Người “công phá” Lầu Năm Góc sẽ là "Nhân vật của năm"?

15/11/2010 11:03 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Julian Assange, sáng lập viên trong web chuyên phanh phui bí mật WikiLeaks, đang dẫn đầu một cuộc thăm dò trực tuyến do tạp chí Time tổ chức để bầu chọn gương mặt xứng đáng nhận danh hiệu “Nhân vật của năm” 2010.

Assange, người mang quốc tịch Australia và mới trở thành cái gai trong mắt Bộ Quốc phòng Mỹ khi công bố hàng loạt tài liệu quân sự mật về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afhghanistan, đã nhận được 21.736 phiếu ủng hộ, tính tới cuối tuần trước.

Assange bứt tốp

Julian Assange sinh ra tại Queensland, Australia, vào năm 1971 nhưng sống ở nhiều nơi trên thế giới. Từ bé Assange đã quan tâm tới máy tính. Ông nổi tiếng là một hacker có hạng, từng là thành viên nhóm hacker, mang tên “International Subversives” (Những người lật đổ quốc tế). Năm 1991, Assange bị cảnh sát Australia “hỏi thăm” vì tội xâm nhập trái phép nhiều máy tính thuộc một trường đại học ở Australia và của Công ty viễn thông Nortel. Assange đã phải nộp phạt 2.100 AUD.


Julian Assange đang là gương mặt ưa thích của độc giả Time
cho danh hiệu “Nhân vật tiêu biểu của năm”

Ông cũng bị cáo buộc đã đột nhập vào các máy chủ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Bộ Quốc phòng Mỹ. Mục đích của Assange khi đột nhập vào các hệ thống bí mật chính là muốn nhìn vào một thế giới mà những người dân thường hoàn toàn không biết đến. Động cơ của hành động này là việc muốn biết sự thật không bị bóp méo, cũng chính là điều đã khiến ông tạo nên WikiLeaks sau này.

Tháng 12/2006, cùng bạn bè, Assange bắt đầu xây dựng WikiLeaks. Kể từ ngày thành lập, WikiLeaks đã đăng tải hàng triệu tài liệu mật đủ thể loại, từ thông tin tình báo đến tài liệu nội bộ công ty. Tuy nhiên WikiLeaks thực sự gây tiếng vang lớn khi đăng tải gần 400.000 báo cáo các loại về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và trước đó là 77.000 tài liệu mật về cuộc chiến ở Afghanistan.

Những thông tin có được từ các vụ tiết lộ của WikiLeaks đã phơi bày những vụ sát hại dân thường, lạm dụng tù nhân Iraq, xử tử tù binh... khiến thế giới bị sốc. Chính phủ Mỹ đã lên án trang web này cùng Assange và cho rằng việc tiết lộ tài liệu mật là hành động bất cẩn, thiếu tính toán, đã đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên sự phẫn nộ của Lầu Năm Góc đã không khiến công chúng giảm bớt sự ủng hộ của họ dành cho ông.


Chủ tịch FED Ben Bernanke - Nhân vật của năm 2009.

Vượt xa Obama, Lady Gaga
 
Bám sát nút Assange hiện là người dẫn chương trình đàm thoại trên kênh truyền hình Fox, Glenn Beck, với 20.245 phiếu bầu. Đứng thứ 3 là các cây hài của kênh Comedy Central, Jon Stewart & Stephen Colbert, với 18.500 phiếu bầu. Hiện tượng nhạc pop Lady Gaga đứng thứ 4 với 18.090 phiếu, theo sau là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan với 13.371 phiếu.

Những người khác cũng nhận được phiếu bầu gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu ứng cử viên Phó Tổng thống Sarah Palin, ngôi sao giải bóng rổ NBA Lebron James, nhóm “Người Mỹ thất nghiệp” và “Các thợ mỏ Chile”. Time sẽ chính thức thông báo lựa chọn cuối của họ vào tháng 12 tới đây. Năm ngoái danh hiệu của năm thuộc về Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke.

Tích cực chiều lòng các độc giả

Tạp chí Time thường trao tặng danh hiệu Nhân vật của năm vào cuối năm cho người đã làm điều xấu hoặc tốt, nhưng gây ảnh hưởng lớn tới thế giới. Giải đã được trao từ năm 1927, khi Charles Lindbergh lập thành tích bay vượt Đại Tây dương. Giải khi đó mang tên Man of year (Người của năm) và chỉ đổi tên thành Person of the year (Nhân vật của năm) từ 1999.

Những người từng được Time trao tặng danh hiệu đặc biệt này gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh Winston Churchill, Giáo hoàng John Paul II, lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, Mikhail Gorbachev, Lech Walesa, và cả trùm phát xít Adolf Hitler. Các cụm từ khác từng được tạp chí xướng lên gồm “Máy tính cá nhân”, “Trái đất gặp nguy hiểm” và năm 2006 là “Bạn”, cộng đồng hàng triệu người vô danh đã giúp tạo thành các trang mạng Internet nổi tiếng và gây ảnh hưởng như Wikipedia, Facebook, MySpace, YouTube và Second Life. Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng được Time trao tặng danh hiệu 2 lần, hồi năm 2000 và 2004, giống như với cựu Tổng thống Bill Clinton trong năm 1992 và 1998, Stalin trong năm 1939 và 1942.

Tất nhiên không phải lúc nào lựa chọn của Time cũng là đúng đắn và ngay cả lựa chọn năm ngoái của họ cũng gây tranh cãi do Time coi Bernanke là nhân vật đã cứu vãn hệ thống tài chính thế giới khỏi sụp đổ trong khi quan điểm này không được nhiều người ủng hộ.

Giới quan sát nhận xét năm nay Time sẽ phải lựa chọn chính xác và cẩn thận hơn, bởi tạp chí đã bị suy giảm cả uy tín lẫn doanh số (phát hành nửa đầu năm nay giảm 30%) trong thời gian qua. Đó dường như là lý do để Time đưa ra danh sách 25 nhân vật có khả năng được trao tặng danh hiệu và tổ chức một cuộc bỏ phiếu trực tuyến để độc giả lựa chọn. Có vẻ như sau rốt Time đã nhận ra một chân lý rằng cách tồn tại duy nhất trong thời buổi này không có gì khác ngoài việc tích cực chiều lòng các độc giả.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm