LH Múa đương đại Á - Âu 2012: "Món lạ" đến từ Đức

30/09/2012 09:43 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Sau lần ra mắt đầu tiên năm 2011, trước sự ủng hộ của công chúng đến chật cứng khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ, năm nay Liên hoan Múa đương đại 2012 tiếp tục đến với khán giả trong 2 đêm (28-29/9).Giới trong nghề và công chúng một lần nữa lại háo hức đón chờ những tác phẩm nghệ thuật mới để có thêm những trải nghiệm về một loại hình nghệ thuật vốn chưa thực sự là "món ăn" quen thuộc trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. 

Năm 2011, Liên hoan Múa đương đại Á - Âu dự kiến sẽ có 6 nước tham gia. Tuy nhiên, đến phút cuối, chỉ còn lại 3 nước là Đức, Bỉ và Việt Nam do vấn đề về kinh phí. Năm nay Liên hoan cũng chỉ gồm 3 nước này.



Cảnh trong vở Kiếm khẩu súng

Mục đích của mỗi kỳ liên hoan vẫn là sự giao lưu, gặp gỡ Đông – Tây nhưng năm nay, các vở múa được trình diễn ở hình thức độc lập đã thể hiện được những "gu" thẩm mỹ khác nhau và mang tính đối thoại cao của từng quốc gia. Và với tiêu chí mỗi năm phải có tác phẩm mới của nghệ sĩ mới, Liên hoan Múa đương đại 2012 có Lamento (Bỉ), Kiếm khẩu súng (Đức) và Dấu trừ (Việt Nam).

"Khám phá" bệnh mất trí nhớ bằng múa

Có thể nói, các đề tài nghệ thuật mà Viện Goethe đem sang Việt Nam qua các chương trình văn hóa, sự kiện, không riêng gì múa, mà ở các loại hình khác như điện ảnh đều rất chú trọng đến tính xã hội. Ở vở múa Kiếm khẩu súng cũng vậy. Với đề tài nói về nỗi lo lắng, sự sợ hãi của căn bệnh mất trí nhớ ở người lớn tuổi, nhưng biên đạo múa Helena Waldmann lại không nhìn ở khía cạnh tiêu cực của bệnh tật mà hướng đến những “khám phá” đằng sau căn bệnh này.

Bà cho biết: "Tôi nhận ra mất trí đôi khi còn là sự tự do và người ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui với cuộc sống mới trong chính sự tự do quên lãng ấy. Vì thế, chúng ta đừng lôi kéo những người mất trí trở lại với thực tại khi điều đó là không thể mà hãy bước chân vào thế giới của họ để trải nghiệm, để thấy được đôi khi mất trí cũng như tự do - đó là khoảnh khắc tích cực mà người bình thường không có được". 

Có khi nào bạn tự đặt ra cho mình câu hỏi, nếu một ngày bạn bị mất trí, thì bạn sẽ làm gì không? Đã có nhiều người nói rằng, nếu tôi bị bệnh mất trí thì thà chết còn hơn, nó cũng giống như, nếu tôi bị căn bệnh này thì thà tôi đi kiếm cho mình một khẩu súng cho xong. Đó cũng là lý do mà Helena Waldmann đã đặt tên cho tác phẩm của mình một cách khá ẩn dụ là Kiếm khẩu súng.

Kiếm khẩu súng được trình diễn trên sân khấu rất cuốn hút bởi những hình ảnh giàu cảm xúc về một người phụ nữ đang sống trong nỗi lo lắng, sự sợ hãi khi mắc bệnh mất trí, với chất liệu là những động tác của ballet cổ điển được biểu đạt theo cách mới, một số khoảnh khắc biểu đạt của diễn viên múa đã gây nên sự hoảng sợ cho chính khán giả.

Thêm một điểm nhấn cho vở múa này, khi biên đạo múa Helena Waldmann sử dụng chính những giọng nói của người bệnh hay những thông tin nghiên cứu khoa học trong các thước phim tài liệu về căn bệnh mất trí cho phần âm nhạc. Một vở múa không chỉ có múa, âm nhạc mà còn chứa đựng nhiều thông điệp giá trị sâu sắc về con người đã giúp Kiếm khẩu súng trở thành một trong 10 vở múa quan trọng nhất năm 2011 của Đức.

Dấu trừ của Việt Nam 

Nếu hai nước bạn đem đến những sản phẩm còn khá mới ( Lamento - tháng 5/2012, Kiếm khẩu súng - 2011) thì Việt Nam lại "tái diễn" vở Dấu trừ (biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh) - tác phẩm từng được ra mắt công chúng tháng 1/ 2010.

Vở múa có đề tài khá trừu tượng (thể hiện nhịp điệu sống của mỗi cá thể trong đời sống công nghiệp), chứa đựng những yếu tố của múa đương đại ở khắp nơi trên thế giới nên đòi hỏi sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ trong tư duy liên tưởng để có thể cảm nhận được tác phẩm.

Khi được hỏi, đưa một tác phẩm không mới, không mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, thậm chí là mang hơi thở đương đại từ chất liệu đến ngôn ngữ thể hiện vào một liên hoan như vậy, thì tính giao lưu sẽ nằm ở đâu? TS Phạm Anh Phương - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho rằng, giao lưu ở đây là một khái niệm rộng. Không nhất thiết phải là những tác phẩm múa đương đại “thuần” chất Việt (biên đạo, diễn viên hay cả ý tưởng đều là người Việt Nam). Quan trọng là qua những lần biểu diễn giao lưu, những nghệ sĩ của chúng ta học hỏi được gì để tiếp tục phát triển loại hình múa này ở Việt Nam.

Dù sao, ở liên hoan năm nay, bên cạnh được xem lại một lần nữa Dấu trừ, khán giả vẫn có thể so sánh đối chiếu về những tương đồng và khác biệt giữa những nền văn hóa khác nhau qua 2 tác phẩm mới của nước bạn.

Lamento - cảm hứng từ vở opera đã thất lạc

Vẫn ở hình thức múa độc diễn và chủ đề tình yêu, năm nay, Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Bì) gửi đến Liên hoan vở Lamento với hình tượng về một người phụ nữ đầy tâm trạng khi bị bỏ rơi trong tình yêu. Đây là tác phẩm được biên đạo dựa trên đoạn âm nhạc duy nhất còn tìm thấy của vở opera bị thất lạc Arianna của Monteverdi, có đặc trưng với chất liệu cổ điển được "bảo lưu" trong nghệ thuật múa đương đại, những chuyển động của cơ thể có sự kết hợp chặt chẽ với âm nhạc. Tác phẩm dài 50 phút nhưng tại Việt Nam, nó rút gọn còn 4 trích đoạn.

Lam Ngọc


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm