phim đã mang lại tượng vàng Oscar lần thứ hai cho Day-Lewis.
Lincoln (Tổng thống Lincoln - 2012): Tầm cỡ như đạo diễn Steven Spielberg mà phải mất khá nhiều thời gian lặn lội qua tận Ai-len để năn nỉ thuyết phục Day-Lewis nhận lời đóng nhân vật lịch sử này. Giống như mọi khi, anh cân nhắc rất lâu trước khi nhận lời trong sự chờ đợi đến sốt ruột của vị đạo diễn lừng danh, bởi như ông nói: “Daniel mà từ chối là tôi bỏ dự án này ngay!”. Day-Lewis yêu cầu cho anh quãng thời gian một năm để chuẩn bị cho vai diễn. Anh đọc hơn 100 cuốn sách về Lincoln, nghiên cứu giọng nói và làm việc một thời gian dài với chuyên gia hóa trang để đạt được một diện mạo giống Tổng thống Lincoln nhất. Lincoln được giới phê bình khắp nơi khen ngợi, mà chủ yếu là khen diễn xuất của Day-Lewis.
Cơ hội lưu danh vào sử sách
Ở hạng mục Oscar Nữ diễn viên chính, đã sừng sững tượng đài Katharine Hepburn với 4 lần đoạt giải. Ở hạng mục dành cho Nam diễn viên chính, dù quy tụ rất nhiều anh tài, nhưng trong lịch sử 84 năm của giải Oscar chưa ai vượt quá 2 lần cầm tượng vàng. Daniel Day-Lewis đã có vinh dự “ngồi chung mâm” với Marlon Brando, Gary Cooper, Tom Hanks, Dustin Hoffman, Fredric March, Jack Nicholson, Sean Penn, Spencer Tracy. Lần này, với sự hóa thân thần kỳ trong vai Tổng thống Lincoln - loại nhân vật lịch sử mà Viện Hàn lâm rất ưa thích - tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 85 tới đây (24/2/2013), mọi thứ hầu như đã đâu đó sẵn sàng cho lễ đăng quang vị vua mới của nghệ thuật diễn xuất: Daniel Day-Lewis.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất