Người đã tạo ra Calcio (kỳ 2): Một cây viết dị thường, đặt tên cho vị trí Libero

03/09/2015 21:37 GMT+7 | Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Ở kỳ trước, chúng ta đã biết về thân thế và thói quen sử dụng tiếng địa phương trong những bài báo thể thao của Gianni Brera. Nhưng không chỉ thích chơi chữ, ông còn là một cây viết dị thường và đã đóng góp đáng kể cho bóng đá Italy trên phương diện… ngôn ngữ học.

Người đã tạo ra Calcio (kỳ 1): Viết báo thể thao bằng… tiếng địa phương

Hãy đi vào bất cứ hiệu sách nào ở Italy và rà dọc theo khu Grande dizionario della lingua italiana (từ điển ngôn ngữ Ý), chắc chắc bạn sẽ bắt gặp cái tên Gianni Brera. “Ông ấy là một nhà văn giả vờ làm nhà báo,” Oreste del Buono, nhà báo cùng thời Brera trầm ngâm nói.

Sáng tạo hàng trăm từ mới trong bóng đá

Brera đã sáng tạo ra rất nhiều từ mới cho tiếng Ý, trong lĩnh vực bóng đá. Như “allupato”, để miêu tả một tiền đạo chơi rình rập, luôn trong tư thế sẵn sàng khi đứng trong vòng cấm, kiểu một con sói chuẩn bị vồ mồi. Như balbettare calcioor (stammering football, stammering: tật nói lắp) để chỉ một đội bóng không thành thạo lối chơi. Brera còn đặt biệt danh cho các cầu thủ, được nhiều người sử dụng lại, như gọi Gigi Riva là "Thunder" (Thần sấm), gọi Mario Bertini “Einstein” hay Marco Tardelli “Gazzellino” (Linh dương nhỏ).

Gigi Riva "Thần sấm"; Marco Tardelli "Linh dương nhỏ"

Hàng trăm từ đã được ông thêm vào ngôn ngữ nói và viết của tiếng Ý. Trong đó, đặc biệt là các thuật ngữ bóng đá được truyền đi khắp thế giới và mặc định sử dụng trong môn thể thao này. “Libero” chính là từ của Brera. Nó xuất hiện lần đầu trong cuốn Storia critica del calcio italiano (A Critical History of Italian Football) của ông, tác phẩm được nhà báo Darwin Pasrorin gọi là "Chiến tranh và hòa bình của bóng đá Ý", trong đoạn viết về mùa giải 1949-1950, về trận thua “náo động” 1-7 của đội đầu bảng Juventus trước AC Milan. Ông viết: “Trước những điểm yếu trong hệ thống phòng ngự của đội hình WM, tôi không hiểu vì sao anh trung vệ tội nghiệp kia thậm chí không có nổi sự hỗ trợ của một đồng đội, một ‘Libero’ hay một người chơi tự do không cần đảm nhận nhiệm vụ kèm người.”

Những sáng tạo ấy, cùng nhận định “Một trận đấu hoàn hảo phải kết thúc với tỷ số 0-0” là bằng chứng khẳng định Brera chính là người đã đưa catenaccio đi khắp thế giới. Ông góp phần phổ cập ra thế giới một lối chơi mà cả mặt tốt lẫn mặt xấu đã trở thành biểu tượng của bóng đá Italy. Nhưng đó là chuyện ngày hôm nay. Thời đó, quan điểm của Brera chỉ đơn giản là dân tộc Italy không có đủ sức mạnh thể chất để chơi tấn công cởi mở. Họ phải co cụm phòng ngự để không thua, trước khi muốn làm điều gì khác.

Vẫn có nhiều người phản đối việc “cấp bằng phát minh” những thuật ngữ ấy cho Brera. Pasolini, một tín đồ bóng đá nhiệt thành khẳng định: "Gianni Brera không phát minh ra catenaccio. Nếu catenaccio là một phần của tính cách Ý thì nó không được phát minh. Cũng như những khu chuột ở Roma không hề được phát minh bởi những người đã đặt chúng vào các bộ phim chủ nghĩa hiện thực. Chúng đơn giản đã sẵn có ở đó.”

Những phản đối ấy không khiến Brera mất vui, khi AC Milan của bạn ông, Nereo Rocco đã thành công vang dội với catenaccio trong những thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Thành tích của họ: 5 danh hiệu Scudetto, 3 Cúp châu Âu, 2 Intercontinental Cup và 3 Cúp Italy. Mỗi chiếc cúp như từng lời bảo hộ cho Gianni Brera.

Brera và Nereo Rocco (phải) là hai người bạn thân

Brera đã sớm dự đoán về sự thành công của cactenaccio, hay thất bại của các phong cách bóng đá khác. Đó là thời điểm HLV Alfredo Foni dẫn dắt đội tuyển Italy, ông lên nắm quyền sau 2 chức VĐQG liên tiếp vào các năm 1953, 1954. Nền tảng thành công của Foni là lối chơi phòng ngự, với Ivano Blason là người tiên phong trong vai trò Libero. Nhưng khi lên nắm đội tuyển, trước áp lực dư luận đòi hỏi thứ bóng đá tấn công, cởi mở, khoáng đạt hơn, ông đã buộc phải làm theo. Kết quả: ĐT Italy không qua nổi vòng loại World Cup 1958.

“Cuối cùng, lối chơi phòng ngự đã thuyết phục được họ”, Brera đắc thắng. “Viani và Rocco đã được giao quyền huấn luyện đội tuyển Olympic năm 1960. Từ ngày đó, bóng đá Italy đã có một hệ tư tưởng. Hệ thống phòng ngự của Italy được truyền bá đi khắp thế giới. Ảnh hưởng đến nỗi đội tuyển Anh cũng từ bỏ truyền thống, đã xếp một hậu vệ tự do trong đội hình để vô địch thế giới năm 1966”. 

Chiến tranh giữa hai nền văn minh

Nếu catenaccio là một “vật báu linh thiêng”, thì trong mắt Brera, nó cũng là bất khả xâm phạm. Là biểu trưng cho tính ích kỷ trong mặt trái của con người ông. Brera tôn vinh những đồng hương như huyền thoại Inter, Giacinto Facchetti (sinh ra ở thị trấn Lombard, Treviglio, miền Bắc Italy). Ông cho rằng những cầu thủ xuất sắc nhất Italy đều đến từ vùng sông Piave hoặc miền Bắc đất nước. Lập tức, quan điểm này đã làm dấy lên những cáo buộc phân biệt chủng tộc và vùng miền, đặc biệt là từ phía Nam. Hệ quả là những cuộc tranh cãi nảy lửa của Brera với độc giả, các đồng nghiệp mà nhiều nhất là với Gino Palumbo, biên tập của La Gazzetta dello Sport những năm cuối thập kỷ 1970, đầu 1980.

Palumbo là một người miền Nam, gốc Mezzogiorno. Ông tin một trò chơi đẹp như bóng đá phải được vận hành đúng cách: Không phải bằng hệ thống phòng ngự phản công, mà phải tấn công và tấn công tốc độ. Ông muốn được giải trí và muốn thấy những quả bóng bay lao vào phá tan “những ngôi đền”. Đơn giản là đối lập hoàn toàn: Palumbo đứng đầu phe scuola napoletana, Brera là thủ lĩnh của scuola lombarda.

Cả sự nghiệp Brera là chuỗi dài những trận chiến

Cuộc đụng độ giữa hai “nền văn minh” bóng đá ấy không diễn ra đơn thuần trên mặt báo. Mâu thuẫn dâng cao đến độ ẩu đả đã xảy ra: Trước trận đấu giữa Brescia và Torino, Palumbo đã hùng hổ xông vào khu báo chí và hét tên Brera. Nạn nhân lúc này đang ngồi cạnh máy đánh chữ và hồn nhiên quay đầu lại, ông không hề biết mình sắp nhận một cú tát xé không gian, cùng những cú đấm liên tiếp sau đó. Đám đông đã rất nhanh chóng tách hai người ra. Palumbo đã rất tức giận vì một bài viết của Brera nhằm chỉ trích ý kiến của Antonio Ghirelli, một nhà báo của scuola napoletana…

“Cả sự nghiệp ông ta là một chuỗi dài những trận chiến”, một trong những nhà báo nổi tiếng nhất Italy, Indro Montanelli nhận định. “Ông ấy lý luận với tất cả mọi người và không chỉ về ngôn ngữ. Nói về bóng đá, ông ấy tuyên bố mình hiểu biết hơn bất kỳ một Chủ tịch, một đội bóng, HLV hay cầu thủ nào…”

Bẻ lái cả lịch sử trò chơi

Brera chắc chắn không phải một tay hiền lành gì. Những lời nói của ông làm tổn thương các đồng nghiệp. Còn với các cầu thủ, các chỉ trích được thể hiện trên mặt báo. Không ai rõ điều này hơn Gianni Rivera, áo số 10 của Milan những năm 60-70. "Cậu bé Vàng" của bóng đá Italy là trung tâm của hàng loạt những bài báo đả kích ký tên Brera thời đó. Nhưng nguyên nhân không phải là thù hằn cá nhân, vì Brera luôn… thầm lặng hâm mộ Rivera. Ông gọi Rivera là “Người hùng phản diện của tôi”. Rivera đối với Brera như Galileo với Giáo hội Công giáo. Nói ví von, ông đã thách thức cả tôn giáo và đánh đổ cả thần tượng, để bảo vệ quan điểm của mình.

“Brera luôn trung thành với một quan điểm rất hẹp và bóng đá với ông ta ra đời từ những đợt phản công”, Rivera nói trên tờ La Repubblica. “Ông ta đưa văn hóa dân tộc vào quan điểm bóng đá của mình. Còn với tôi, bóng đá trước hết là niềm vui và các CĐV. Đá bóng trước hết phải vui. Hơn nữa, những phẩm chất như thể hình, thể lực và văn hóa Italy kết hợp cùng khả năng kỹ thuật cũng có thể giúp chúng tôi ngày càng thích ứng với tâm lý thi đấu vui vẻ và thế trận cởi mở hơn”.

Lời nói đó, với một người “mộ đạo” lối chơi phòng ngự như Brera, cũng giống như một câu phạm thượng. Đòn đánh của cầu thủ thiên tài đã phá tan hình tượng anh hùng trong lòng Brera. Đó là lý do biệt danh “l’abatino” dành cho tiền vệ công của Milan ra đời: Một “cha bề trên”, không có thực quyền, thiếu can đảm và sức mạnh thể thao.

Từ thần tượng, Rivera trở thành đối tượng bị Gianni Brera chỉ trích

Mâu thuẫn đi đến tận cùng: Brera từ chối thừa nhận vai trò của Rivera trong hai chiếc Cúp châu Âu năm 1963 và 1969 của Milan. Hành động này làm căng thẳng mối quan hệ giữa ông và người bạn thân Nereo Rocco. "El Paron" có đủ khả năng để giữ vững lập trường, nhưng những người khác thì không thể tránh khỏi nỗi lo sợ trước “chiến dịch bôi nhọ” từ Brera.

Tất cả những việc làm đó của Brera đã đặt ra câu hỏi rằng, liệu ông đã kéo lùi nền bóng đá Italy? Sự ảnh hưởng của Brera từ những quyển sách, những tờ báo ông xuất bản, cả những talkshow về bóng đá trong trong thời kỳ còn mông muội của truyền hình, như chương trình Domenica Sportiva, là không thể bác bỏ. Nhưng liệu ông đã lợi dụng ảnh hưởng đó để bẻ lái dư luận theo tư tưởng của mình? Luận điểm này cũng là không thể phủ nhận.

Brera khiến mình có nhiều kẻ thù 

Một ví dụ hồi World Cup 1962 (tại Chile): Brera đã chỉ điểm cho một người dân địa phương đến mắng nhà báo Ghirelli khi ông này vừa có những bài viết than phiền về cơ sở hạ tầng và thậm chí nói xấu cả phụ nữ nước chủ nhà. 

“Một buổi tối nọ, tôi đi dùng bữa tại một nhà hàng khá phong cách tại Santiago”, Ghirelli nhớ lại. “Vẫn chưa hay gì về những huyên náo đã gây ra, nên tôi ngồi xuống một bàn, đối diện bàn của Brera đang ngồi cùng các đồng nghiệp". 

"Tiếp đó, Brera đã ra hiệu cho một người đàn ông cao lớn tiến đến chỗ tôi (sau này tôi mới biết anh ta là đô vật vô địch châu Mỹ). Anh ta lao đến và hét vào mặt tôi bằng tiếng TBN, cáo buộc tôi đã xúc phạm đất nước và đồng bào anh ấy”.

Hoài Thuận
Lược dịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm