Ngược dòng ký ức, EURO 2008: Chiến công của nhà hiền triết

06/06/2012 13:16 GMT+7 | EURO 2024

(thethaovanhoa.vn) - Lịch sử bóng đá Tây Ban Nha chắc chắn sẽ nhớ mãi công lao của HLV Luis Araganos, người đã nâng lối chơi tiqui-taca lên thành một trường phái và giúp “La Roja” giành chức vô địch lần thứ hai sau 44 năm mòn mỏi chờ đợi.

Tây Ban Nha trước EURO 2008 vẫn được gọi là “Vua vòng loại” bởi luôn thi đấu xuất sắc trước những đối thủ tí hon ở vòng ngoài nhưng không tiến được xa ở vòng chung kết. Kể từ sau chức vô địch EURO 1964, thành tích tốt nhất của TBN ở một kỳ World Cup hay EURO chỉ là tứ kết. Nội bộ lục đục với những mâu thuẫn vùng miền, với sự lấn lướt của những cái tôi quá mạnh là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thất bại của TBN dù đội bóng này dường như không bao giờ thiếu cầu thủ giỏi. Tuy nhiên, tại EURO 2008, lịch sử đã sang trang khi TBN không thật sự được đánh giá cao lại bất ngờ giành chức vô địch.

Tây Ban Nha lần thứ hai vô địch EURO - Ảnh Getty

Công lớn nhất trong chiến tích này thuộc về HLV Luis Aragones, người trước đó liên tục bị các CĐV nguyền rủa. Sau thất bại tại World Cup 2006, HLV này đã bị các CĐV chỉ trích dữ dội và chỉ tại vị nhờ LĐBĐ TBN kiên quyết giữ lại. TBN cũng mở đầu chiến dịch vòng loại EURO 2008 không thể tồi tệ hơn với hai thất bại trước Bắc Ireland và Thụy Điển khiến áp lực đè lên ông Aragones thêm phần khủng khiếp. Ngay cả khi TBN đã giành vé, “Nhà hiền triết” cũng vẫn bị “ném đá” do loại hàng loạt trụ cột như Joaquin Sanchez, Antonio Reyes, Michel Salgado, David Abelda và đặc biệt là Raul Gonzalez.

Tuy nhiên, người TBN sẽ phải cám ơn quyết định táo bạo này bởi nhờ nó, nội bộ TBN đã bớt được những cái tôi quá mạnh, thường xuyên lấn át đồng đội. Nhờ vậy, TBN dự EURO 2008 với 23 cầu thủ đến từ 11 đội bóng khác nhau nhưng vẫn giữ được sự đoàn kết. Những cầu thủ dự bị như Daniel Guiza, Vua phá lưới La Liga năm 2008, cũng không gây rối, thậm chí âm thầm đóng góp với bàn quyết định ở vòng bảng. Trả lời tờ AS, “Nhà hiền triết” cho biết TBN khi đó là một tập thể với những cá nhân biết rõ vai trò riêng của mình, biết tôn trọng đội trưởng và tin tưởng vào HLV, điều xưa nay hiếm thấy.

Bên cạnh đó, ông Aragones còn có những cách tân chiến thuật xuất sắc, giúp TBN vừa thi đấu đẹp mắt nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. “Nhà hiền triết” đã đẩy lối chơi tiqui-taca còn mông lung thành một trường phái. Tiqui-taca trước đó đã được Johan Cruyff đặt nền móng từ những năm 1990, được Louis van Gaal, Frank Rijkaard kế thừa một phần nhưng phải tới thời Aragones mới hiện rõ hình hài. Có một điểm thú vị là “Nhà hiền triết” phát triển triết lý này để tăng thời gian kiểm soát bóng qua đó nắm được thế trận, giảm sức ép cho hàng thủ chứ không phải hướng về tấn công như phiên bản hiện nay.

Vô địch: Tây Ban Nha

Á quân: Đức

Hạng Ba: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ

Vua phá lưới: David Villa (Tây Ban Nha, 4 bàn)

Sáu bàn thắng đầu của TBN tại EURO 2008 đều được thực hiện theo cách truyền thống (năm từ những pha tấn công bóng dài tốc độ và một từ tình huống cố định), phải tới bán kết mới có một bàn kiểu tiqui-taca mẫu mực đầu tiên nhờ công Xavi Hernandez. Sự linh hoạt của TBN khi đó cho thấy ông Aragones luôn có những phương án dự phòng xuất sắc, từ lối chơi tới nhân sự, và chính sự chuẩn bị chu đáo cho các phương án hai đã giúp TBN giành chức vô địch thứ hai sau 44 năm dài chờ đời.

Chiến công của TBN tại EURO 2008 đã mở ra một thời kỳ hoàng kim cho nền bóng đá nước này. Ở cấp độ ĐTQG, “La Roja” đã hoàn toàn rũ bỏ được hình ảnh một kẻ học việc yếu đuối khi thống trị tiếp cả làng túc cầu thế giới với chức vô địch World Cup 2010. Ở cấp CLB, Barcelona với lối chơi tiqui-taca được đẩy lên mức cao nhất đã chinh phục mọi đỉnh cao của bóng đá thế giới, cả về khía cạnh danh hiệu lẫn sự hấp dẫn trong lối chơi. Những thành công rực rỡ của TBN những năm gần đây có công không nhỏ của ông Aragones, người đã đánh thức sự tự tin vốn đã ngủ quên ở “La Roja” và nâng tầm lối chơi tiqui-taca.

Trần Khánh An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm