Người gây vụ rò tin mật động trời ở Mỹ bị kết tội

01/08/2013 09:37 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bradley Manning, một binh nhì Lục quân Mỹ, người đã làm rò rỉ hàng ngàn trang tài liệu mật lên Internet, vừa bị kết tội làm gián điệp. Với việc bị quy kết trên 20 tội danh, chàng trai 25 tuổi này có khả năng phải sống sau song sắt nhà tù cả quãng đời còn lại.

Trong phiên xử diễn ra hôm 29/7, Bradley Manning, 25 tuổi, đã bị kết luận phạm các tội danh trộm cắp và gian lận điện tử.

Không có động cơ xấu

Sau phiên tòa quân sự kéo dài 7 tuần, các kết luận dành cho Manning đã được đưa ra nhanh gọn trong chưa đầy 10 phút, tại một phòng xử án nhỏ với vài chục người chứng kiến. Thẩm phán, Đại tá Denise Lind, đã đọc phán quyết của bà rồi rời đi.

Theo đó, Manning bị cho là có tội với phần lớn các tội danh. Tuy nhiên anh đã được xóa bỏ tội danh trong cáo buộc nghiêm trọng nhất là hỗ trợ kẻ thù. Thẩm phán Lind dường như không đồng tình với ý kiến của cơ quan công tố rằng quân nhân 25 tuổi đã rò rỉ tài liệu mật "với động cơ xấu".

Cá nhân Manning thừa nhận đã tiết lộ tin mật cho trang web chuyên rò tin nhạy cảm Wikileaks, nhưng nói rằng đã làm thế bởi muốn tạo tranh cãi về chính sách ngoại giao Mỹ. Trong các tài liệu mật mà Manning tung ra ngoài có một đoạn video ghi cảnh trực thăng vũ trang Apache tấn công sát hại nhiều người hồi năm 2007 tại thủ đô Baghdad của Iraq, trong đó có một phóng viên ảnh Reuters.

Quân nhân Mỹ Bradley Manning xuất hiện trong phiên tòa xét xử anh hôm 29/7

Chúng còn gồm 470.000 báo cáo chiến trường tại Iraq và Afghanistan cùng khoảng 250.000 tài liệu ngoại giao mật được chuyển qua mạng thông tin nối giữa Washington và các đại sứ quán Mỹ trên thế giới. Sự kiện đã được xem là vụ rò tài liệu mật lớn nhất ở Mỹ.

Manning, một nhà phân tích tình báo, bị bắt tại Iraq vào tháng 5/2010. Anh đã có nhiều tuần bị nhốt trong một phòng giam ở trại Arifjan, một cơ sở quân sự của Mỹ ở Kuwait, trước khi được chuyển tới Mỹ. Trong phiên tòa, các công tố viên nói rằng Manning đã thu gom các tài liệu mật có hệ thống để được nổi tiếng. Họ nói rằng với việc đã được huấn luyện để trở thành một nhà phân tích tình báo, Manning phải hiểu rằng các tài liệu mật có thể rơi vào tay điệp viên của Al Qaeda.

Nhưng luật sư bào chữa của Manning là David Coombs nói rằng anh chỉ là một quân nhân trẻ, đã bị lạc lối trong thời gian ở Iraq. Theo Coombs, các hành động của Manning giống với một người rò tin mật hơn là việc làm gián điệp.

Tung tin mật vì bất mãn với cuộc sống riêng?

Bradley Manning lớn lên tại Crescent, một thị trấn nhỏ ở Oklahoma. Cha anh cũng là một người lính, đã có 5 năm phục vụ trong quân ngũ. Nhưng cha mẹ anh đã ly hôn khi anh còn bé. Vì thế Manning dọn tới sống cùng mẹ ở Haverfordwest ở xứ Wales.

Báo chí Anh và Mỹ đều mô tả Manning có một tuổi thơ khó khăn. Anh rất nóng tính và thường bị bạn bè trêu chọc là "mọt sách". "Anh ấy thường tức giận và đập sách xuống bàn nếu người ta không lắng nghe hoặc thấu hiểu quan điểm của anh ấy" - một người bạn ở Oklahoma tên Chera Moore, nói với tờ New York Times.

Một số tờ báo Anh nói rằng Manning có thời gian khó khăn khi sống ở Anh. Chàng trai này thường bị trêu chọc, xúc phạm vì là người đồng tính. Sau khi trở lại Mỹ, Manning đã thử qua nhiều công việc khác nhau với thu nhập thấp và không ổn định, trước khi gia nhập quân đội. Bạn bè nói rằng anh đi lính để có tiền học tiếp cao đẳng.

Manning được điều tới Iraq từ tháng 10/2009. Nhưng các bài viết anh tải lên Facebook cho thấy quân nhân này không vui với việc điều động mới. Tháng 5/2009, Manning viết trên Facebook rằng anh "bực dọc với tất cả mọi người và cả xã hội nói chung". Anh từng tuyên bố trên Facebook: "Bradley Manning không phải chỉ là một món đồ". Cuộc sống riêng của Manning cũng gặp rắc rối khi anh chuyển tới phục vụ ở Iraq vào năm 2009.

Hacker máy tính Adrian Lamo, người có nhiều cuộc trò chuyện với Manning, cho biết quân nhân này đã thú nhận với anh ta về việc trộm thông tin trên internet. Theo anh, Manning thường hát theo ca thúc Telephone của Lady Gaga khi tải về một lượng lớn thông tin trên mạng. Manning nói với anh rằng quân đội có "các máy chủ yếu ớt, hệ thống đăng nhập bảo vệ kém, an ninh thực địa kém, công tác phản gián yếu kém...". Lamo đã chuyển hết các thông tin này với nhà chức trách.

Thông tin của Lamo đã giúp nhà chức trách Mỹ bắt được Manning. Ngày 5/7/2010, quân nhân này đã bị khởi tố với nhiều tội danh liên quan tới việc ăn cắp tin mật. Tháng 3/2011, Manning bị khởi tố với 22 tội danh khác nhau, gồm việc hợp tác với kẻ thù của Mỹ.

Cuộc chiến chưa kết thúc

Cáo buộc hỗ trợ kẻ thù đã được đưa ra dựa theo một tiền lệ trong thời Nội chiến Mỹ. Lần đó, một binh nhì của Quân đội Liên bang miền Bắc tên Henry Vanderwater đã làm lộ một tin tức quân sự bí mật cho một tờ báo ở Virginia. Trong phiên tòa diễn ra vào năm 1863, Vanderwater bị tuyên phạt 3 tháng tù lao động khổ sai. Manning sẽ khó có khả năng nhận một bản án nhẹ như vậy.

Ngoài 5 tội danh liên quan tới làm gián điệp, anh còn bị buộc phạm 5 tội danh liên quan tới ăn cắp, 2 liên quan tới gian lận điện tử bên cạnh nhiều vi phạm quân sự khác. Thẩm phán Denise Lind đã giúp cho Manning tránh được án chung thân không phóng thích, khi hủy bỏ cáo buộc hỗ trợ kẻ thù. Tuy nhiên Manning đã bị cho là có tội trong 20 cáo buộc khác theo Luật Gián điệp. 12 trong số đó có mức tù tối đa 10 năm. Tất cả các tội danh này mang lại hình phạt tối đa là 136 năm tù. Nhưng thẩm phán có thể quyết định sẽ không đưa ra hình phạt tối đa cho Manning.

Manning đã không có phản ứng gì khi thẩm phán ra phán quyết. Nhưng luật sư của anh là David Coombs đã thở phào khi biết anh không vướng cáo buộc hỗ trợ kẻ thù. "Chúng tôi đã thắng trận chiến này, giờ chúng tôi cần tiếp tục để thắng cả cuộc chiến" - Coombs nói. Theo BBC, một phán quyết hỗ trợ kẻ thù sẽ gây tác động nghiêm trọng tới Manning và cả những ai định rò rỉ tài liệu mật ra bên ngoài trong tương lai. Còn theo tổ chức Ân xá Quốc tế, việc chính quyền quyết tâm ghép Manning vào tội "hỗ trợ kẻ thù" là hành động lạm quyền, bởi chẳng có chứng cứ nào về việc Manning định gây hại Mỹ khi tung ra tài liệu mật.

Sáng lập viên trang web Wikileaks Julian Assange đã lên tiếng chỉ trích phán quyết của tòa án Mỹ, nói rằng nó cho thấy "chủ nghĩa cực đoan về an ninh quốc gia hết sức nguy hiểm". Assange cũng nói rằng phiên tòa xử Manning chưa bao giờ công bằng. "Bradley Manning không có tội gì bởi anh ấy thực sự đã rất anh hùng khi yêu cầu chính quyền trở nên minh bạch và có trách nhiệm hơn. Anh cũng cho nhân dân Mỹ và thế giới thấy các tội ác do chính quyền Mỹ thực hiện" - Assange nói.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm