Người đọc bản tin chiến thắng trưa ngày 30/4/1975

30/04/2010 10:57 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cách đây 35 năm, ngày 30/4/1975, những thông tin về giải phóng miền Nam trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Người đọc bản tin trên sóng Đài TNVN tại thời khắc thiêng liêng đó là phát thanh viên (PTV) miền Nam Kim Túy và NSƯT Kim Cúc. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Kim Cúc về sự kiện này:


Chân dung NSƯT Kim Cúc
* Thưa NSƯT Kim Cúc, vì sao chị lại có vinh dự đọc bản tin chiến thắng đầu tiên trong ngày 30/4/1975?


- Ca trực hồi đó thường phân công một PTV nam và một PTV nữ, hoặc hai PTV nữ của hai miền đảm nhiệm. Khi có tin quân và dân ta chiến thắng hay bắn rơi máy bay Mỹ ở khu vực nào, chúng tôi đọc trực tiếp lên sóng phát thanh xen giữa các chương trình đã thu băng sẵn. Hôm ấy, tôi và chị Kim Túy cùng ca trực. Chưa đến giờ phát bản tin trưa, vừa thu xong một phần băng thì anh Trần Trọng Trủy - người nhận và biên tập tin của ca trực đó - chạy ào vào phòng. Tôi còn nhớ như in hình ảnh anh cầm tờ tin huơ lên, hét to: “Chiến thắng rồi!” và dúi bản tin vào tay chúng tôi, giục giã: “Hai chị vào đọc đi, giải phóng Sài Gòn rồi! Giải phóng Sài Gòn rồi!”.

Hai chị em chạy như bay xuống tầng hầm, nơi đặt hệ thống truyền và phát thanh trực tiếp. Anh Trủy chạy theo, biết chị Túy đang xúc động nên dặn hai chị em phải thật bình tĩnh. Chị Túy đứng trước micro, bắt đầu cất giọng đọc. Giọng chị thật truyền cảm. Vừa đọc, chị vừa nắm chặt tay tôi không rời. Chưa bao giờ tôi thấy chị đọc truyền cảm đến thế, điều đó xóa tan nỗi lo âu của tôi là chị đang xúc động nên có thể đọc không rõ lời. Khi vừa dứt bản tin, chị chuyển ngay sang để tôi đọc lần thứ hai. Tôi cũng phải nắm tay chị Túy để giữ bình tĩnh.

* 35 năm đã qua, chị còn nhớ nội dung bản tin và tâm trạng của chị vào giờ phút lịch sử ấy?

- “Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Vào hồi 11g30, quân ta đã tiến vào giải phóng Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu...”. Bản tin ngắn ngủi chưa đầy một phút nhưng chúng tôi cảm thấy sức nặng của nó đến ngàn cân. Miền Bắc ngóng chờ tin chiến thắng suốt bao nhiêu năm. Quân và dân cả nước mong ngày non sông thống nhất. Chúng tôi cố gắng đọc rành rọt từng chữ, từng lời... Chẳng hiểu sao hồi đó tôi bình tĩnh để đọc được bản tin thiêng liêng ấy. Bây giờ già rồi lại hay xúc động (cười vui).

* Vậy nhưng nhiều năm qua, không phải ai cũng biết chị và chị Kim Túy là những người đọc bản tin đầu tiên ấy? Có sự hiểu nhầm nào chăng?

- Không phải hiểu nhầm đâu. Sau này, một số người nghe được bản tin trưa hôm đó và một số cựu chiến binh từ Nam ra Bắc có nói với tôi là họ nghe giọng nữ miền Nam và sau đó giọng Bắc là tôi đọc bản tin trên Đài TNVN, chỉ sau khi quân ta tiến vào dinh Độc Lập khoảng 15 phút. Nhưng vì bản tin đọc trực tiếp, không phát lại và không thu băng, lại phát trước bản tin chính nên không nhiều người biết chúng tôi đọc tin ấy thôi. Cũng như các bản tin đọc trực tiếp khác, sau khi người trực đọc thì bản tin được biên tập lại và thu lại vào băng với những giọng đọc hay và truyền cảm nhất ở thế hệ trước... Chị Tuyết Mai là người đọc bản tin này thu vào băng nên từ đó thính giả được nghe bản tin này nhiều nhất. Từ năm 1980 trở về sau, hệ máy của đài mới có đọc và thu trực tiếp.

* Con đường nào đã đưa chị trở thành một PTV, một NSƯT như vậy?

- Năm 1972, tôi mới chính thức là người của Đài TNVN. Trước đó, tôi là quân nhân thuộc Cục Địch vận - Tổng cục Chính trị, còn trước đó là diễn viên Đoàn văn công Hữu Ngạn. Trước khi vào văn công, tôi có tham gia đọc một số chương trình của Đài Phát thanh Nam Định nên được nhiều người biết tôi có khả năng làm PTV chuyên nghiệp. Và thật sự, từ năm 1967, tôi đã là PTV chuyên nghiệp. Mỗi PTV đảm nhiệm công việc đọc rất nhiều chương trình và thính giả quen với giọng đọc của mỗi người. Chương trình phát thanh hồi ấy là phương tiện thông tin và giải trí độc tôn nên ai cũng thuộc tên PTV. Tôi cùng với các đồng nghiệp đã trở thành thế hệ PTV thứ hai, kế cận các anh, chị lớp trước...


    Điện báo viên truyền tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng về căn cứ ngay trên
 nắp capô xe ô tô trong phút dừng chân hành quân ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Ảnh: TTXVN
* Diễn xuất giọng nói của PTV thường không có sự tương tác của đồng nghiệp mà chỉ một mình lặng lẽ trong phòng thu, vậy làm sao chị có được cảm xúc để nhập vai của người dẫn chuyện hay các nhân vật?

- Chúng tôi có sự rèn luyện để thể hiện được nhiều giọng, nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Có lúc thả hồn vào câu chuyện hay đời sống của nhân vật nên người cứ như mê, như say. Có lần, ra cửa cơ quan về nhà nhưng tôi đi vào làn xe ô tô, bị công an tuýt còi. Một mình trong phòng thu nhưng sống với câu chuyện, với nhân vật... nhiều năm như thế có lẽ khiến chúng tôi quen với cuộc sống tự chủ, độc lập...

* Nghe nói các PTV phát thanh và truyền hình hồi đó rất được trọng vọng, đi đâu đều có xe đưa đón và các PTV nữ thường được những người có chức quyền... ưu ái.

- Đúng là nghề PTV ở mình rất được tôn trọng. Còn ưu ái ư? (Cười) Sự mến mộ của thính giả và sự tin cậy của phóng viên, đạo diễn là sự ưu ái số một. Mà có lẽ tại tôi nghiêm túc vì luôn mang theo bản lĩnh của một cựu quân nhân đấy thôi. Vào dịp lễ 2/9, 1/5 hay các hội nghị lớn, chúng tôi thường được mời đến đọc trực tiếp lời chúc mừng hội nghị hay các tường thuật tại chỗ. Vậy nên nhiều người thấy PTV được lên xe, xuống xe, nghĩ là sung sướng nhưng thực ra đọc trực tiếp ở những cuộc như vậy chịu rất nhiều áp lực. Còn khi với nhiệm vụ của một cô giáo truyền nghề cho lớp trẻ thì chúng tôi còn đảm trách vai trò của nhà sư phạm. Nghề PTV chẳng có trường lớp đào tạo chính quy nên muốn theo nghề phải buộc tự học hỏi và rèn luyện làm nghề...


PTV Kim Cúc và PTV Kim Túy thời trẻ
* Trong hình dung của nhiều người, nghề PTV thật nhàn nhã...

- Ôi, ai làm nghề nào mới biết những vất vả, cực nhọc của nghề ấy. Vì chương trình phát thanh của đài liên tục từ 5h sáng đến 12h đêm nên suốt bao nhiêu năm làm nghề, chúng tôi thay phiên nhau trực bản tin. Nếu làm ca sáng thì phải có mặt ở cơ quan từ 4h sáng, còn làm ca tối thì 1-2h sáng mới về đến nhà. Tôi nhớ, có hôm dậy sớm đi giữa mưa bão, bị nước cuốn từ dốc ngã 5 Bà Triệu đến hồ Thiền Quang. May mà sau đó vẫn lóp ngóp đến được cơ quan. Lần khác, trời mưa bão, để vào được cơ quan, tôi và chị đồng nghiệp “hè nhau” bê xe đạp qua gốc cây đổ mới đến được phòng thu...

* Công việc bận rộn như vậy, chắc hẳn chị có hậu phương đắc lực hỗ trợ mới có thể yên tâm làm nghề?

- Chồng tôi trước đây là PTV và biên tập viên ban tiếng Nhật của Đài TNVN. Nếu anh không cùng nghề, không hiểu và thông cảm thì có lẽ tôi không thể yên tâm làm nghề được suốt mấy chục năm như vậy. Nghỉ hưu hơn chục năm nay, tôi mong được ở nhà chơi với các cháu nội, ngoại nhưng vẫn chưa được nghỉ vì những lời mời từ cơ quan cũ, bên truyền hình, rồi các xưởng phim và tham gia đào tạo 6 lớp PTV và nghề MC của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh hay của các địa phương tổ chức... Tôi vẫn chưa rời được công việc. Âu đó cũng là duyên nợ mà số phận đã dành cho tôi...

* Xin cảm ơn và chúc chị dồi dào sức khỏe!

Hải Đông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm