Nghi án 'gạ tình' liên quan tới Phạm Anh Khoa: Ăn thua ở... bằng chứng

08/05/2018 07:02 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm vụ việc vũ công Phạm Lịch tố ca sĩ Phạm Anh Khoa “gạ tình” đang có diễn biến phức tạp, nhiều người đã nhắc tới khả năng 2 gương mặt này sẽ phải nhờ tới pháp luật để can thiệp.

Liệu Phạm Anh Khoa có thể kiện Phạm Lịch tội vu khống như anh tuyên bố trên trang facebook cá nhân? Phạm Lịch có thể dùng những chứng cứ gì để chứng minh điều mình nói là đúng trước pháp luật? Đó là những câu hỏi mà Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đặt ra trong cuộc trao đổi với thạc sĩ, luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng Văn phòng luật sư Huy An.

Chú thích ảnh
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Huy An, Trưởng Văn phòng luật sư Huy An

Phức tạp vì... không có nhân chứng

Cách đây ít ngày, biên đạo múa Phạm Lịch viết status dài trên trang cá nhân tố ca sĩ Phạm Anh Khoa gạ tình, lợi dụng lúc chỉ có hai người tập luyện cho chương trình Trời sinh một cặp, “Anh Khoa có những lời lẽ khiêu khích và hành động gợi mở về những vấn đề tình dục”. Phạm Lịch cũng kể chi tiết những cuộc trò chuyện, trong đó Phạm Anh Khoa dùng những lời lẽ tục tĩu khiến cô bị ám ảnh.

Không có ai làm chứng vì sự việc xảy ra khi chỉ có hai người, thế nên những lời kể từ chính người trong cuộc là Phạm Lịch khiến dư luận bán tín bán nghi. Dù vậy, khi trả lời Thể thao và Văn hóa, Phạm Lịch cho rằng cô có đủ bằng chứng chứng minh Phạm Anh Khoa gạ tình.

Chú thích ảnh
Anh Khoa và Phạm Lịch trong “Trời sinh một cặp”

Để chứng minh lời mình nói là thật, Phạm Lịch cần có những bằng chứng gì? Về điều này, luật sư Nguyễn Huy An cho biết, pháp luật không có quy định về “bằng chứng” mà chỉ có quy định “chứng cứ”, có thể căn cứ vào Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật tố tụng hình sự (là 02 văn bản pháp luật có quy định khá rõ về chứng cứ). Trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, quy định về chứng cứ tại Điều 93; Nguồn chứng cứ tại Điều 94; và Xác định chứng cứ tại Điều 95. Trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quy định Chứng cứ tại Điều 86, Nguồn chứng cứ tại Điều 87 và Thu thập chứng cứ tại Điều 88.

Theo đó, chứng cứ là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật quy định. Chứng cứ có được thu thập từ các nguồn sau: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; Vật chứng; Lời khai của đương sự; Lời khai của người làm chứng; Kết luận giám định; Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ...

Căn cứ vào quy định nêu trên sẽ có những “tham chiếu” nhất định khi Phạm Lịch cung cấp những tài liệu để có thể được thừa nhận là “chứng cứ”. Luật sư Nguyễn Huy An cho hay: “Chỉ khi Phạm Lịch gửi đơn ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sau đó không chứng minh được hành vi thì có quyền xem xét hành vi vu khống”.

Phía nam ca sĩ Phạm Anh Khoa, anh phủ nhận những cáo buộc từ Phạm Lịch và cho rằng nữ vũ công có những cáo buộc gian dối, mang tính suy diễn vô căn cứ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Phạm Anh Khoa có thể kiện Phạm Lịch tội vu khống như anh tuyên bố?

“Phạm Anh Khoa có quyền kiện dân sự để lấy lại nhân phẩm, yêu cầu Phạm Lịch phải xin lỗi anh trước công chúng và nếu có đủ chứng cứ thì Phạm Lịch có thể sẽ bị xử lý hành chính”, luật sư Huy An cho biết. Theo diễn biến mới của vụ việc, có thêm vũ công Nga My đưa ra những tin nhắn “tố” Phạm Anh Khoa rủ đi khách sạn lúc đêm muộn. Theo luật sư Nguyễn Huy An, phải đọc nội dung tin nhắn và đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định mới có thể đánh giá được tính chất của tin nhắn và mục đích của người nhắn tin.

“Các bên có quyền đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh...”

Theo luật sư Nguyễn Huy An, pháp luật Việt Nam không có quy định về “gạ tình”. Anh cho biết: “Pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục ở Việt Nam chưa được đầy đủ, hoàn thiện so với quy định của các nước trên thế giới và điều này là do những khác biệt về văn hóa, lối sống...

Trước đây đã từng có một Nghị định về nội dung phòng, chống quấy rối tình dục là Nghị định 167/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người có một trong những hành vi như: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Vụ việc Phạm Lịch – Phạm Anh Khoa, luật sư Huy An nói: “Tôi cho rằng, các bên có quyền đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, điều tra để xem xét và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo chí không nên đưa ra những nhận xét, đánh giá khi chỉ dựa trên thông tin một chiều”.

Anh Huy An cũng chia sẻ thêm rằng: “Việc đối phó, phòng chống “gạ tình”, quấy rối tình dục là kỹ năng sống của mỗi người, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng có cách ứng xử cho phù hợp. Cơ bản là không tạo điều kiện để có thể đưa mình vào tình huống bất lợi”.

Nga My 'tố' Phạm Anh Khoa quấy rối: Mẹ vũ công lo lắng, vẫn ủng hộ con nói lên sự thật

Nga My 'tố' Phạm Anh Khoa quấy rối: Mẹ vũ công lo lắng, vẫn ủng hộ con nói lên sự thật

Mẹ của Nga My khẳng định, nữ vũ công đã bị Phạm Anh Khoa nhắn tin quấy rối từ lâu nhưng im lặng, cho tới khi thấy Phạm Lịch bắt đầu chia sẻ câu chuyện thì cô mới lên tiếng...

Anh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm