Người đã tạo ra Calcio (kỳ cuối): Nước Ý không chỉ biết phòng ngự

04/09/2015 22:00 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn)- Gianni Brera đã dành gần trọn cuộc đời để bảo vệ lối chơi phòng ngự phản công của người Italy, nhưng thành trì kiên cố của ông đã nhanh chóng sụp đổ khi vị “lãnh tụ” của bóng đá tấn công xuất hiện.  

Gần như bất cứ ai thể hiện ý kiến trái chiều về phong cách bóng đá với Gianni Brera tại Italy đều bị “trừng phạt” trên mặt báo. Số bàn thắng tại các giải bóng đá chuyên nghiệp taị nước Ý sụt giảm đến… 300% từ mốc 1950 đến 1970. Chỉ một số trường hợp ngoại lệ đã dũng cảm đi ngược với thời đại, như nỗ lực của HLV Corrado Viciani, người đã cố gắng áp dụng lối chơi ban bật ngắn tại đội Ternana vào những năm 1970; hay như ông Luis Vinicio đã huấn luyện các học trò sử dụng hệ thống phòng ngự khu vực ở Napoli vào tận năm 1978. Tất cả đều thất bại.

Ngôi đền Calcio sụp đổ

Hệ quả của “trào lưu” trên là khi phần còn lại của châu Âu lấy triết lý Bóng đá Tổng lực của Hà Lan làm cảm hứng, nước Ý vẫn tự cô lập chính mình trên mặt trận phòng thủ. Cũng như Vatican, có rất ít những thảo luận trong thánh đường của bóng đá Ý, nơi một người truyền giáo như Brera có quyền quyết định điều gì là đúng, là sai.

Đã nhiều năm trôi qua từ ngày một nhân viên bán giầy xuất thân từ Fusignano, tên là Arrigo Sacchi, đã vượt qua những khuôn mẫu của của thời đại ấy để khởi sinh một thứ bóng đá khác, một đế chế của bóng đá tấn công gắn liền với hình ảnh của AC Milan. Ít ai biết rằng: Thời điểm ban đầu, Sacchi được xem như người đến từ hành tinh khác.

Bằng những chuyến du hành sang Đức, Hà Lan và Pháp cùng cha, Sacchi đã nhìn thấy thế giới bóng đá thực sự: “Chúng đã khai mở tâm trí cho tôi. Brera luôn bảo các đội bóng Italy cần phải tập trung phòng ngự vì chúng tôi không đủ mạnh, nhưng rõ ràng ở các môn thể thao khác, chúng tôi vẫn nổi trội và thành công. Đó là minh chứng rằng người Italy không hề thua kém ai về thể chất. Vì thế, tôi bị thuyết phục bởi những lý do khác đánh vào tâm lý, như sự lười biếng và tư tưởng quá tập trung vào phòng thủ”, Sacchi kể lại.


 Arrigo Sacchi - "lãnh tụ" của bóng đá tấn công

Brera dĩ nhiên không hề thích điều này, nhưng Sacchi đã lãnh đạo một cuộc cách mạng thực sự, nhằm thay đổi về văn hóa và chiến thuật của bóng đá Italy. Khi ông nhậm chức tại Milan vào năm 1987, họ chỉ ghi trung bình 1,92 bàn mỗi trận tại Serie A. Sau 4 năm, khi ông cất bước ra đi, con số đó đã tăng lên 2,29 bàn mỗi trận, trung bình 113 bàn một mùa.

Sacchi đã khai tử vị trí libero, vận hành một hệ thống phòng ngự 4 người với chủ trương phòng ngự khu vực. Ông muốn đội bóng của mình giành ưu thế trong kiểm soát bóng cũng như các khoảng không trên sân. Ông muốn Milan phải chủ động phản ứng trong mọi tình huống, không được phép ngồi chờ đối thủ mắc sai lầm mà phải làm chủ trận đấu.

Sacchi đảm bảo ngai vàng của ông bằng chiến thắng vĩ đại 5-0 trước gã khổng lồ Tây Ban Nha Real Madrid, bằng chiến công giành 2 Cúp châu Âu liên tiếp vào các mùa giải 1988-1989, 1989-1990. Brera vô tình góp một phần công lao: Những chỉ trích của ông được Sacchi trích dẫn để… khích tướng các cầu thủ Milan tiến lên trong trận chung kết Cúp C1 châu Âu năm 1989 tại Barcelona, nơi họ đối đầu Steaua Bucharest.

- Nhà báo nổi tiếng nhất nước Ý nói những người Romania là bậc thầy trong bóng đá. Lão ấy bảo chúng ta chỉ được chơi phòng ngự phản công. Thế chúng ta làm gì đây? – Sacchi hỏi.

- Sẽ tấn công họ từ giây đầu tiên! - Ruud Gullit đứng lên, hét.

Trận đó, Milan thắng Steaua 4-0. Ngôi đền của bóng đá Ý sụp đổ.



Chiến thắng của Milan năm 1989 như một cú tát vào mặt Brera

Ngày kết thúc của sự sáng tạo

Những chiến thắng của Sacchi là minh chứng cho luận điểm: Muốn đi vào lịch sử, một đội bóng phải để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người, cách họ thi đấu phải thực sự thuyết phục.

Tuy nhiên, Brera vẫn giữ quan điểm của mình đến phút cuối cùng: Năm 1991, khi còn 3 ngày trước khi Sacchi lên nắm quyền HLV trưởng ĐT Italy, Brera đã viết một bài cho La Repubblica, đặt tựa là "Non si va contro la storia" (Ta không có quyền đi ngược lịch sử): “Xe đẩy vẫn là xe đẩy dù bạn có gọi nó là tàu điện. Thật là thú vị khi chứng kiến một đội bóng áp đặt lối chơi lên đối thủ, nhưng sức mạnh của người Ý chỉ thích hợp để xây dựng những chiến lũy khôn ngoan, ẩn nấp nơi đó và gọi mời đối thủ thỏa hiệp với chính họ”.

Một năm sau, Gianni Brera qua đời.

Đó là ngày 19/12/1992. Ông thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi cùng hai người bạn khác. Là ngày cả nước Ý khóc thương: “Sự kết thúc của fantasia, kết thúc của sự sáng tạo. Kể từ bây giờ, tất cả những gì còn lại chỉ là một thứ bóng đá bình thường”, lời Del Buono.

Khi ta tìm hiểu về cuộc đời của Gianni Brera, thật không khó để liên tưởng đến những dòng viết của nhà văn vĩ đại người Argentina, Jorge Luis Borges vào những năm 1960: “Bóng đá, như mọi môn thể thao khác, là một bộ phim được trình chiếu bởi một người đàn ông từ phòng tối, hoặc bởi các diễn viên, những ngôi sao đứng trước ánh sáng của ống kính máy quay”.

Brera chính là ông già hút điếu xì gà trong bóng tối, khi bộ phim hoành tráng đang trình chiếu trên phông nền ngoài kia. Ông cũng chính là người viết kịch bản, kể những câu chuyện hay cho tất cả mọi người. Đó là cả một thế giới mà Gianni Brera đã nỗ lực làm việc để thai nghén, khởi sinh, thành hình và nuôi dưỡng. Là làm việc, chứ không chỉ bằng những lời trống không.


Đằng sau ánh hào quang và muôn vàn rắc rối, Gianni Brera vẫn cần mẫn làm việc cho lý tưởng của ông

Sau này, khi người Italy nói chuyện về bóng đá, họ đã đang sử dụng chính thứ ngôn ngữ của Brera. Đó là di sản ông để lại. Nhưng cũng như Sacchi đã chứng minh: Bóng đá là không giới hạn, và thứ bóng đá phòng ngự của Gianni Brera cũng không phải là tất cả của Calcio.

Người Italy chơi phòng ngự hoàn toàn do ảnh hưởng của Gianni Brera?

Không hoàn toàn, theo quan điểm của Mario Sconcerti. Ông này là đồng nghiệp của Brera và vào thời hiện đại, đang là cây bình luận của Il Corriere della Sera. Sconcerti tin câu trả lời nằm ở... sự dịch chuyển của nước Ý, từ một quốc gia theo Công giáo đã dần hướng về quan điểm của chủ nghĩa Cộng sản (vô thần) sau Thế chiến thứ hai. 

“Thứ bóng đá của chúng tôi rất thực dụng”, Sconcerti viết. “Nó được tái sinh trong thời điểm đất nước chỉ còn là đống hoang tàn. Là nguyên do cho sự thực dụng của chúng tôi. Italy là một đất nước thất bại của chủ nghĩa Phát-xít, một đất nước đã tiếp thu những bài học từ chủ nghĩa Cộng sản và mặt khác, lại gắn bó chặt chẽ với các quy tắc của Công giáo, của nhà thờ". 

"Chúng tôi có quá nhiều tín ngưỡng để tôn trọng. Chúng tôi cần tìm ra một điểm thống nhất, một vùng trung địa, một thứ bóng đá có chút đặc trưng vượt trội, thứ cho phép chúng tôi phạm tội mà không sợ bị triệu về địa ngục”, ông khẳng định.

Hoài Thuận

Lược dịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm