Nghệ thuật 'điều trị' nỗi cô đơn cho trẻ tự kỷ

09/05/2014 14:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm 'Câu chuyện của Nem' tại Hà Nội, với các bức tranh của một em nhỏ tự kỷ 9 tuổi có biệt danh Nem, đưa ra gợi ý cho các bậc phụ huynh: nghệ thuật có thể đánh thức tâm hồn trẻ tự kỷ.

Triển lãm khai mạc chiều 8/5 tại trung tâm KAI Art, Nghi Tàm (Hà Nội), do 2 trung tâm hoạt động cộng đồng và hội phụ huynh trẻ tự kỷ tổ chức. Đây là triển lãm hiếm hoi phơi bày cuộc sống vốn ít được xã hội biết đến của thiếu nhi tự kỷ, thông qua trường hợp cậu bé Nem, tên thật là Hà Đình Chí.

Nem sinh ngày 2005 tại Hà Nội trong một ca đẻ non 4 tuần, nặng 2,3 kg, mắc chứng tự kỷ bẩm sinh. Cậu không thể nói khi lên 5, đến tuổi thứ 9 vẫn gặp khó khăn trong giao tiếp. Việc cậu đam mê được bố mẹ khám phá ra và khích lệ vào năm 2010. Chị Nguyễn Lan Phương, mẹ Nem, và nhiều bà mẹ của các em nhỏ tự kỷ khác gọi đây là “Art Therapy” (Điều trị bằng nghệ thuật).


Nem đọc sách về hội họa trong góc riêng tại triển lãm.

Nem không chỉ là tác giả các bức tranh trong triển lãm (từ các bức nhỏ vẽ bằng chì màu và các bức rất lớn vẽ bằng acrylic), cậu bé còn trở thành nhân vật của triển lãm khi có cả một bộ ảnh và nhiều thước phim ghi lại đời sống thường nhật của cậu. Rất đông báo chí tham dự triển lãm có thể thoải mái chụp ảnh cậu bé ngồi chơi, đọc sách trong căn phòng nhỏ có tên “Góc của Nem”.

Điểm đặc biệt trong tranh của Nem là cậu biến các chữ cái thành hình ảnh. Điều này xuất phát từ việc dường như Nem học mọi thứ trong cuộc sống từ hình ảnh. Từ khi cậu 2 tuổi, mẹ cậu bé vẽ lên giấy từng bước đi vệ sinh để cậu học theo. Đến khi Nem học chữ, mẹ cũng dùng cách vẽ để diễn đạt các ý nghĩa của từ ngữ cho cậu.


Cậu bé vẽ tại nhà.

Chính vì thế, Nem dần được truyền bản năng diễn đạt và giao tiếp với thế giới bằng hình ảnh. Vẽ dần trở thành một niềm đam mê và phương thức giao tiếp đặc biệt. Các bức tranh của Nem không dễ hiểu, người xem phải hỏi nhau “Đây là gì?” hoặc hỏi các họa sĩ đến xem triển lãm. Nhưng, nếu các bức vẽ dễ hiểu đến thế thì trẻ tự kỷ đã không cô đơn.

Trẻ tự kỷ vốn rất cô đơn và rất khó kết bạn. Xã hội hoặc chỉ thương hại các em hoặc bỏ rơi các em trong quá trình phát triển vì các em không đáp ứng được những yêu cầu mà cuộc đời đặt ra. Chỉ có các bậc phụ huynh, như chị Lan Phương, vẫn không ngừng cố gắng, để đưa con mình đến với xã hội. Chị cho Nem làm quen với ống kính khi để máy ảnh, máy quay ghi lại cuộc sống sinh hoạt, vui chơi của cậu bé và đưa Nem trở thành tấm gương điển hình.


Tranh vẽ nét, nội dung “7x1=7”

Triển lãm của Nem gợi nhớ triển lãm tranh Kiệt - một năm tự do của tác giả 9 tuổi Vũ Tuấn Kiệt năm 2012. Kiệt cũng là một em nhỏ đặc biệt khi chọn vẽ các đề tài thường không dành cho lứa tuổi của em: các bộ phận sinh dục nam nữ, đô thị hóa nông thôn. Nhiều người xem tranh nghĩ người vẽ phải 20 hay 30 tuổi.

Điểm chung của Nem và Kiệt là đều là những em nhỏ có những điểm tách biệt với cộng đồng. Nem là một trẻ tự kỷ được cho đi học bình thường và hỗ trợ hòa nhập, còn Kiệt lại không đi học ở trường mà tự học ở nhà và tự khám phá các tiềm năng của mình.


Tranh Nem nhiều chi tiết hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Trong tranh là kim tự tháp vẽ bằng bột màu.

Tranh tĩnh vật lọ hoa.

Hạ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm