HLV họ Vương về Thể Công: Ông Dũng "béo" thắng ông Hải "lơ"

17/09/2008 10:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - 2 tuần sau ngày ông ngậm ngùi rời XMHP, HLV Vương Tiến Dũng đã tìm thấy bến đậu mới (mà cũ). Sáng qua, ông đã đặt bút ký bản hợp đồng 1 năm với Thể Công, đội bóng cũ đã từng mang lại cho ông danh hiệu VĐQG năm 1998.

Chung kết Hải “lơ” – Dũng “say”

Thể Công đã suýt chút nữa tiếp tục lựa chọn giải pháp thày ngoại. Người của Thể Công cất công sang Đức tìm thày khi V-League 2008 còn 1 tháng mới kết thúc. Họ chỉ không ký hợp đồng với một HLV người Đức vì ông này đặt điều kiện phải đưa cả gia đình sang Hà Nội (dĩ nhiên là CLB cáng đáng).

Thể Công cũng đã “tổ chức” một trận “chung kết” cho cặp HLV Lê Thụy Hải và Vương Tiến Dũng. Cách nay ít ngày, khi ông Dũng về quê ở Thanh Hóa, qua điện thoại, ông còn chưa dám khẳng định mình sẽ về Thể Công. Cùng thời điểm, có người ở Thể Công âm thầm thực hiện một cuộc thăm dò “mini” về năng lực và khả năng thích hợp của HLV Lê Thụy Hải và HLV Vương Tiến Dũng đối với đội bóng Quân đội.
 
Trở lại Thể Công bằng lối cổng chính rải thảm đỏ, HLV Vương Tiến Dũng coi như đã có một chiến thắng
 
Và cuối cùng thì ông Dũng được chấm, để trở thành thuyền trưởng của đội bóng mà ông từng rời nó trong cay đắng năm 2001. Sáng qua, họ đã ngồi lại với nhau, rà soát lại lần cuối các điều khoản trong bản hợp đồng và lần lượt ký vào đó.

Ông Dũng về lại Thể Công cũng là một ý nguyện đã có từ hơn năm nay của Viettel, đơn vị chủ quản của đội bóng này, nay trở thành hiện thực. Trước mùa 2008, họ từng đặt vấn đề đó ra, nhưng rồi lại tự gạt đi và một phần vì ông Dũng có bến đậu ở XMHP và ít nhiều chưa quên quá khứ, nên không thành.

Cái bắt tay lịch sử

Ông thày họ Vương ngồi ký hợp đồng với ông Giám đốc họ Hồ và ông Phó họ Quản. Ít nhất thì có những người trong số đó đã từng là mặt trời và mặt trăng với nhau trước kia, nên đây thực sự là một cú bắt tay lịch sử. Cái bắt tay này nằm ngoài sức tưởng tượng của tất cả, vì ngay cả người Thể Công cũng từng dự đoán: phải có người đi, mới mong có người về.

Mùa 1999-2000, ông Dũng mất ghế HLV ở Thể Công khi giải mới xong giai đoạn 1 vì hàng loạt trận thua của đội. Người ta nói, ghế của ông bị người khác muốn lên thay “chém” cụt chân. Sau một thời gian xuống làm đội trẻ ông Dũng xin về hưu và rời Thể Công. Nay ông được trải thảm đỏ mời trở lại, thế cũng có thể coi là một chiến thắng.

Nhưng, nếu cặn kẽ ra thì cũng chẳng có gì bất ngờ. Như trên đã nói, ông chủ của đội bóng này thực sự kết HLV Vương Tiến Dũng. Đi ngược lại ý nguyện đó sẽ dẫn tới một kết quả mà ai cũng biết: rời khỏi đội bóng, về lại Cục Quân huấn hoặc về hưu, nếu ngấp nghé tuổi quy định. Mà rời Thể Công trong thời buổi chuyển giao và đang vung tiền mua quân và sẽ thải loại hàng loạt (dưới dạng cho mượn hoặc chuyển nhượng) sẽ tước bỏ đi những cơ hội cả đời làm quản lý mới thấy. Thế cho nên, những nút thắt trong quá khứ cũng chẳng là “cái đinh gì” so với lợi ích hiện tại và phía trước.

Ở đây, cũng cần phải nói thêm, việc Thể Công không thay máu đội ngũ điều hành cũng chính là cơ hội cuối mà những người chủ của đội bóng này đã trao cho họ sau một mùa giải thất bại (đứng thứ 8 so với mục tiêu lọt tốp). Nếu thất bại một lần nữa, tất cả sẽ “bay” và những lời đồn đoán về một cuộc ra đi tập thể mà dư luận đưa ra trong thời gian qua sẽ thành hiện thực.

Đó không phải là sự hà khắc, độc đoán. Đó là sự sòng phẳng trong bài toán đầu tư và hiệu quả. Mùa trước, Thể Công đã tiêu tiền không tiếc tay. Mùa này họ lại tiếp tục tiêu tiền mỏi tay, nên bắt buộc phải có thành tích.

Thực sự là như thế, Thể Công mùa tới phải có thành tích. Ít nhất là huy chương đồng, còn thỏa mãn nhất là Thể Công giành chức vô địch. Còn không, Giám đốc hay Phó Giám đốc và cả HLV trưởng, tất thảy sẽ chỉ là những người bên lề.

Quan điểm: Say

Thể Công sau ngày chia tay với ông Vương Tiến Dũng chưa một lần giành chức VĐQG, thậm chí còn rớt hạng ở mùa 2004. Song, nếu đặt lên bàn cân chức vô địch năm 98 (cùng Thể Công) với vị trí thứ ba mùa 2008 (cùng XMHP) thì có nhiều cơ sở để chọn yếu tố thứ hai như là một sự đảm bảo về khả năng của HLV năm nay 59 tuổi và từng có 37 năm gắn bó với đội bóng Quân đội với tư cách cầu thủ và HLV.

Thể Công năm 98 là một Dream Team thực sự với thế hệ của Đỗ Mạnh Dũng, Hồng Sơn, Đức Thắng, Việt Hoàng… Với đội hình đấy, và với một mặt bằng giải VĐQG khi ấy, người ta nói việc họ vô địch là điều đương nhiên, dù như thế là khá phiến diện, vì những dấu ấn của HLV Vương Tiến Dũng là rất lớn, từ hơi thở tấn công đến việc khai thác tối đa khả năng của các cầu thủ.

Còn XMHP, vị trí thứ ba ở mùa giải đầu tiên trở lại V-League sau khi rớt hạng thực sự là một điều gì đó trong mơ. Thành tích ấy cho người ta thấy ông Dũng có khả năng xoay sở và biết xây dựng nên một đội bóng có lối chơi riêng và hợp lý ngay cả khi quãng thời gian nắm đội chỉ là 1 mùa tổng cộng.

Lúc này, nhìn khắp các HLV nội thuộc thế hệ kỳ cựu như ông (trên dưới 60 tuổi và có thâm niên cầm quân ở các cấp độ khác nhau chừng 20-25 năm), quả là rất ít người tạo ra sự tin tưởng như ông Dũng.

Chính bởi thế, rất khó để tìm ai hơn ông Dũng trong thời điểm này, khi Thể Công quyết định quay trở về với HLV nội.

Nhưng, cũng sẽ chẳng dễ dàng để HLV từng dẫn dắt cả 3 đội bóng Thủ đô (HNACB năm 2003, HPHN năm 2006-2007), đưa Thể Công trở lại vị trí số 1. Bất chấp việc Thể Công đang nuôi tham vọng “mua cả V-League” để xây dựng nên một Dream Team bằng rất nhiều tiền, thì vẫn có rất nhiều những thách thức cần phải giải quyết.

Vấn đề lớn nhất không phải là chất lượng của Dream Team giữa 2 thời kỳ, hay mặt bằng của V-League giờ đã có nhiều đổi thay, hay chuyện thành bại thực ra nằm ở đội ngũ cầu thủ ngoại là chính. Nó nằm ở chỗ đang có quá nhiều e ngại khi Thể Công bỗng dưng biến thành một đội bóng khác, có thể đi vào vết xe đổ của những đội bóng mua quân tứ xứ. Thậm chí, ngay cả việc họ tiếp tục thực thi cái gọi là 1 đội bóng 2 chính sách cho các nhóm cầu thủ khác nhau (giữa những người được hưởng tiền tỉ với những người đang bị đối xử theo kiểu bóng đá bao cấp) cũng tạo nên một vấn đề đau đầu cho lãnh đạo và cầu thủ.

Hôm qua, HLV Vương Tiến Dũng nói, ông đã lường được những thách thức trong lần trở lại này, nhưng vẫn chấp nhận, bởi “ở đâu mà chẳng có sức ép” và ông thực sự hài lòng với quyết định của mình vì Viettel thực sự có tham vọng.

Nói như thế cũng có thể hiểu là ông Dũng chấp nhận chơi một canh bạc lớn nhất trong đời cầm quân của ông. Mà như thế mới là ông Dũng “say”, say nghề và say Thể Công-tình yêu lớn nhất của ông.

Phạm Tấn

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm