31/10/2012 10:11 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM, có một hiện vật đặc biệt, đó là một ngôi mộ nhỏ bằng thủy tinh, khiến bất cứ du khách nào đến đây cũng đều rưng rưng xúc động.
Đó là ngôi mộ của 3 em bé được chia thành 2 phần, một phần dành cho 2 bé song sinh dính liền và phần còn lại dành cho một em bé khác. Những thi hài này đều là nạn nhân của chất độc da cam/điôxin trong chiến tranh Việt Nam. Nếu đứng ở khái niệm bảo tàng, thi thể 3 em có thể coi là những “vật chứng” có giá trị tố cáo về chiến tranh, nhưng đó cũng là những “vật chứng” đặc biệt, được những người làm công tác bảo tàng nâng niu, trân trọng dưới góc độ tâm linh.
“Đó là con người”!
Có lẽ không bảo tàng nào ở TP.HCM có thể sánh được với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh về số lượng hiện vật được trưng bày. Từ những hiện vật ngoài trời như: máy bay, xe phun lửa, xe tăng… đến những khu triển lãm chuyên đề về tội ác, hậu quả của chiến tranh đều có sức hấp dẫn du khách.
Ngôi mộ thủy tinh giữa lòng bảo tàng |
Nhưng có lẽ không hiện vật nào có thể níu chân du khách lâu như ngôi mộ thủy tinh, có chiều cao khoảng 3 tấc. Mộ đặt trong góc phòng trưng bày về “Hậu quả chất độc da cam/điôxin trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”. Bao quanh ngôi mộ là hình ảnh về những em bé tật nguyền bởi thứ chất diệt cỏ quái ác kia.
Nhiều du khách ngồi xuống, họ nhìn ngôi mộ thật lâu và cố gắng ghi lại bằng chiếc máy ảnh du lịch. Chị Nguyễn Thị Thu Sương, Tổ phó Tổ Tuyên truyền của bảo tàng cho biết: “Ngôi mộ này được trưng bày từ 30/4/2010. Đã hơn 2 năm trôi qua, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu giọt nước mắt, biết bao nhiêu tấm lòng của du khách quốc tế khi đến đây. Họ thấu hiểu những mất mát của nhân dân Việt Nam và những hệ lụy mà nhiều thế hệ tiếp theo còn phải gánh chịu sau chiến tranh”.
Chị kể, có lần chị thấy mấy vị khách Tây to lớn, trên vai xăm trổ vằn vện đầy những hình trông rất hầm hố. Vậy mà họ lại khóc rưng rức như một đứa trẻ khi nhìn thấy ngôi mộ thủy tinh này. “Họ xin chúng tôi cho đặt những đóa hoa trắng trước ngôi mộ để bày tỏ sự tiếc thương. Chúng tôi đồng ý. Lại có trường hợp mấy vị khách châu Á muốn xin được thắp nhang trước ngôi mộ. Chúng tôi đành chịu vậy. Mặc dù, chúng tôi biết, đó là những tình cảm hết sức chân thành của họ dành cho những sinh linh bé bỏng, tội nghiệp này” – chị Sương xúc động chia sẻ.
Được biết, những thi hài này được bảo tàng nhận về từ bệnh viện phụ sản Từ Dũ vào năm 1994. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng kể lại: “Lúc đó Bảo tàng chưa được xây dựng, điều kiện vật chất còn nghèo nàn. Trong suốt thời gian dài đó, chúng tôi để các bé trong những hũ đựng phoóc-môn và đặt trên kệ phục vụ du khách tham quan. Thực sự, trong lòng của những người làm công tác bảo tàng, có điều gì đó rất áy náy. Bởi những đứa trẻ sơ sinh đó không thể chỉ là “hiện vật” đơn thuần. Đó là con người”.
Du khách ngắm nhìn những hài nhi trong ngôi mộ thủy tinh |
Ý tưởng từ “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”
Có lẽ những áy náy mà bà Vân vừa kể, còn là sự ám ảnh đã đeo đuổi bà, kể từ khi chứng kiến những đứa trẻ tật nguyền, dị dạng được bỏ vào trong những chiếc hũ ở Bệnh viện phụ sản Từ Dũ. “Không chỉ là cán bộ bảo tàng, tôi còn là người mẹ. Năm ấy, con tôi chỉ mới 2 tuổi. Một đêm tôi giật mình thức giấc, vội sờ khắp con mình. Thấy nó đầy đủ hình hài, niềm hạnh phúc trong tôi dâng lên, nhưng đồng thời hình ảnh của những đứa trẻ sơ sinh kém may mắn kia cũng xuất hiện. Điều đó khiến tôi căm phẫn với chiến tranh biết chừng nào”- bà Vân xúc động nói.
Những năm vừa qua, khi Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được xây dựng, nâng cấp, những người làm công tác bảo tàng như bà đều có chung một mong muốn phải làm một cái gì đó thật ý nghĩa cho các em. Và ngôi mộ thủy tinh này ra đời.
Lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, họ hình dung những đứa trẻ sơ sinh bất hạnh kia như là nàng công chúa trong sáng, xinh đẹp. Bà Vân cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp tại Bảo tàng mong muốn đem lại những gì đẹp nhất cho các bé. Muốn mọi người nhìn các bé nhưng là những con người chứ không phải là hiện vật trưng bày đơn thuần. Từ góc độ tâm linh, chúng tôi mong các em được siêu thoát”.
“Tôi mong muốn Bảo tàng khi có đủ điều kiện sẽ cải tạo những ngôi mộ này bằng pha lê. Bởi pha lê trường tồn với thời gian. Nơi đó, các bé sẽ được an nghỉ vĩnh cửu trong tình yêu thương, trân trọng của cả nhân loại yêu chuộng hòa bình”- bà Vân tâm sự.
Anh Đức - Yến Hoa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất