Ngôn ngữ cơ thể của người thành công

09/01/2017 13:05 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, những người biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể sẽ giao tiếp hiệu quả hơn, đồng thời có trí tuệ cảm xúc (EI) cao hơn những người không sử dụng.

Những người thành công thường có thói quen ngôn ngữ cơ thể như thế nào? Những chia sẻ dưới đây hy vọng sẽ giúp các bạn thành công hơn...

DÁNG NGỒI THẲNG NGƯỜI


Ngồi thườn thượt trên ghế, chống khuỷu tay lên trên mặt bàn, dùng tay che mặt là những dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng. Nếu trong cuộc nói chuyện với một ai đó, bạn có những hành động như trên thì chứng tỏ một điều là bạn chẳng hề quan tâm gì đến nội dung cuộc nói chuyện cả. Bạn cũng chẳng hề để ý gì đến những điều vừa được nghe.

Đối với bạn, những điều người đối thoại đang nói dường như rất nhàm chán và nhạt nhẽo thì phải? Không những vậy, tư thế ngồi thườn thượt, chống tay lên bàn còn mang lại cảm giác mệt mỏi, thiếu sức sống cho người đối thoại. Họ sẽ chẳng muốn tiếp tục câu chuyện với một người mà nhìn lúc nào cũng “não nề”, “sầu thảm” như bạn đâu.


Ngược lại, nếu bạn ngồi trong tư thế thẳng lưng và vai mở rộng, đồng thời hơi ngả về phía sau, bạn trông sẽ tự tin hơn rất nhiều đấy. Tư thế này cho thấy bạn đang tràn trề năng lượng và có phong thái lãnh đạo. Hãy nhớ, bạn càng ngồi thoải mái và tự tin bao nhiêu, trông bạn càng chững chạc và thành công bấy nhiêu. Và khoảng không gian mà cơ thể “chiếm đóng” cũng nói nhiều về thành công của bạn. Theo đó, nếu bạn ngồi chiếm càng nhiều diện tích thì nhìn bạn càng quyền lực, thành công.

Lời khuyên cho bạn: Không bao giờ được ngồi rũ xuống. Tư thế ngồi này khiến bạn trông sẽ thật nhỏ bé, thiếu sức hút cũng như quyền lực. Trong quá trình ngồi giao tiếp, hãy luôn giữ cho mình ở tư thế thẳng lưng.

SỬ DỤNG ĐIỆU BỘ, CỬ CHỈ MỘT CÁCH CHỪNG MỰC


Cái gì “quá” cũng không tốt. Nếu bạn cho quá nhiều muối vào nồi canh, nồi canh tất nhiên sẽ bị mặn. Điều này cũng tương đương với việc “làm quá lố” biểu cảm, điệu bộ, cử chỉ.

Theo đó, nếu bạn quá phóng đại điệu bộ, cử chỉ của mình, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn đang nói dối hoặc là bạn đang cố gắng che giấu điều gì đó. Ví dụ, bạn cố cười to, vỗ tay, đập bàn đập ghế như thể câu chuyện đang được nghe rất buồn cười (thực tế thì nó không buồn cười đến thế). Hay tỏ bộ rất ngạc nhiên quá mức cần thiết khi nhìn thấy một người nào đó xuất hiện… Việc thể hiện cảm xúc thái quá sẽ mang đến cảm giác “giả tạo”, người khác sẽ nghĩ bạn là một người thiếu tinh tế, không thành thật và họ sẽ không tin tưởng bạn nhiều.


Chính vì vậy, thể hiện cảm xúc, sử dụng điệu bộ, cử chỉ một các điềm đạm, đúng mực là lời khuyên dành cho bạn.

MỞ RỘNG CÁNH TAY


Khi bạn khoanh tay trước ngực, bạn dường như đang phát đi một tín hiệu rõ ràng: “Tôi không phải là người dễ thuyết phục, và tôi không đồng ý với những gì bạn đang nói”. Khoanh tay, đặc biệt là trong tư thế đứng thể hiện sự phòng thủ, bướng bỉnh, hoài nghi đối phương.

Lúc này, người đối thoại với bạn cũng sẽ cảm thấy e ngại, họ không biết có nên tiếp tục câu chuyện với bạn hay không? Thậm chí, khi họ tiếp tục câu chuyện thì họ cũng khó có thể chia sẻ thoải mái với bạn. Hãy luôn nhớ rằng, khoanh tay trước ngực hay ngồi bắt chéo chân không phải là thói quen ngôn ngữ cơ thể tốt, ngay cả khi bạn đang cười.


Do vậy, khi giao tiếp với ai đó, bạn nên hạn chế tối đa hành động khoanh tay trước ngực. Hãy để đôi tay của bạn thoải mái nhất có thể, đưa tay ra phía trước với gương mặt tươi tỉnh sẽ khiến người khác có cảm tình. Khi đó, mọi cuộc đối thoại, đàm phán sẽ diễn ra dễ dàng, thuận lợi.

KHÔNG CHẠM TAY VÀO TÓC


Nếu bạn có thói quen thích chạm tay vào mái tóc của mình, chơi với nó, hoặc cố gắng để chỉnh lại tóc trong khi những người khác nói chuyện với bạn, thì hãy loại bỏ ngay đi nhé. Đây là một thói quen xấu. Hành động chạm vào tóc cho thấy sự bất an và thiếu sự quan tâm của bạn.

Người khác sẽ nghĩ rằng câu chuyện của họ đang nói không thú vị, không có sức thuyết phục nên khiến bạn cảm thấy nhàm chán và bạn phải tìm một “thú vui” khác để thay thế, đó là nghịch tóc của mình. Hoặc cũng có thể, bạn là người đang cảm thấy thiếu tự tin khi nói chuyện với họ. Và đương nhiên, như thế, bạn sẽ không được người đối diện đánh giá cao.


Lời khuyên cho bạn: Ngừng chạm vào mái tóc của bạn, đồng thời hãy cố gắng tập trung vào cuộc giao tiếp một cách tự nhiên nhất.

NỤ CƯỜI

Mỉm cười với tất cả mọi thứ không có nghĩa bạn là người mạnh mẽ, thân thiện. Mỉm cười đúng nơi, đúng lúc cho thấy bạn là một người có khả năng kiểm soát tình hình xung quanh cũng như khả năng giữ bình tĩnh rất tốt. Bạn biết mình cần phải làm gì, không nên làm gì trong hoàn cảnh này. Ngay cả thời điểm khó khăn và căng thẳng nhất, bạn cũng biết cách kiểm soát bản thân và giải quyết vấn đề.


Nụ cười là một trong những “vũ khí” tuyệt vời trong giao tiếp. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách sử dụng thứ “vũ khí” này sao cho đúng thì nó có thể mang lại hậu quả.

GIAO TIẾP BẰNG MẮT MỘT CÁCH TỰ NHIÊN



Ánh mắt có lẽ là điều quan trọng nhất khi tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể. Nếu bạn giao tiếp bằng mắt quá mạnh mẽ có thể khiến người đối thoại cảm thấy bị đe doạ, ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp. Hành động này cũng cho thấy bạn đang cảm thấy lo lắng, bất an. Bạn đang cố sử dụng ánh mắt mạnh mẽ của mình để nắm bắt, kiểm soát tất cả những cử chỉ và lời nói của đối phương nhằm bảo đảm cho sự an toàn của chính mình.

Ngược lại, nếu bạn tránh giao tiếp bằng mắt, nó lại mang đến một thông điệp khác: bạn đang có điều gì đó muốn che giấu. Ngoài ra, việc không nhìn vào mắt đối phương khi giao tiếp khiến đối phương cảm thấy không được tôn trọng, chú ý.


Do đó, bạn nên cố gắng học cách giao tiếp bằng mắt một cách tự nhiên nhất, biết khi nào nên nhìn vào mắt đối tác và khi nào không nên nhìn, để đạt được mục đích giao tiếp cao nhất.

CÁI BẮT TAY CHẮC CHẮN


Không bao giờ trao một cái bắt tay yếu ớt cho người khác vì nó sẽ tạo ra ấn tượng xấu với người giao tiếp, đặc biệt là đối tác làm ăn.

Một cái bắt tay mạnh mẽ, chắc chắn là dấu hiệu thể hiện sức mạnh và sự tự tin. Thế nên, khi ai đó mời bạn bắt tay, phải chắc chắn, đó là một cái bắt tay chắc chắn, cái bắt tay khiến người khác cảm thấy tin tưởng và an toàn. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là bạn phải siết chặt tay người khác.

Một cái bắt tay tốt cho thấy được sự tự tin và bản lĩnh của bạn. Đồng thời, nó còn thể hiện được thiện chí, mong muốn muốn hợp tác của bản thân với người đối thoại.

Quí Cao
Theo brightside.me

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm