"Ngược dòng" để định vị giá trị của tân nhạc ái quốc

05/12/2022 17:56 GMT+7 | Văn hoá

Tiếp nối mạch biên khảo về âm nhạc đại chúng, sau Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (NXB Trẻ, 2018), đoạt giải Tác phẩm - Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2019, nhà văn Nguyễn Trương Quý tái xuất với Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc (NXB Trẻ), vừa phát hành).

Thông qua những câu chuyện về sự ra đời của tân nhạc, cuốn sách dựng lại câu chuyện về Hà Nội, và rộng hơn, Việt Nam trong cuộc phục hưng của chủ nghĩa dân tộc hiện đại vào những năm 1940 của thế kỷ trước. Ở đó, tác giả tìm cách lý giải cơ chế những ca khúc tân nhạc góp phần truyền bá những tư tưởng ái quốc có sức lan tỏa và tập hợp lớn.

Không chỉ có âm nhạc

Đọc Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, không đơn thuần chỉ có những câu chuyện về sự hình thành của tân nhạc. Đằng sau nó, cho thấy những tác động không nhỏ của những ca khúc tân nhạc vào bối cảnh chính trị, văn hóa đầy biến động trong những năm 1940.

"Ngược dòng" để định vị giá trị của tân nhạc ái quốc - Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Trương Quý

Nguyễn Trương Quý cho biết: "Cuộc ra mắt những bài hát tân nhạc cuối thập niên 1930 nằm trong một khung cảnh lớn hơn của những cuộc vận động văn hóa, xã hội Việt Nam… Bối cảnh này dẫn tới nảy sinh một mối bận tâm trong thanh niên Việt Nam về lịch sử và địa chính trị đất nước. Tân nhạc, kịch nói, thi đấu thể thao, xây dựng nhà ở kiểu mới và truyền bá việc học chữ quốc ngữ cho người nghèo là vài trong số những hoạt động sôi nổi với sự chủ trương của một số hội đoàn văn hóa giáo dục".

Khi những bài hát tân nhạc đầu tiên ra đời, cũng là lúc những bản hành khúc khơi dậy lòng ái quốc của người Việt Nam xuất hiện. Trong bối cảnh Đông Dương thuộc Pháp năm 1940, những sinh viên và thanh niên chưa đến hai mươi tuổi đã viết những bài hát kể về chiến công xa xưa của các anh hùng dân tộc, kêu gọi tập hợp lực lượng kiến tạo một đất nước tương lai. Đó là Lưu Hữu Phước, Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến đã tạo ra một bầu khí quyển âm nhạc sôi sục bằng những bài hát "thanh niên - lịch sử", thúc giục lớp người Việt Nam mới giành lấy chính quyền.

Trên cơ sở này, bên cạnh dòng tình khúc lãng mạn và hát thơ vốn khá quen thuộc trong hình dung về âm nhạc "tiền chiến" thì hành khúc và hùng ca trở thành một bộ phận hết sức quan trọng và phát triển mạnh mẽ, thậm chí còn lấn át cả dòng tình ca. Những tác phẩm âm nhạc quan trọng như Cùng nhau đi hồng binh, Hồn tử sĩ, Chiến sĩ Việt Nam, Tiến quân ca, Diệt phát xít,… đã ra đời trong bối cảnh đó.

"Ngược dòng" để định vị giá trị của tân nhạc ái quốc - Ảnh 2.

Bìa cuốn “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” (NXB Trẻ)

Nguyễn Trương Quý cho rằng: "Âm hưởng của những bài ca này khơi gợi những tâm tình về cộng đồng là yếu tố quyết định thành công của họ. Chúng có khả năng vượt ra khỏi phạm vi đô thị để thẩm thấu đến vùng nông thôn chính là nhờ những diễn ngôn về cộng đồng có màu sắc huyền thoại "con Lạc cháu Hồng". Những bài hát ái quốc được viết ra trong nửa đầu thập niên 1940 đã trở thành phương tiện đóng góp cho cao trào giải phóng dân tộc năm 1945.

Ở đây cần nói tới sự kiện Ban âm nhạc Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương được thành lập vào đầu thập niên 1940. Tổ chức này đã trở thành một hạt nhân quan trọng của trào lưu sáng tác tân nhạc, cùng với nhóm Đồng vọng ở Hải Phòng hoặc các nhóm nhạc sĩ trẻ đầu tiên của tân nhạc như Tricéa, Myosotis ở Hà Nội. Đây cũng là đối tượng chính được Nguyễn Trương Quý khảo sát trong nghiên cứu của mình.

"Ngược dòng" để định vị giá trị của tân nhạc ái quốc - Ảnh 3.

Mở rộng mạch biên khảo

Nhìn rộng hơn, từ Một thời Hà Nội hát… đến Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, đã cho thấy một mạch biên khảo được mở rộng về nhiều mặt của tác giả.

Nếu Một thời Hà Nội hát… dừng lại ở câu chuyện giải trí đô thị Hà Nội trước và sau 1954 thông qua cuộc đời sáng tạo của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, thì du khảo mới này tiếp cận đa dạng các nhân vật có hành trình khác trong dòng chảy tạo dựng một không gian văn hóa đại chúng ở quy mô phức tạp hơn. Để qua đó, khảo cứu sự truyền bá những tư tưởng ái quốc thông qua các sản phẩm văn hóa truyền thông đại chúng trong công cuộc tạo dựng hình ảnh Việt Nam hiện đại vào thập niên 1940.

"Ngược dòng" để định vị giá trị của tân nhạc ái quốc - Ảnh 4.

Tác giả Nguyễn Trương Quý và tác phẩm "Một thời Hà Nội hát…"

Song, có thể coi cả Một thời Hà Nội hát… Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc là hai mảnh ghép trong chân dung mang tính lịch sử của không gian đô thị có hạt nhân là Hà Nội giai đoạn chuyển từ mạt kỳ thuộc địa sang chính thể độc lập. Ở đó, có một Hà Nội "tinh hoa" là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo của một tổ chức đã vượt ra khỏi khuôn khổ một hội đoàn trí thức - Ban âm nhạc Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương - với hạt nhân trung tâm là Lưu Hữu Phước, cùng nhóm Hoàng Mai Lưu.

Và có cả một Hà Nội lầm than là nơi những lời ca gai góc,hùng tráng của Văn Cao khởi lên cho một đoàn quân Việt Nam đi trong tưởng tượng, để rồi trở thành dự báo cho cuộc đấu tranh vũ trang làm nên lịch sử.

Trong khi đó, PGS-TS Phạm Xuân Thạch cho rằng: "Từ Một thời Hà Nội hát… đến Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, Nguyễn Trương Quý đã thực sự mở rộng giới hạn của mình. Quý vẫn giữ được sự cân bằng giữa sự hấp dẫn của câu chuyện với sự nghiêm cẩn của khảo cứu".

"Đọc khảo cứu của Quý là một cuộc hành trình tri thức đầy hấp dẫn, không chỉ từ những phát hiện độc đáo kết quả của sự tìm kiếm miệt mài trong khối tư liệu rất lớn (lớn hơn rất nhiều lần so với cuốn khảo cứu trước), mà còn từ cách dẫn dắt mạch nội dung với những "twist" đầy bất ngờ. Quý biết cách tiết chế để không lạm dụng những giai thoại (dù là có căn cứ) rất dễ biến cuốn sách thành một thứ "đạo thính đồ thuyết" bên lề của những nghiên cứu nghiêm cẩn nhưng cũng biết cách tạo sức hấp dẫn cho biên khảo từ những chi tiết nhỏ nhất - như cách đặt các tiêu đề".

Theo đó, cuốn sách gồm 6 chương chính là:Một tổng hội "tinh hoa", Cuộc chiến của ngôn từ, Tiên cảnh và tục lụy, Thời khắc của cái siêu việt, Cuộc cạnh tranh của những người hùng, Một thập niên được chế tạo… Đều là những tiêu đề giàu chất văn và đầy sức khởi trong một khảo cứu nghiêm cẩn.

Khép lại Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc ở độ lùi 80 năm, những câu chuyện về tân nhạc ái quốc vẫn là một phần của quãng lịch sử đầy biến động. Quan trọng hơn, điều Nguyễn Trương Quýlàm được là đã khơi dậy được những góc nhìn mới, những suy tư mới về buổi đầu của tân nhạc Việt Nam gắn với sự khởi sinh của chủ nghĩa dân tộc nửađầu thế kỷ XX, mà bấy lâu nay vẫn còn khuất lấp, khuyết thiếu. 

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm