Nghiên cứu lúa cổ đến cùng dù tin hay không

07/08/2010 10:59 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Việc nghiên cứu sẽ được thực hiện đến cùng cho dù xác suất lúa cổ có thấp đến đâu”, TS Trịnh Xuân Hội, Viện Di truyền nông nghiệp khẳng định. Ông Hội chính là người chịu trách nhiệm theo dõi, chăm sóc lúa cổ mọc lên từ hạt thóc được coi là có niên đại 3.000 năm tìm thấy tại Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội).

>> Chuyên đề: Hạt thóc 3000 năm nảy mầm


Khóm lúa cổ bị lụi
1. Cho đến ngày 13/8, 13 cây “lúa cổ” Thành Dền đã có những phát triển khác nhau. “Trong số 8 cây lúa nảy mầm đợt đầu có 1 cây đã bắt đầu chín, hay còn gọi là đỏ đuôi. Một cây khác lại lụi đi. Cây lúa bị lụi là cây ngay từ đầu đã rất yếu, và càng ngày càng yếu. Giờ cây này thấp bé hẳn so với những cây khác và có thể khẳng định không có khả năng ra hạt, tuy chúng tôi áp dụng cùng một quy trình chăm sóc”, ông Hội cho biết. Một cây lúa khác đã bị gãy do gió. Với cây lúa này, cán bộ theo dõi đã phải buộc nhẹ lại phía trên để giúp cây đứng tốt hơn. Hiện tại cây lúa gãy này vẫn chưa làm đòng. “Nếu không buộc lại thì có thể dùng tre để chống. Nếu không chống buộc, lá gục xuống sẽ khiến cây không thể thoát đòng”, nữ cán bộ này cho biết. Loạt 2 cây lúa đợt 2 (sau lần thứ nhất 4 ngày) cũng đã làm đòng. Loạt 3 cây lúa đợt 3 (sau đợt đầu tiên 1 tháng) hiện đang chuẩn bị làm đòng. Thời tiết mát hơn trong thời gian gần đây cũng giúp việc nuôi trồng lúa thuận lợi hơn, vì nếu nắng nóng, các hạt phấn rất dễ hỏng.

2. Được hỏi về bài toán năng suất của TS Trần Đăng Hồng (như TT&VH đã phản ánh trong bài Lúa cổ là giống siêu năng suất? số ra ngày 5/8), TS Hội lại lưu ý về một yếu tố không được tính đến trong bài tính của ông Hồng là kỹ thuật canh tác bởi theo ông: “Nếu kỹ thuật canh tác tốt, năng suất lúa tăng là chuyện bình thường. Với những giống tốt, nếu không chăm sóc sẽ không thể đạt được năng suất tối đa”.

“Nếu các cụ cách đây 3.000 năm, có lẽ canh tác phần lớn là gieo hạt, thả rông không chăm, không làm cỏ không bón phân, lại trồng dày thì năng suất thấp là chuyện bình thường. Trong khi đó những cây lúa cổ lại được nuôi riêng mỗi cây một chậu, chăm sóc cẩn thận hàng ngày” - TS Hội phân tích.

Trả lời phỏng vấn TT&VH, PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung - người chủ trì khai quật từng nhận định số người tin vào sự tồn tại của lúa cổ là rất thấp, chỉ chừng 0,01%. Về tương quan giữa điều này với việc tiếp tục nghiên cứu “lúa cổ”, ông Hội nói: “Quan điểm của tôi về vấn đề lúa cổ là phải nghiên cứu đến cùng. Bởi nếu đây thực sự là lúa cổ thì không những nó là một phát hiện mà còn là một phát hiện chấn động. Chính vì thế, tôi không cho phép mình đặt vấn đề theo cách tin hay không tin để kết luận có hay không nghiên cứu tiếp. Với một vấn đề khoa học quá lớn như lúa cổ nảy mầm - dù tin hay không cũng phải làm. Cho dù xác suất chỉ đạt một phần triệu cũng vẫn phải nghiên cứu đến cùng”, TS Hội khẳng định.

Kiều Trinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm