08/10/2016 16:48 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Body/Play/Politics khai mạc đầu tháng 10 tại Bảo tàng nghệ thuật Yokohama, Nhật Bản, giới thiệu những tác phẩm quan trọng của 6 nghệ sĩ đương đại tên tuổi. Họ gồm Yinka Shonibare MBE, Yee I-Lann, Apichatpong Weerasethakul, Ishikawa Ryuichi, Tamura Yuichiro, và Ưu Đàm (nghệ danh quốc tế: UuDam Tran Nguyen). Hoàn toàn có thể khẳng định đây là một triển lãm tầm cỡ thế giới.
Những nghệ sĩ này đến từ châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á và Nhật Bản. Tác phẩm của họ đầy chất thơ, sự hài hước, tự sự và châm biếm.
Trước đây Ưu Đàm (sinh 1971 tại Kon Tum) cũng từng làm sắp đặt bằng bóng khí (inflatable sculptures) tại TP.HCM và quay thành phim Rồng rắn lên, phim này cũng được chiếu tại triển lãm lần này. Lần này anh thực hiện một tác phẩm sắp đặt với 12 xe gắn máy tại chỗ và hơn 150 tác phẩm điêu khắc bóng khí, sẽ hoạt động liên tục trong suốt 3 tháng. Đây sẽ là một thử thách lớn về mặt kỹ thuật với Ưu Đàm cùng các trợ lý, và cả những chiếc xe máy.
Tất cả các điêu khắc thổi bóng khí này đều được làm bằng tay từ Việt Nam, nó gồm nylon và plastic nhiều màu sắc. Khi bày xong, nó chiếm một không gian lớn của tầng 2 và tầng 1 của Bảo tàng nghệ thuật Yokohama. Thường thì các bảo tàng rất tiết kiệm không gian và các khoản chi tiêu, lần này họ bao trọn gói cho Ưu Đàm cùng 2 trợ lý là Lưu An và Phan Huy Long đến Yokohama trước 15 ngày để lắp ráp, lại dành cả hai tầng cho tác phẩm, chứng tỏ họ đánh giá rất tích cực.
Ưu Đàm (đeo kính) đang hoàn thiện tác phẩm tại Bảo tàng nghệ thuật Yokohama
Ưu Đàm kể anh đến với triển lãm này cũng khá tình cờ. Năm 2013 tại Singapore Biennale, giám tuyển Nguyễn Như Huy giới thiệu anh với một giám tuyển trẻ người Nhật là Eriko Kimura. Cô đã rất thích tác phẩm Vũ điệu của các kỵ sĩ máy, nên khi về Nhật, cô viết một bài bình luận về nó. Đầu năm 2016, Eriko Kimura đến Brisbane (Australia) để xem tác phẩm APT8 và tác phẩm Rồng rắn lên của Ưu Đàm, cô rất thích, nên chính thức mời tham gia triển lãm Body/Play/Politics với tác phẩm Rồng rắn lên.
Ưu Đàm cho biết thêm: “Tôi nhận lời mời này và thuyết phục cô cho chiếu thêm phim Vũ điệu của các kỵ sĩ máy và Rồng rắn lên cùng lúc, vì nó ăn xăm với nhau. Theo cách nghĩ của tôi, Vũ điệu của các kỵ sĩ máy là lớp da, còn trong Rồng rắn lên là phía dưới của lớp da đó. Eriko Kimura đồng ý, mặc dù Vũ điệu của các kỵ sĩ máy đã và đang được chiếu ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Tôi rất vui vì đây là lần đầu tiên cả hai tác phẩm được chiếu cùng một lúc trong một không gian”.
Còn tại sao lại là xe gắn máy? Ưu Đàm giải thích: “Mỗi khi nhìn thấy xe máy là tôi có rất nhiều cảm hứng. Số lượng, nhịp điệu, sự đa dạng, tiếng xe, âm thanh tổng hợp, tiếng còi, tiếng nổ ống bô… Ngoài ra, hình ảnh người lái xe che cơ thể từ chân tới đầu cho tôi cảm giác họ là những kỵ sĩ bí ẩn. Tất cả những yếu tố đó làm tôi rất mê”.
“Tôi hình dung người lái xe máy ở Việt Nam là những kỵ sĩ của hôm nay. Ngựa sắt của họ không phun ra lửa mà phun khói. Họ không có áo giáp sắt nhưng có áo mưa và áo chống nắng. Thay vì dùng gậy sắt, họ dùng laptop và kiến thức để đi chiến đấu trong thị trường kiếm việc hàng ngày”.
Triển lãm kéo dài đến 14/12/2016. Tại đây còn có các tác phẩm thú vị của Yinka Shonibare, Yee I-Lann và Apichatpong Weerasethakul - người từng thắng nhiều giải tại LHP Cannes.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất