01/09/2012 12:24 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH Cuối tuần) - Nghi thức bắt tay trước và sau mỗi trận đấu bóng đá ở trình độ đỉnh cao có thật sự cần thiết, khi mà nhiều cầu thủ, huấn luyện viên là những cừu thù thật sự, sẵn sàng biến điều đó thành một động thái thay vì thân thiện và tôn trọng, thì tràn ngập sự khinh miệt, coi thường và đôi khi gây ra bối rối cho tất cả.
Quên luật ?
Tháng 2/2012, một ngày sau khi Luis Suarez có hành động nổi tiếng từ chối bắt tay Patrice Evra ở Old Trafford, một thông báo được đăng tải trên truyền thông đại chúng Anh: “Câu lạc bộ đã trao đổi với gia đình cả hai cầu thủ và họ đã xác nhận các cầu thủ không có ý định gì xấu. Họ đã cư xử với nhau đàng hoàng trước và sau sự cố bắt tay. Họ để lỡ nghi thức chỉ vì sân bóng quá ồn ào và choáng ngợp vì trải nghiệm được ra sân cùng những người hùng của mình”.
Thông cáo báo chí đó không phải từ Liverpool hay Manchester United, mà từ Aston Villa. Trước trận gặp Manchester City, hai cậu nhóc 7 tuổi đi theo các cầu thủ ra sân đã bỏ qua nghi thức bắt tay vốn được coi là chính thức và đã được Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) quy định thành luật. Những ồn ào trước đó với vụ Suarez-Evra đã ngay lập tức đặt ra câu hỏi về một vụ việc tương tự, dù ở cấp độ thấp hơn rất nhiều và nghi thức xã hội được áp dụng vào bóng đá này ngay lập tức bị đặt dấu hỏi.
Thủ tục bắt tay giữa Arsenal (áo đỏ) và Everton trước một trận đấu
Hai tháng sau, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Nghi thức chào đón nhau trước trận đấu giữa QPR và Chelsea thậm chí bị hủy bỏ vì phiên tòa Anton Ferdinand, trung vệ của QPR, kiện John Terry, đội trưởng Chelsea, có hành vi phân biệt chủng tộc. Các tư vấn pháp lý của Ferdinand nói với anh rằng nếu chấp nhận bắt tay Terry, trong phiên tòa sau đó, các luật sư của Terry có thể sử dụng đó làm bằng chứng cho rằng Ferdinand đã tha thứ cho kẻ mà anh cáo buộc có hành vi phân biệt chủng tộc với mình. Trước đó nữa, bàn tay của Terry cũng bị từ chối bởi một cầu thủ Anh khác, Wayne Bridge, sau khi hàng loạt tờ báo khổ nhỏ ở nước này tiết lộ họ chia sẻ với nhau không chỉ phòng thay đồ ở Stamford Bridge. Các sự cố như thế khiến những cái bắt tay nhanh chóng trở thành tít chính trên các tờ báo thể thao vào ngày hôm sau.
Mùa giải Premier League này, do sự sắp đặt tình cờ của định mệnh, ngay trong tháng 9 sẽ là những cuộc đối đầu QPR - Chelsea và Liverpool - Manchester United. Nhiều câu hỏi về những cái bắt tay vẫn chưa được trả lời rõ ràng. Tại sao mọi chuyện lại trở nên căng thẳng như vậy, vì các cầu thủ và huấn luyện viên, hay như quá nhiều sự cố đã chỉ ra, vì chính nghi thức tưởng như rất lịch thiệp và cần thiết này?
Ai nghĩ ra trò ngớ ngẩn này?
Một số cầu thủ và huấn luyện viên công khai cho rằng việc bắt tay đối thủ trước hoặc sau trận là hoàn toàn không cần thiết. “Không hề có chuyện này khi tôi còn chơi bóng”, huấn luyện viên Cardiff, Malky Mackay, từng chơi cho hàng loạt đội bóng Anh giai đoạn 1990-2008, nói. “Bạn bắt tay vào cuối trận với các cầu thủ đối phương chỉ khi nào bạn muốn”. Mark Hughes, hiện đang dẫn dắt QPR, có nhiều kinh nghiệm với nghi thức bắt tay, hay từ chối bắt tay. Năm 2010, ông từng từ chối bắt tay đồng nghiệp Tony Pulis của Stoke do quá tức giận vì một pha vào bóng của cầu thủ Stoke, Andy Wilkinson, với tiền vệ Fulham, Moussa Dembele. Vài tháng sau, đến lượt Pulis đáp trả. “Chúng tôi chỉ là hai người Wales với chút máu ăn thua”, Pulis giải thích quyết định không bắt tay Hughes ở trận lượt về. “Tôi sẽ không mất ngủ chút nào vì chuyện này và tôi cho rằng ông ta cũng thế”.
Hughes đáp lại: “Tôi đủ lớn để chấp nhận điều đó, nếu đó là những gì ông ta muốn”. Không có gì ngạc nhiên khi Hughes lại lên tiếng sau vụ việc Ferdinand - Terry, trên cương vị huấn luyện viên QPR. “Tại sao lại chính thức hóa việc bắt tay khi họ không hề làm điều đó một cách thành thật?” Ông đặt câu hỏi. “Rất khó chịu. Tôi chẳng hiểu ai lại nghĩ ra chuyện ngớ ngẩn này và cho rằng nó là quan trọng”.
Một số cầu thủ cũng không ưa gì chuyện này, dù họ không dám nói thẳng ra. “Tôi dám nói mọi cầu thủ đều ghét chuyện này”, một cầu thủ giấu tên nói với tạp chí bóng đá FourFourTwo. “Nghi thức khiến cho việc khởi động trận đấu bị chậm lại. Trước đó, bạn đã hoàn tất khâu khởi động, quay lại phòng thay đồ để thay áo đấu, uống chút nước, nghe huấn thị cuối cùng từ huấn luyện viên. Rồi bạn sẽ trở lại sân, trận đấu bắt đầu một hoặc hai phút sau đó và bạn rất phấn khích. Còn giờ đây, các nghi thức rườm rà khiến mọi việc tốn gấp ba lần thời gian. Mà lại chẳng có chút thành thật nào. Bạn không mong những điều tốt đẹp nhất cho đối thủ của mình, mà là những điều tệ hại nhất”.
Hiệu ứng với khán giả truyền hình
Từ năm 2003, FIFA chính thức quy định mọi cầu thủ trong các trận chính thức phải bắt tay đối phương trước và sau trận đấu. “Nghi thức này sẽ giúp một trận đấu diễn ra trọn vẹn”, FIFA giải thích. “Các cầu thủ cũng sẽ gửi đi một thông điệp tích cực cho các cổ động viên trên khán đài: dù trước mặt họ là một trận chiến khó khăn, tình bạn và phong cách chơi đẹp vẫn được gìn giữ. Một khi trận đấu đã xong, thì mọi người lại có thể ở bên nhau, như một thể thống nhất”. Những nhà điều hành bóng đá còn có tham vọng tạo ra ảnh hưởng toàn cầu từ nghi thức bắt tay được chính thức hóa trong các trận đấu: “Điều này sẽ có hiệu ứng tích cực lên khán giả truyền hình sau hồi còi chung cuộc. Các cầu thủ sẽ có cơ hội bình tĩnh lại và làm giảm nguy cơ một cầu thủ nói điều gì đó mà sau này anh ta sẽ phải hối tiếc”. Premier League áp dụng quy chế này từ mùa giải 2004-2005.
Việc Luiz Suarez từ chối bắt tay Patrice Evra đã gây ra cả một cuộc tranh cãi dữ dội ở Premier League mùa giải trước
“Một cái bắt tay không có nghĩa là tất cả mọi người đều yêu mến nhau”, Giám đốc điều hành Premier League, Richard Scudamore, đưa ra một giải thích thực tế hơn. “Cái bắt tay nói lên rằng dù cho điều gì xảy ra bây giờ và trong 90 phút tiếp theo, hãy chơi một trận bóng đá. Ý nghĩa biểu tượng chỉ có vậy, và đó là lý do tại sao chúng tôi muốn nghi thức này tiếp tục”.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học thể thao người Anh Andy Brownrigg cho rằng ý định tốt đẹp ban đầu của FIFA đã phản tác dụng: “Hãy nhìn cách các cầu thủ xếp hàng bắt tay nhau, họ không làm điều đó với sự tôn trọng. Và ai có thể trách họ? Các huấn luyện viên vừa khiến họ đầy sát khí cho một trận đấu lớn. Họ không ra đó để kết bạn với ai hết, mà để chiến đấu”.
Tệ hơn, sự đụng chạm cơ thể có thể là dịp để các cầu thủ xúc phạm nhau ngay từ trước khi trận đấu bắt đầu. “Bạn hoàn toàn có thể sử dụng cái bắt tay để khiêu khích đối phương, siết chặt xem ai mạnh hơn chẳng hạn, hoặc để thể hiện thái độ coi thường, bắt hờ hững và không nhìn vào mắt người được bắt tay. Một đội bóng cũng có thể dùng cái bắt tay để khiêu khích một cầu thủ cụ thể, dễ bị kích động, với hàng loạt cái bắt tay như thế. Hãy nhớ lại Rio Ferdinand đã trở nên kích động thế nào sau khi Suarez từ chối bắt tay Evra, anh ta suýt nữa thì bị đuổi khỏi sân ngay sau hồi còi khai cuộc. Từng là cựu cầu thủ, tôi có thể hiểu được điều đó”.
“Ở các hạng dưới, mọi chuyện có thể còn tệ hơn”, cầu thủ giấu tên ở trên nói. “Tôi biết ở League One, có một cầu thủ khi đá trên sân khách, cứ bắt tay một cầu thủ đối phương, anh ta lại kèm theo một câu chửi, từ “đồ chó”, cho tới “thằng khốn nạn”, hay “sang năm mày sẽ ra đứng đường thôi””.
Các thầy cũng miễn cưỡng
Cầu thủ thấy phiền toái với việc bắt tay cả 11 người mà mình sẽ chặt chém, kích động và mong cho thua cuộc trong suốt 90 phút sau đó, nhưng huấn luyện viên cũng không thích thú gì với nghi thức này, dù thường họ chỉ phải bắt tay với một người, huấn luyện viên đối địch.
Ở Tây Ban Nha, huấn luyện viên của Real Madrid, Jose Mourinho, và kình địch cũ của ông ở Barcelona, Pep Guardiola, tuy bắt tay nhau, nhưng chỉ là hờ hững, lạnh lùng và cho xong chuyện, hiếm khi nào nhìn mặt nhau lúc bắt tay và người này luôn tìm cách chờ đợi, câu giờ để buộc người kia đưa tay ra trước.
Một vấn đề khác phát sinh với các huấn luyện viên: họ phải bắt tay bao nhiêu người sau khi kết trận. Huấn luyện viên Arsene Wenger từng than phiền về nghi thức này sau thất bại 1-2 của Arsenal trước kình địch cùng thành phố Tottenham tháng 10 năm ngoái, khi ông từ chối bắt tay một thành viên trong ban huấn luyện Spurs, Clive Allen. “Tôi đã bắt tay với huấn luyện viên và trợ lý huấn luyện viên”, Wenger giải thích. “Tôi phải bắt tay bao nhiêu người đây? Có luật cho chuyện đó không vậy?” Nhưng Allen vẫn nổi giận: “Ông ấy nói không thấy tôi, nhưng thực ra là ông ấy chỉ coi tôi là cái mắc áo”. Dù không có luật chính thức cho các huấn luyện viên, việc họ từ chối bắt tay sau trận sẽ luôn lên tít báo trong ngày hôm sau.
Với tất cả ngần ấy rắc rối, nên chăng đã tới lúc các nhà điều hành bóng đá nghĩ lại về việc coi bắt tay là một nghi thức bắt buộc trước và sau trận đấu?
Trần Trọng
Một lịch sử lâu đời Tầm quan trọng về mặt tâm lý, lịch sử và xã hội học của những cái bắt tay là không thể coi thường. Bắt tay được cho là khởi nguồn từ thế kỷ năm trước công nguyên, biểu hiện một cam kết về hòa bình: rằng những người bắt tay không mang theo vũ khí. Các sách vở về kinh doanh và nghi thức xã giao đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cái bắt tay: quá mạnh sẽ khiến bạn bị coi là thô lỗ trong khi quá yếu sẽ bị coi là không thành thật. Bắt tay lầm người có thể tạo ra một thảm họa về ngoại giao, như khi cố thủ tướng Anh Neville Chamberlain bắt tay với nhà độc tài phát-xít Adolf Hitler ngay trước thế chiến thứ hai. Mới hơn, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị chỉ trích dữ dội với cái bắt tay bị coi là “khúm núm” khi ông cúi mình quá thấp trước Nhật hoàng Akihito. Bắt tay với một kẻ cựu thù được coi là biểu hiện của hòa giải và tha thứ, như giữa Nelson Mandela và tổng thống Nam Phi thời apertheid, FW de Klerk, hay mới đây, giữa Nữ hoàng Anh Elizabeth và cựu lãnh đạo IRA, Martin McGuinness. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất