Nghệ thuật “bẫy” trọng tài

24/03/2011 12:40 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Một vòng đấu đến 7 quả phạt đền, trong đó 6 quả trọng tài (TT) thổi đội khách, đấy là một hiện tượng không bình thường. Trong 7 tình huống đó, có mấy quả TT bị đánh lừa và có cầu thủ nào mở cờ trong bụng vì đã cho “vua” ăn quả đắng?

1.  Đánh lừa TT luôn là khoái cảm đối với các cầu thủ. Nếu thành công, nhất là kiếm được quả phạt đền hay khiến đối phương bị đuổi khỏi sân, thì giá trị càng cao.

Giờ đây, bất chấp việc FIFA khuyến cáo sẽ phạt nặng những cầu thủ nuôi âm mưu biến trọng tài thành gã khờ, nhưng không vì thế mà làm chờn lòng các kịch sĩ sân cỏ ở mọi giải đấu. Đành rằng đấy là một phần của bóng đá, nhưng hậu quả cũng như sự phản thẩm mỹ của nó đã khiến cho dư luận rất bất bình, nhiều hơn là chia sẻ những màn đóng kịch thành công.

Trong những khóa tập huấn, bản thân HĐTT QG cũng chú trọng nhắc nhở quân mình về việc kiên quyết xử mạnh tay với những hành động giả vờ.

Nhưng mạnh tay là ở mức độ nào? Thông thường, khi cầu thủ giả vờ té ngã trong vòng cấm, luật chỉ cho phép rút thẻ. Nếu anh ta đã nhận một thẻ vàng thì trường hợp tha bổng là thường xuyên. Còn lại, nếu thành công, nạn nhân (đội bóng) kêu réo, HĐTT QG cùng BTC tiến hành mổ băng, chỉ mỗi TT bị kỷ luật nếu như nhận định sai còn các đội thì lĩnh đủ.

Trình độ đóng kịch của cầu thủ VN không thể bằng siêu sao nước ngoài, thậm chí rất phô. Tuy nhiên, lúc nào có thể, bằng mọi cách, họ đều nỗ lực qua mặt TT nhằm mang về lợi ích cho đội bóng của mình.

2. Một vòng đấu đến 7 quả phạt đền, trong đó 6 quả TT thổi đội khách, đấy là một hiện tượng không bình thường. Nó nói lên một điều rằng tâm lý ưu ái chủ nhà vẫn tồn tại với TT VN.

Các cầu thủ ĐT.LA phản đối TT Võ Quang Vinh vì quyết định cho HA.GL được hưởng quả phạt 11m trong trận đấu giữa 2 đội ở vòng 7. Ảnh: T.H

Trên sân Chi Lăng, sau trận trả lời báo chí, TT Võ Minh Trí thừa nhận 3 quả phạt đền trong 1 trận đấu là khá nhiều. Nhưng có lẽ ông cũng nhận ra, sau 2 tình huống được hưởng 11m, rất nhiều cầu thủ chủ nhà SHB.ĐN thường xuyên đi bóng lắt nhắt trong vòng cấm và luôn tranh thủ “ngã” khi có thể để mong được hưởng 11m. SHB.ĐN đã có thêm 2 cú ngã rất “ngọt” ở hiệp 2, nhưng ông Trí đã không chỉ tay vào chấm phạt đền.

Có 1 chi tiết không phải ai cũng biết là trước trận quyết chiến gặp K.KH, ngày nào trong các buổi tập, có 3 cầu thủ SHB.ĐN cũng nán lại để luyện mỗi quả phạt đền là Thanh Hưng, Nicolas và Merlo. Hẳn họ rất tự tin sẽ kiếm được phạt đền ở trận này!?

Ban Kỷ luật đã nhiều lần soi lại băng để phạt nguội những lỗi như bạo lực. Vậy thì, họ vẫn có thể đưa ra những mức án tương tự đối với trường hợp đánh lừa TT, gây hậu quả nghiêm trọng và tác động xấu đến uy tín của giải đấu, của bóng đá nước nhà.

Cầu thủ VN tuy diễn kịch không siêu, nhưng cũng lắm trò. Những chiêu phổ biến nhất là réo tên người thân đối thủ ra chửi, hoặc phun nước bọt, nhằm vào chỗ kín… Nếu không bình tĩnh, cầu thủ bị chơi xấu dễ cáu lên mà sử dụng tay chân để dạy đối phương và rồi lĩnh thẻ đỏ của TT. 

Cầu thủ VN, kể cả trẻ, việc đóng kịch được coi là một phần trong những giờ “lên lớp” của các HLV. Với cơn mưa thẻ đỏ và đủ thứ tiểu xảo nhằm qua mắt TT đang bùng phát, nếu ban Kỷ luật của ông Nguyễn Hải Hường soi lại băng và sử dụng biện pháp phạt nguội với các “kịch sỹ”, có khi sẽ rất hữu dụng ở phương diện răn đe cầu thủ và góp phần giúp cuộc chơi công bằng hơn.

Mặt khác, bản thân các TT cũng phải có năng lực “ngửi” được trận đấu, nhất là nửa cuối lượt về, khi không phải đội nào cũng có khát vọng, thậm chí đá giả. Lúc đó, không còn  phương thức nào hữu hiệu hơn là biến TT thành “cái bị” để trút bỏ trách nhiệm.

Trong nhiều trường hợp, nếu thiếu năng lực “ngửi” trận đấu, TT dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân của những trò mèo một cách bi hài là thế.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm