24/04/2011 13:37 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Oboe là nhạc cụ hiếm người học, nhưng việc Tùng Oboe liên tiếp giành các giải thưởng trong nước và tầm quốc tế, 5 lần trúng tuyển Dàn nhạc trẻ châu Á không phải là điều ngẫu nhiên...
1. Tùng Oboe tên đầy đủ là Nguyễn Hoàng Tùng. Sinh ra trong một gia đình có ông nội Nguyễn Đạo - từng là Hiệu trưởng Trường Múa Việt Nam, bố là nghệ sĩ kèn clarinet và saxophone Nguyễn Minh Chính, và anh trai cũng đang theo học kèn clarinet tại Đức nên Nguyễn Hoàng Tùng theo đuổi âm nhạc với cây kèn oboe là một điều khá dễ hiểu.
Nguyễn Hoàng Tùng và cây kèn Oboe
Chưa kể, Tùng học nhạc là vì định hướng của bố chứ ước mơ hồi nhỏ của Tùng lại không phải là âm nhạc. Anh thích hội họa và đã từng muốn trở thành một họa sĩ. Đã vậy, kèn oboe lại là một nhạc cụ khó và hiếm người học. Lúc đó, điều kiện học tập cũng không được như bây giờ. Học ở trường thì phải leo cầu thang lên tầng cao nhất vì khoa Kèn - Gõ vốn là khoa “gây mất trật tự” nhất nên phải học ở tầng cao nhất. Về nhà luyện tập mà khuya quá thì cũng bị hàng xóm “hỏi thăm” vì âm thanh phát ra từ cây kèn không thể làm cho nó bé đi được. Ngay đến việc để có được 1 cây kèn oboe cũng chỉ kiếm được 1 cây kèn cũ và giá thì không hề rẻ. Chính vì những yếu tố đó nên thời gian đầu, Tùng thấy khá nản nhưng lại không thể bỏ được. Bởi anh nghĩ đến bố và thầy giáo của mình.
Vì việc học tập của Tùng mà cả gia đình anh đã chuyển nhà từ Nam Định lên Hà Nội, bố anh phải nghỉ làm ở Đoàn ca múa dệt kim Nam Định, lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề tự do, chơi nhạc ở các quán. Còn thầy Ngô Phương Đông đã gắn bó với anh trong suốt 12 năm học tập. Từ khi anh còn bỡ ngỡ với cây kèn oboe, cho đến khi anh làm quen với âm thanh của nó, cho đến lúc anh thấy yêu âm nhạc, yêu âm sắc của cây kèn này, yêu những tác phẩm viết cho oboe của J.Bach, Vivaldi, Teleman. Anh nói, trước sự định hướng của bố, sự nhiệt thành của thầy giáo đã dìu dắt mình mà anh đã quyết định theo đuổi âm nhạc với cây kèn oboe và không hề có ý định từ bỏ nó.
2. Từ khi còn học Trung cấp, Tùng đã bắt đầu tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng như thử sức mình ở các cuộc thi trong và ngoài nước. Ghi dấu thành công đầu tiên của Tùng là giải nhất cuộc thi Hòa tấu kèn gỗ The Asian Symphonic Band năm 2005, giải nhất cuộc thi Concours mùa Thu tại Hà Nội năm 2007. Trong một cuộc thi của Quỹ học bổng Queensland (Australia) tổ chức, Tùng là người duy nhất trong khoa đoạt giải. Tuy nhiên, Tùng đã từ chối học bổng 4 năm tại Australia vì lúc đó, trình độ tiếng Anh của Tùng chưa đạt chuẩn IE 6,5 và việc học văn hóa thì đang còn dang dở.
Tùng cho biết, lúc đó vì còn quá nhỏ nên đi thi chỉ để thử sức mình, để kiểm tra trình độ của mình đến đâu chứ không hề nghĩ đến việc đoạt giải hay cơ hội đi học ở nước ngoài. Từ 2006 đến nay, Tùng đã 5 lần trúng tuyển vào Dàn nhạc Trẻ châu Á. Năm nào Tùng cũng tham gia (trừ năm 2009, Tùng bận thi tốt nghiệp đại học nên không đăng kí dự thi).
“Có lẽ không chỉ riêng mình mà đối với sinh viên trẻ toàn châu Á nói chung, ai cũng đều thấy sức hút rất lớn của Dàn nhạc Trẻ châu Á bởi ai cũng thấy rằng đây là một dàn nhạc rất có uy tín. Được tham gia vào Dàn nhạc, các sinh viên được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi với các bạn sinh viên ở các nước. Không chỉ được học tập với các giáo viên giỏi và nổi tiếng mà mình còn được tham gia tour diễn của dàn nhạc với những điểm đến là những thành phố và các phòng hòa nhạc nổi tiếng châu Á. Mình nghĩ để có thêm cơ hội được quay lại biểu diễn trong những phòng hòa nhạc như thế sau này thật không phải dễ dàng” - Tùng tâm sự.
Có lẽ năm nay sẽ là năm cuối Tùng ứng tuyển vào Dàn nhạc Trẻ Châu Á (do giới hạn tuổi) và đặc biệt, sau 11 năm, năm nay là lần thứ 2 Dàn nhạc Trẻ châu Á quay trở lại Việt Nam lưu diễn nên Tùng cũng rất hi vọng sẽ diễn thật tốt tại buổi biểu diễn ở chính quê hương mình. Với kinh nghiệm tham gia với dàn nhạc nhiều lần, nhưng Tùng vẫn lo lắng phải chuẩn bị một sức khỏe thật tốt, sau đó là tinh thần tập trung khi tham gia tập luyện và học tập cùng các sinh viên khác để có kết quả tốt vì cường độ luyện tập của dàn nhạc khá dày (từ 9h sáng đến 6h chiều, trưa được nghỉ đúng 1 tiếng).
Được không ít chuyên gia đánh giá là một trong những tài năng trẻ triển vọng của âm nhạc hàn lâm, song Tùng khiêm tốn không nhận mà còn “bật mí”, thực ra Tùng cũng chưa chăm chỉ lắm trong việc luyện tập. Và mặt khác, có lẽ vì kèn oboe tuy là một nhạc cụ hiếm người học nhưng môi trường tồn tại tốt nhất của nó lại chỉ đặt trong khuôn khổ của dàn nhạc giao hưởng hoặc chơi hòa tấu, nên cơ hội để người nghệ sĩ oboe hoạt động ở những môi trường rộng mở hơn rất hạn chế. Vì thế, trước mắt Tùng vẫn tiếp tục công việc biểu diễn ở Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Bên cạnh đó anh mong muốn sẽ được đi học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn ở nước ngoài.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất