Thụy Sĩ- Đức: Giao thoa chủng tộc đã “bào mòn” sức mạnh ý chí

26/05/2012 13:26 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH)- Người Đức đã từng là một dân tộc có ý thức về chủng tộc mạnh đến mức cực đoan, thậm chí tư tưởng ấy còn là khởi nguồn cho chủ nghĩa phát xít, phủ nhận các dân tộc khác bằng cách đề cao đến cực điểm các phẩm chất của dân tộc Đức. Một trong những phẩm chất đặc trưng dân tộc ấy là sức mạnh ý chí, điều đã được thể hiện không chỉ trong bóng đá.

Ý chí biểu thị rõ ràng nhất qua cách họ vượt lên những nỗi đau dân tộc và chuyển hóa nó thành sức mạnh ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chức vô địch World Cup 1954, mà trận chung kết lội ngược dòng trước Hungary đã trở thành biểu tượng bắt đầu cho huyền thoại về ý chí Đức trong bóng đá, được sản sinh trong giai đoạn mà người Đức vẫn còn trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh thế giới II. Chức vô địch thế giới năm 1990 đến chỉ một năm sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, đánh dấu một chương lịch sử mới của dân tộc Đức. Những cuộc lội ngược dòng, sự lì lợm, bản lĩnh thép, đã gắn liền với bóng đá Đức trong rất nhiều giai đoạn của thế kỷ XX, và thường là vào những giai đoạn mà họ đang trải qua những thời khắc đau đớn của lịch sử.



Vào thời điểm người Đức giành danh hiệu cuối cùng ở cấp ĐTQG, chức vô địch EURO năm 1996, đội hình của họ chỉ có đúng một cầu thủ không mang gốc Đức là Mehmet Scholl (gốc Thổ)

Đó được coi là một phần của bản sắc dân tộc, và được bảo vệ bởi ý thức dân tộc rất mạnh của người Đức. Nhưng quá trình giao thoa giữa các dân tộc ở châu Âu trong thời kỳ toàn cầu hóa đang làm phai nhạt bản sắc ấy, một điều không chỉ xảy ra với riêng họ, và bóng đá cũng chỉ là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng của quá trình này. Sức mạnh tinh thần suy giảm không chỉ vì cuộc cách mạng bóng đá tấn công đã phủ nhận đi những phẩm chất phù hợp cho bóng đá chắc chắn và thiên về phòng ngự, mà còn bởi tính cách Đức cũng không còn ở dạng “thuần chủng” vì sự giao thoa dân tộc.

Gần 10% trong số 82 triệu dân Đức hiện tại mang gốc Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm phần lớn), Hy Lạp, Italia, Ba Lan, Nga, TBN, Thụy Sĩ… Trong thành phần đội tuyển Đức được triệu tập vào danh sách sơ bộ cho EURO 2012, có đến 8 cầu thủ không phải mang gốc Đức: Jerome Boateng (gốc Ghana), Lukas Podolski và Miroslav Klose (đều gốc Ba Lan), Mesut Oezil và Ilkay Guendogan (đều Thổ Nhĩ Kỳ), Sami Khedira (Tunisia), Cacau (Brazil) và Mario Gomez (cha anh là người TBN). Vị trí tiền đạo, nơi từng là niềm tự hào của người Đức với những mẫu cầu thủ cắm rất lạnh lùng, đang phải dựa dẫm vào các ngôi sao không phải mang gốc Đức.

Quá trình này hứa hẹn sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, và nó không chỉ là vấn đề riêng của dân tộc Đức. Thụy Sĩ, đối thủ của Đức đêm nay, vốn là một đội tuyển đa chủng tộc. Cũng có những đội tuyển dựa vào “nguồn lực mạnh mẽ” này mà tiến lên, như đội tuyển Pháp ở World Cup 1998 và EURO 2000, với phần lớn các cầu thủ không mang gốc Pháp (thường là gốc Phi), nhưng với một nền bóng đá xây dựng thành công suốt chiều dài lịch sử bằng phẩm chất “thuần chủng” là ý chí như người Đức, thì đó lại là điều khiến họ loay hoay với bài toán danh hiệu.

Vào thời điểm người Đức giành danh hiệu cuối cùng ở cấp ĐTQG, chức vô địch EURO năm 1996, đội hình của họ chỉ có đúng một cầu thủ không mang gốc Đức là Mehmet Scholl (gốc Thổ). Bây giờ thì sau 16 năm không danh hiệu, thành phần ấy đã gia tăng gấp 8 lần, và nó giúp người Đức tạo ra một đội tuyển đa dạng và linh hoạt hơn, nhưng cũng đặt ra những hoài nghi về bản lĩnh, ý chí. Suy cho cùng, đó cũng là một sự đánh đổi tất yếu của lịch sử, khi quá trình “làm phẳng” thế giới diễn ra quá mạnh mẽ và làm phai nhạt đi những phẩm chất quá điển hình như của người Đức trong quá khứ.

Phạm An

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm