23/04/2023 16:19 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Sau 5 lần hỏng thai, bà mẹ tưởng chừng ước mơ 'tìm con' sẽ khép lại. Nhưng may thay, hạnh phúc vẫn mỉm cười với chị khi đón con ở tuổi 37.
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Bình Dương, Trung tâm IVF Hồng Ngọc, chia sẻ về quá trình 'tìm con' của bà mẹ N.T.H (Sinh năm 1986). Được biết, chị H kết hôn muộn. Năm 2021, chị H tìm đến bác sĩ Dương sau 5 lần hỏng thai. Theo chị H chia sẻ, trong 5 lần hỏng thai đó, có 2 lần chị H mang thai tự nhiên và 3 lần là thai IVF, nhưng tất cả đều thất bại. Mặc dù đã đi khám nhiều nơi, nhưng kết quả vẫn về số 0.
"Mình mang thai lần 1, 2, 3, 4, con chỉ được vài tuần thì đã không giữ được. Đến lần 5, con đã được 8 tuần, tưởng chừng em bé đã ổn định, nhưng khi đi khám thì con không có tim thai, nên phải hút ra. Thực sự sau nhiều lần 'cứ thả là hỏng', cảm giác rất khủng khiếp, mình dường như mất hết năng lượng, nghĩ đến chuyện con cái là thấy tủi thân", chị H tâm sự.
Thăm khám cho chị H, bác sĩ Dương phát hiện chị H mắc hội chứng Anti-phospholipid (Anti-phospholipid syndrome - APS) hay còn được gọi là hội chứng kháng phospholipid. Đây là hội chứng có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tắc mạch, gây sảy thai tái diễn ở phụ nữ. Nguyên nhân gây bệnh là do hệ thống miễn dịch sản xuất ra các kháng thể chống lại phospholipid hoặc chống lại các quyết định kháng nguyên protein gắn phospholipid. Đây cũng là một hội chứng thuộc các bệnh tự miễn.
Ngoài ra, bác sĩ Dương phát hiện thêm chị H bị viêm mãn tính buồng tử cung sau nhiều lần chị H phải nạo, hút thai ra ngoài.
Tìm được nguyên nhân cốt lõi, bác sĩ Dương tiến hành 'cải tạo' buồng tử cung cho chị H và cho điều trị kháng sinh. Sau thời gian 2 tuần điều trị, chị H được kích trứng làm Thụ tinh ống nghiệm (IVF) .
"Vì sản phụ mắc hội chứng Anti-phospholipid, nên ngoài việc phải làm IVF, thì chúng tôi còn chỉ định sử dụng thuốc giúp chị H bảo vệ thai. Cứ thế, thai phát triển đến tuần 33, khi thai nhi có khả năng sống tốt bên ngoài. Chị H mong muốn được sinh mổ chủ động, nhưng các bác sĩ vẫn động viên chị H giữ con thêm ít tuần, vì thai ở trong bụng ngày nào sẽ tốt ngày đó. Nhưng đến tuần 37, chị H quyết tâm muốn sinh em bé ra để an toàn cho cả mẹ và con. Và em bé chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cả gia đình và y bác sĩ", bác sĩ Dương chia sẻ.
Trong suốt quá trình mang thai, chị H tâm sự, bản thân chị hồi hộp từng phút giây, chỉ mong em bé trong bụng bình an, khỏe mạnh . Nên khi con đủ điều kiện để chào đời, chị H quyết định sinh em bé.
"Ngày nào tôi cũng phải tiêm thuốc giữ thai, nên cảm giác hồi hộp, lo lắng rất khó tả. Với một người mẹ đã từng mất con liên tiếp tận 5 lần, thì cảm giác sợ hãi càng nhân lên gấp nhiều lần so với người khác. Nên khi con được chào đời sớm, với tôi nó như một món quà", chị H xúc động.
Để có được em bé này, chị H đã nỗ lực vô cùng nhiều, gần 250 mũi tiêm vào người, nên chị đã giữ lại tất cả như một kỷ niệm cho những ngày tháng khó khăn tìm con.
Đến hiện tại, em bé được hơn 2 tuổi, vô cùng khỏe mạnh và đáng yêu, vợ chồng chị H đã cảm thấy vô cùng mãn nguyện.
Hội chứng phospholipid nguy hiểm thế nào?
Theo các bác sĩ, hội chứng phospholipid xuất hiện tự kháng thể kháng phospholipid trong máu, từ đó tạo ra các cục máu đông trong lòng mạch, các triệu chứng như nhồi máu phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc tĩnh mạch sâu, thiếu máu cơ tim thoáng qua, sùi van tim, động kinh, mảng xanh tím livedo...
Đối với phụ nữ mang thai, bệnh gây tình trạng sảy thai tái diễn, thai chậm hoặc ngừng phát triển trong tử cung. Bệnh thường đi kèm với tình trạng giảm tiểu cầu mức độ trung bình.
Khoảng 1-5% dân số có kháng thể kháng phospholipid. Các kháng thể này bao gồm kháng thể kháng cardiolipin, kháng thể kháng β2glycoprotein và kháng đông lupus.
Tuy nhiên, phần lớn những người có kháng thể kháng phospholipid hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ một phần nhỏ trong số đó tiến triển thành hội chứng kháng phospholipid.
Bệnh hay đi kèm với một số bệnh như lupus ban đỏ hệ thống (30%), hoặc tắc tĩnh mạch sâu (30%). Khoảng 25% bệnh nhân đột quỵ sớm dưới 50 tuổi, 10% bệnh nhân sảy thai tái diễn có phối hợp với hội chứng antiphospholipid.
Khoảng 1% bệnh nhân APS có thể gặp thảm họa APS, đây là biến chứng nặng của hội chứng antiphospholipid, bệnh diễn biến trong thời gian ngắn, dẫn đến tổn thương tiến triển nhiều cơ quan nội tạng. Tỉ lệ tử vong của bệnh trong trường hợp này rất lớn nếu không được điều trị kịp thời.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất