Người thay đổi diện mạo phim gangster Hollywood

26/08/2010 07:31 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Phim gangster có lịch sử khá lâu đời ở Hollywood. Nhưng sự khắt khe của luật điện ảnh Mỹ đã làm hạn chế sự hấp dẫn, và tính chân thật đặc thù của thể loại phim này. Trước sức ép từ Làn sóng mới (Nouvelle Vague) của điện ảnh Pháp, Hollywood buộc phải chuyển mình… Năm 1967, bộ phim Bonnie & Clyde ra đời đã tạo một bước ngoặt lớn…

>>Để đọc những bài viết đặc sắc về điện ảnh trên TT&VH hãy bấm vào đây

Đưa sự thật và huyền thoại lên màn ảnh

Bonnie & Clyde là tên gọi tắt của Bonnie Parker và Clyde Barrow, đôi tình nhân cầm đầu băng cướp Barrow khét tiếng chuyên cướp nhà băng. Chúng làm mưa làm gió ở miền trung nước Mỹ trong suốt thời kỳ Đại suy thoái thập niên 1930. Sự táo bạo, liều lĩnh và tàn nhẫn của Bonnie và Clyde cùng đồng bọn đã khiến nhà chức trách điên đảo phải bằng mọi giá tiêu diệt chúng. Ngày 23/5/1934, Bonnie và Clyde bị lừa lọt vào ổ phục kích của cảnh sát, cả hai bị bắn nát người với khoảng 130 phát đạn. Khi đền tội, nữ quái Bonnie Parker mới 23 tuổi, còn gã Clyde Barrow thì 25 tuổi!

Những tội ác kinh thiên động địa và cái chết nhuốm màu sắc bi tráng của Bonnie và Clyde, đã tạo cảm hứng cho hai nhà biên kịch Davis Newman và Robert Benton đưa câu chuyện lên phim. Robert Benton lấy ý tưởng kịch bản từ cha của ông, người đã từng tham dự đám tang của Bonnie Parker và Clyde Barrow. Ngôi sao điển trai Warren Beatty lúc ấy mới 30 tuổi rất mê kịch bản này và quyết định sẽ sản xuất bộ phim.

Beatty gõ cửa hãng Warner Bros, nhưng vị chủ tịch huyền thoại Jack Warner lại không ưa câu chuyện này, tệ đến mức trong bản ghi nhớ của Jack Warner về kịch bản Bonnie & Clyde, ông viết: “Ai mà thèm theo dõi sự thăng trầm của một đôi chuột cống?”. Beatty quay sang cầu cứu Ben Kalmenson, phó chủ tịch của Warner Bros. Có nguồn tin nói rằng, Beatty thậm chí đã “bò lê” khắp văn phòng để năn nỉ thuyết phục Kalmenson rằng bộ phim sẽ làm ra nhiều tiền. Kalmenson đồng ý cấp 2,5 triệu USD để làm phim, nhưng không có thù lao cho Beatty! Bù lại ông sẽ được nhận... 40% doanh thu nếu bộ phim có lãi! Đây là một động thái chưa từng có trước giờ, chứng tỏ lúc ấy không một ai tin vào thành công của Bonnie & Clyde! Warren Beatty muốn quay bộ phim trắng đen, nhưng hãng Warner Bros bác bỏ ý tưởng đó.

Gian nan tìm đạo diễn

Chiếc ghế đạo diễn ban đầu được trao cho François Truffaut, đạo diễn nổi tiếng nhất của phong trào Làn sóng mới (Pháp), người cũng đã đóng góp khá nhiều vào quá trình phát triển kịch bản Bonnie & Clyde. Tuy nhiên trước khi ký hợp đồng, Truffaut lại nắm được cơ hội làm phim Fahrenheit 451 (1966), một dự án mà ông ấp ủ từ lâu, thế là Truffaut rút khỏi dự án Bonnie & Clyde.

Kế tiếp, nhà sản xuất tiếp cận đạo diễn Jean-Luc Godard - cũng là một “chiến tướng” của Làn sóng mới. Một số nguồn tin khẳng định Godard đã không tin tưởng Hollywood nên từ chối. Một số khác thì cho rằng ông bị từ chối vì lên kế hoạch đổi Bonnie & Clyde thành câu chuyện của hai thanh thiếu niên và chuyển bối cảnh sang Nhật Bản.

Đạo diễn Arthur Penn cũng nằm trong số 20 đạo diễn đã từ chối kịch bản này, trong đó có cả huyền thoại 3 lần đoạt giải Oscar William Wyler (đạo diễn phim Ben-Hur). Nhưng sau khi nhiều đạo diễn khác tiếp tục từ chối, Warren Beatty buộc phải trở lại năn nỉ Arthur Penn. Đạo diễn này đồng ý với điều kiện phải thực hiện một số thay đổi lớn, trong đó quan trọng nhất là cho Clyde Barrow bị liệt dương, chứ không phải lưỡng tính như ngoài đời thật.

Ban đầu Arthur Penn ý định biến Bonnie & Clyde thành bộ phim lãng mạn pha hài, gần giống như nhái các bộ phim gangster bạo lực của thập niên 1930. Penn cố tình khắc họa một số cảnh bạo lực bằng một giọng điệu hài hước. Nhưng Beatty lại muốn nó hiện thực theo kiểu Làn sóng mới của Pháp, vừa nhanh trong việc chuyển đổi sắc thái, vừa biến hóa trong việc dựng phim – điều này đặc biệt được nhấn mạnh trong trường đoạn đẫm máu kết thúc phim.

Khổ cực tìm diễn viên

Sự lựa chọn đầu tiên của nhà sản xuất Warren Beatty cho vai Clyde Barrow là thần tượng âm nhạc Bob Dylan, người rất giống với Clyde ngoài đời, và lúc ấy cũng chỉ mới 25 tuổi. Thật ra lúc ấy chính Warren Beatty vì quá đam mê vai trò sản xuất, mà quên khuấy chính mình cũng rất mê vai Clyde Barrow. Đến khi có ai đó “nhắc nhở”, Beatty mới sực nhớ... đến mình. Việc Warren Beatty tự đóng vai chính chẳng có gì trở ngại, bởi lúc ấy ông đang là một ngôi sao sáng giá.

Khi Warren Beatty với tư cách là nhà sản xuất, thì chị gái của ông là Shirley MacLaine rất có khả năng thủ vai Bonnie Parker. Nhưng khi ông quyết định đóng vai Clyde, thì MacLaine không thể đóng vai người tình của em trai mình. Các nữ diễn viên khác được cân nhắc cho vai diễn này là Jane Fonda, Tuesday Weld, Ann-Margret, Leslie Caron, Carol Lynley và Sue Lyon. Người mà Beatty muốn mời đóng vai này nhất là Natalie Wood - người tình cũ của ông, nhưng Natalie từ chối vì lý do sức khỏe và cũng vì không muốn làm việc với một người quá khó tính như Beatty.

Curtis Hanson - hiện là một đạo diễn nổi tiếng - người khởi nghiệp bằng nghề nhiếp ảnh, lúc ấy có chụp một loạt ảnh mẫu để Faye Dunaway mang đi casting. Khi Dunaway được cân nhắc cho vai này, Beatty đã gọi điện yêu cầu Hanson cho ông và Arthur Penn xem toàn bộ các bức ảnh. Có thể nói chính bộ ảnh casting này đã quyết định việc Faye Dunaway được giao vai Bonnie Parker.


Một cảnh trong phim. Nguồn Internet
Từ sọt rác trở thành quả bom phòng vé

Bộ phim được quay một phần ở Dallas, bang Texas, có sử dụng một vài bối cảnh nhà băng là địa điểm mà Bonnie và Clyde ngày xưa đã đến cướp… Hằng ngày, đoàn phim bắt đầu bấm máy vào 4h30 sáng, trong suốt 10 tuần, với chỉ một ngày bị hoãn do thời tiết khắc nghiệt.

Khi phim hoàn tất, chủ tịch hãng Warner, Jack L. Warner - từ đầu đã căm ghét bộ phim và vẫn giữ sự thù địch đó cho tới khi xuống mồ - được mời xem riêng cùng với Warren Beatty và Arthur Penn. Ông này tiếp tục tỏ thái độ khinh miệt bộ phim bằng cách đứng dậy ba lần để đi toilet! Jack L. Warner nhận xét bộ phim chỉ đáng hạng B, rồi tống nó vào các bãi chiếu dành cho người ngồi xe ô tô và các rạp hạng hai!

Lần đầu công chiếu, phim gây tranh cãi vì đã “tô son điểm phấn” cho những kẻ giết người, với mức độ bạo lực dữ dội và đẫm máu chưa từng có lúc đó. Bosley Crowther của tờ New York Times hoảng sợ tới mức ông bắt đầu vận động chống lại tính bạo lực đang gia tăng của các bộ phim Mỹ… Nhưng đa số các nhà phê bình lại tung hô bộ phim và giới trẻ bắt đầu xuất hiện trong các buổi chiếu, phim bắt đầu được quảng bá tốt hơn, được phát hành rộng rãi. Bonnie & Clyde là bộ phim đạt doanh thu cao thứ hai của hãng Warner Bros trong thập niên 1960, chỉ sau My Fair Lady (1964). Hàng ngàn chiếc mũ beret được bán trên khắp thế giới sau khi khán giả nhìn thấy Faye Dunaway đội nó trong phim.

Một trong những lý do khiến bộ phim hết sức thành công là vì thái độ phản kháng của nó. Lúc đó, người dân Mỹ vỡ mộng về sự sa lầy của Mỹ ở Việt Nam đang tăng lên. Bộ phim tiếp tục hái ra tiền sau đó và đến năm 1973 thì đạt hơn 70 triệu USD trên toàn thế giới. Năm đó, bộ phim đã được đề cử 10 giải Oscar (đoạt 2 giải).

Bước ngoặt của phim gangster

Bonnie & Clyde là bộ phim mang tính bước ngoặt của Hollywood. Nó phá vỡ nhiều điều cấm kỵ và được thế hệ trẻ lúc ấy ưa chuộng. Bộ phim thẳng thắn trong việc xử lý dục tính, khắc họa tội phạm một cách gợi dục và đan xen với tình dục. Thành công của bộ phim thúc đẩy các nhà làm phim Mỹ mạnh dạn đưa sex và bạo lực vào trong các bộ phim sau này.


"Chiếc xe tử thần” đầy lỗ đạn, kính vụn, cửa sổ vỡ tan và lốp xe bể trong phim. Ảnh Internet

Đạo diễn Arthur Penn nhấn mạnh rằng, bộ phim còn đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với điện ảnh Mỹ: Phát súng bắn ra và người bị bắn đều trong cùng một khung hình. Trước đó, cảnh ta thường thấy là một khẩu súng nhả đạn, sau đó cắt cảnh, rồi cảnh kế tiếp cho thấy thân hình nạn nhân chảy máu, hoặc gục xuống. Trong Bonnie & Clyde, lần đầu tiên khán giả nhìn thấy kẻ cầm súng bắn thẳng vào mặt nạn nhân mà không cắt cảnh. Đây thật sự là một cuộc cách mạng về thị giác, vì trước đó những cảnh như vậy sẽ bị kiểm duyệt rất gắt gao.

Bonnie & Clyde là một trong những bộ phim đầu tiên sử dụng nhiều quả nổ mini được gắn vào những túi máu giả gắn bên trong quần áo diễn viên. Sau đó kích nổ tạo cảm giác như trúng đạn thật. Hơn 30.000 viên đạn không nạp chì được dùng trong phim, trong đó gần 7.000 viên đạn không chì đã được sử dụng cho riêng cảnh phục kích khét tiếng dài 54 giây ở cuối phim, với bốn camera hoạt động theo những tốc độ khác nhau. Các chuyên gia hiệu ứng đặc biệt bỏ ra gần hai tuần để lắp ráp “chiếc xe tử thần” đầy lỗ đạn, kính vụn, cửa sổ vỡ tan và lốp xe bể trong phim.

Sự dấn thân đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đã mang lại thành công quá sức tưởng tượng cả về kinh tế lẫn nghệ thuật, cho ngôi sao kiêm nhà sản xuất trẻ tuổi Warren Beatty. Nó đã khởi đầu cho một trào lưu mới: Kỷ nguyên của những nghệ sĩ đa năng, vừa sản xuất, vừa đạo diễn, vừa làm diễn viên chính…- những F.F.Coppola, Steven Spielberg, George Lucas, Martin Scorsese, Clint Eastwood, Kevin Costner, Mel Gibson…

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm