Người trong cuộc nói về khán giả ở V-League

13/01/2011 12:49 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Không sai khi nói rằng, khán giả chính là nguồn sống của V-League nhưng bên cạnh đó vẫn còn những mặt trái, nổi bật là tình trạng quá khích của các hooligan.

Nhà báo Nguyễn Nguyên

Tôi không đánh giá toàn cục V-League mà chỉ đề cập đến những điều trông thấy, về khán giả với các đội bóng ở TP. HCM hiện nay.

Ngày xưa người ta đến sân vì tò mò CLBQĐ, CLB CATP, CSG, Hải Quan. Ở họ có cả một niềm tự hào về truyền thống CLB, về những cá nhân xuất sắc. Đó chính là cái cốt lõi, nhưng hiện tại, để tìm ra cái để mà tự hào với các đội bóng ở TP.HCM hiện nay thật khó.

Những cái tên SG.XT, N.SG gia nhập làng bóng đá TP. HCM một cách dễ dàng, theo tôi vẫn không đủ sức hấp dẫn để kéo khán giả đến sân. CLB TP. HCM cũng không biết sẽ sống được bao nhiêu mùa nữa khi khả năng đầu tư còn là dấu chấm hỏi.

Năm ngoái có những đội bóng đã phải thuê khán giả, phát nước, phát tiền ăn để cổ vũ cho đội bóng của họ. Đa phần trong số đó là sinh viên, họ rủ nhau đến. Và đó không phải là khán giả, đó chỉ là biện pháp chữa cháy tạm thời cho vấn đề.

Không thể so sánh lượng khán giả đến sân để theo dõi những trận đấu có mặt ĐTQG các cấp độ với mức độ CLB, vì quan điểm của CĐV, khi xem ĐTQG thi đấu, họ đến để xem những thần tượng của mình, đến xem những người đại diện cho cả một dân tộc mà rất lâu mới có 1 dịp. Còn với các đội bóng thì lại khác, để có lượng khán giả của CLB thì khó hơn, CĐV có quyền đòi hỏi về đối tượng họ yêu thích, về lối đá hay, đá đẹp và đặc biệt là niềm tự hào về truyền thống CLB đã thấm vào mỗi người.

HLV Mai Đức Chung – CLB N.SG

Dù là một địa phương đông dân nhất cả nước nhưng có tôi biết rằng, nhu cầu xem bóng đá VN của người dân TP. HCM đang thưa vắng hơn so với những năm trước đây. Theo tôi, có ba lý do chính. Thứ nhất, vì thành tích bóng đá nơi đây đang đi xuống trong nhiều năm qua. Nguyên nhân khách quan thứ hai cũng không thể phủ nhận, đó là sự phát triển chung của xã hội kéo theo nhu cầu giải trí của người xem bóng đá khắt khe hơn. Khán giả được lựa chọn giữa nhiều giải bóng đá châu Âu, châu Mỹ, có trình độ hay hơn hẳn BĐVN. Nguyên nhân thứ ba đến từ chính đội bóng, trình độ đội bóng yếu cũng góp phần khiến khán giả không muốn đến sân.


Cảnh tượng khán đài như thế này luôn là mơ ước của các đội bóng

Đá bóng là phải có khán giả, cần nhiều khán giả đến sân, không những cổ vũ tinh thần đội nhà mà còn để gây áp lực với đội khác. N.SG mùa trước không có lợi thế đó, là HLV, không ai có thể vui khi chứng kiến cảnh tượng éo le đó. Theo tôi, không riêng gì N.SG mà bất cứ đội bóng nào cũng phải thể hiện lối đá hay, đá đẹp để có thành tích và lúc đó, tự khắc khán giả sẽ kéo đến sân, tăng thêm phần hào hứng cho cuộc chơi này.

Với bản thân tôi, đây là mùa bóng thứ 2 làm việc ở N.SG, như nhiều người dân TP. HCM khác, tôi đã nhắc nhở các cầu thủ phải cố gắng hết mình vì thành tích chung, vì niềm tự hào khi được làm việc trên mảnh đất này.

Ông Ngô Lê Bằng – Trưởng đoàn CLB SG.XT

Theo tôi, những người yêu bóng đá VN sẽ không bao giờ quay lưng với ĐTVN cũng như các giải VĐQG của VN. Tôi nghĩ với sự đầu tư lớn trước mùa giải của các đội bóng, chất lượng của các giải đấu năm nay sẽ tăng lên, khán giả sẽ lại tới sân nhiều hơn. Tất nhiên vấn đề cốt yếu nằm ở các CLB. Ngoài sự đẹp mắt, hiệu quả trong lối chơi còn là sự trung thực và đạo đức nghề nghiệp.

Với các CLB có hộ khẩu TP. HCM mùa bóng tới, có cầu thủ hoặc “bộ sậu” BHL gốc gác Sài Gòn, và hướng đội bóng theo trường phái tấn công đẹp mắt, tôi nghĩ khán giả sẽ ủng hộ chúng tôi. Theo tôi biết hiện nay, bóng đá TP.HCM cũng đã có một Hội CĐV hoạt động tự lập để ủng hộ cho các đội bóng TP. HCM. Trong trận đấu ra mắt của SG.XT với CS.ĐT dưới sân Cao Lãnh vừa qua, đã có khoảng 50 CĐV đến Đồng Tháp để cỗ vũ cho chúng tôi, họ là những CĐV của các đội bóng hào hùng trong quá khứ của bóng đá TP. HCM thuở xưa, mặc sắc phục có màu truyền thống của 3 đội bóng ở TP. HCM là N.SG, SG.XT và CLB TP. HCM. Tôi thật sự cảm kích khi có những CĐV đã ngoài lục tuần nhưng rất nhiệt thành với bóng đá.

Đinh Thanh Trung – HP.HN

Khi được tham dự rất nhiều giải đấu ở các cấp độ, tôi nhận thấy, có sự chênh lệch rất lớn giữa lượng khán giả quan tâm đến ĐTQG, và những giải đấu cấp CLB. Bản thân tôi đang chơi bóng ở một đội bóng giữa Thủ đô, dù mang tiếng được đá trên sân nhà, nhưng ưu thế đó dường như cũng không tạo ra nhiều tác dụng. Lác đác một nhóm CĐV ở khán đài A và B, điều đó cũng không tạo ra nhiều hưng phấn cho tập thể cố gắng. Dường như các đội bóng nơi đây ít nhận được sự chú ý của khán giả hơn những đội bóng khác ở miền Trung hay trong Nam. Nếu có một lời muốn nói với các CĐV trước mùa giải mới, tôi mong khán giả Thủ đô sẽ ưu tiên cho chúng tôi một sự quan tâm nhất định, điều đó sẽ là động lực tinh thần không nhỏ cho các cầu thủ phấn đấu hết mình vì tập thể, vì địa phương nơi chúng tôi đang cống hiến.

Việt Hòa 

Khán giả ở V-League 2010

* Trận đấu ít khán giả nhất: Navibank SG – K.Khánh Hòa (vòng 24, 300 người)

* Trận đấu nhiều khán giả nhất: XM.HP – SHB Đà Nẵng (vòng 14, 29.000 người)

* Vòng đấu nhiều khán giả tới sân nhất: Vòng 14 (97.000 người)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm