Trung Quốc: Phát hiện lăng mộ Tào Tháo

30/12/2009 09:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tương truyền, Tào Tháo (155 - 220) đã xây 72 ngôi mộ cho chính mình để đánh lừa những kẻ đào trộm mồ mả. Tuy nhiên theo các nhà sử học, đó chẳng qua chỉ là chuyện do dân gian “sáng tác” nhằm tô vẽ cho tính đa nghi nổi tiếng của Tào Tháo được mô tả rất sinh động trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Tam Quốc diễn nghĩa. Giờ đây, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã có bằng chứng để khẳng định điều đó.


 Nhân vật Tào Tháo trong phim Xích Bích
Các nhà khảo cổ Trung Quốc tin rằng họ đã phát hiện ra lăng mộ Tào Tháo ở Xigaoxue, một ngôi lan g thuộc huyên An Dương, tỉnh Hà Nam. Ngôi mộ này được xây một cách đơn giản như tư liệu lịch sử đã mô tả.


“Cuộc khai quật đã được tiến hành gần một năm và chúng tôi còn phải tiếp tục công việc. Nhưng dựa vào những gì đã tìm được, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là mộ của Tào Tháo”- ông Guan Quiang, Phó ban Bảo tồn di sản văn hóa thuộc Cục Di sản văn hóa Trung Quốc (SACH), thông báo tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh.

Tại lăng mộ nói trên, các chuyên gia đã tìm thấy hài cốt của một người đàn ông và hai phụ nữ . Giới nghiên cứu cho rằng người đàn ông đó chính là Tào Tháo và người phụ nữ lớn tuổi là vợ của ông. Bà này qua đời năm 230 và được chôn trong lăng mộ của Tào Tháo cùng với một nữ tỳ trung thành.

Ngôi mộ này được phát lộ hồi tháng 12 năm ngoái khi công nhân của một lò nung gần đó đào đất để đóng gạch. Tuy nhiên, họ không báo cáo với chính quyền và các nhà chức trách chỉ để ý sau khi thu giữ từ tay bọn trộm mộ một phiến đá có khắc ba chữ “Ngụy Vũ Vương” - danh xưng được đặt cho Tào Tháo sau khi ông qua đời.


Một phần lăng mộ của Tào Tháo

Trong một năm qua, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 250 di vật trong ngôi mộ gồm hai căn phòng nằm trên diện tích 740m2. Trong số đó có nhiều bức tranh bằng đá khắc họa đời sống xã hội thời Tào Tháo sống, một số phiến đá liệt kê những vật hiến tế và vật dụng cá nhân được chôn theo người chết. Trên một chiếc gối đá có khắc dòng chữ mang nghĩa “Vật dụng cá nhân thường được Ngụy Vũ Vương dùng”.

Lăng mộ này đã bị trộm đột nhập nhiều lần trước khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật. Ông Hao Benxing, chuyên viên thuộc Sở Di sản văn hóa tỉnh Hà Nam, khẳng định: “Rõ ràng ngôi mộ này được xây với quy mô hoàng gia. Đường hầm 40m dẫn tới cổng mộ là một ví dụ”.


Thực tế cho thấy ngôi mộ được xây dựng và hoàn tất trong điều kiện khắc nghiệt. Điều đó trùng khớp với tư liệu lịch sử viết rằng Tào Tháo đã ra lệnh xây mộ ông “trên vùng núi không thể canh tác được, không có gò hình kim tự tháp hoặc trồng bất cứ thứ cây gì trên đó và không để báu vật, vàng hay ngọc bích trong mộ”, ông Hao cho biết thêm.

Vị trí của ngôi mộ chỉ cách Yecheng (huyện Linzhang, tỉnh Hà Bắc ngày nay) vài km mà theo lịch sử, đây là trung tâm chính trị của nước Ngụy. Ở Yecheng, Tào Tháo cho xây dựng lầu Đồng Tước nổi tiếng, nơi các nghệ sĩ trình diễn để mua vui cho khách của ông trong những buổi yến tiệc.


Các di vật được tìm thấy trong lăng mộ Tào Tháo

Trước khi qua đời ,Tào Tháo nói rằng muốn ngôi mộ của mình được xây ở nơi mà con cháu từ lầu Đồng Tước sẽ dễ dàng nhìn thấy bất cứ lúc nào họ nhớ tới ông và hồn của ông có thể thưởng thức các buổi múa hát từ đó. “Các phiến đá có khắc những dòng chữ ám chỉ đến Tào Tháo sau khi ông đã qua đời là minh chứng thuyết phục nhất. Làm sao có một người nào khác lại sở hữu các di vật khắc chữ ám chỉ Tào Tháo nhiều đến vậy, trừ khi đó chính là Ngụy Ngũ Vương”, ông Liu Qingzhu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc khẳng định.

Các chuyên gia nhất trí rằng cuộc khai quật lăng mộ mới chỉ ở giai đoạn đầu và việc nghiên cứu sâu hơn nữa sẽ chứng minh tầm quan trọng của phát hiện này nếu xét tới vai trò quan trọng của Tào Tháo trong lịch sử Trung Hoa.

Là người xây dựng nên vương quốc hùng mạnh và thịnh vượng nhất thời Tam Quốc, Tào Tháo, tự Mạnh Đức, được nhớ đến như một tài năng chính trị và quân sự nổi bật, nhiều mưu mô. Ông cũng nổi tiếng tàn bạo và hết sức đa nghi.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm