Nghệ sĩ Kế Đoàn: 'Tái xuất' với kịch câm vì... tự ái!

07/05/2013 13:38 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm không xuất hiện trên sân khấu, Đào Kế Đoàn - nghệ sĩ kịch câm cuối cùng của Hà Nội - vừa lên kế hoạch quay trở lại với bộ môn nghệ thuật này bằng một chương trình độc diễn đặc biệt.

Gọi "cuối cùng" thì đúng, gọi là duy nhất cũng không sai. Mỗi lần xuất hiện trên báo chí, anh chàng nghệ sĩ 50 tuổi này đều được… đính kèm với những cụm từ ấy, như một sự mặc định. Chua chát, nghệ sĩ Kế Đoàn còn tự trào rằng gọi mình là ông vua cũng được - vua của một vương quốc chẳng có cư dân nào.

Là học viên của lớp kịch câm Nhà hát Tuổi Trẻ (NHTT) đầu thập niên 1980, Kế Đoàn đã có một thời nổi đình đám cùng những Phúc Dĩ, Phương Phương, Dũng "câm", Bích Ngọc…- khi môn nghệ thuật này vào VN và sớm được khán giả hân hoan đón nhận. Rồi, cũng rất nhanh, nhanh hơn cả… kịch nói, kịch câm tuột thẳng xuống đáy, khi cuộc khủng hoảng của sân khấu bắt đầu. Lứa diễn viên kịch câm NHTT- những gương mặt có năng lực nhất miền Bắc - tan đi rất nhanh. Đến giờ, nếu không kể NSƯT Bích Ngọc đã chuyển sang lĩnh vực tổ chức biểu diễn, chỉ duy nhất Kế Đoàn còn hoạt động một cách cầm chừng ở bộ môn này.


Nghệ sĩ Kế Đoàn (áo đỏ) biểu diễn kịch câm tại Trường Sa

Nhiều năm nay tôi vẫn hoạt động kịch câm

* Hãy khoan nói về chương trình sắp tới. Trước hết, đâu là động lực để anh muốn "tái xuất" với kịch câm?

- Bảo tái xuất theo nghĩa có một chương trình đầy đặn, đầu tư nghiêm túc và có tính nghệ thuật cao thì đúng. Còn lại, trong nhiều năm nay, tôi vẫn hoạt động trong lĩnh vực này bằng việc tập huấn, dạy miễn phí cho các em khiếm thính, hoặc tham gia biểu diễn trong một số chương trình nhỏ. Bạn biết đấy, với những động tác cơ thể của nó, kịch câm hỗ trợ rất lớn cho việc diễn xuất - chứ không tự giới hạn trong phạm vi đặc thù của mình. Tôi dạy cho các lớp diễn viên, lớp MC, lớp người mẫu. Đi dạy cả khiêu vũ ở ngoài nữa, để có thể kiếm sống, biểu diễn và mở lớp miễn phí cho các em khiếm thính.

Tất nhiên, sống và làm nghề theo kiểu như thế cũng buồn. Theo thời gian, cái buồn, cái tự ái cứ tích tụ lại mãi, cho tới lúc mình đủ động lực để đưa ra quyết tâm. Còn nếu bắt buộc phải chọn một cái mốc, trước hết phải kể tới đêm độc diễn của nghệ sĩ Nhật Bản Naoki.

* Nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng Naoki sang VN biểu diễn 3 lần trong 3 năm qua. Anh muốn nói tới lần nào?

- Trong 2 lần gần đây nhất. Vào năm ngoái, tôi thán phục xen lẫn với tự ái - khi khán giả VN bị hút hồn vào các tiết mục độc diễn của Naoki. Hẳn bạn cũng hiểu cảm giác của tôi: nhìn một nghệ sĩ từ xứ khác tới, biểu diễn và được chào đón ngay tại NHTT - nơi mình cũng từng đến với kịch câm, từng thành danh và từng chìm xuống theo sự thăng trầm của nó.

Chắc anh Phúc Dĩ, anh Dũng "câm" hay Bích Ngọc cũng có cảm giác như tôi khi xem Naoki. Nhưng, các bạn ấy đều đã chuyển hoạt động sang những lĩnh vực khác và chỉ thỉnh thoảng "chơi" kịch câm cho đỡ nhớ nghề. Còn tôi, tôi vẫn là nghệ sĩ kịch câm của NHTT, vẫn đứng ra thành lập 2 lớp kịch câm, trong đó có 1 lớp cho trẻ em khiếm thính. Cũng đủ để thấy tự ái, cho cả mình và cho kịch câm Việt Nam.

* Còn ở lần biểu diễn mới nhất của Naoki?

- Một năm giữa 2 lần biểu diễn của Naoki, tôi cũng tập thêm và tìm hiểu lại các tư liệu về kịch câm hiện đại. Nói chung, tới lần Naoki trở lại, tôi đến xem với tâm thế tự tin và thoải mái hơn rất nhiều. Đủ tự tin, để so sánh và thấy rằng các chương trình độc diễn của Naoki hơn hẳn chúng ta về tiết tấu, bố cục, tính logic, cách dẫn dắt câu chuyện và tạo cảm hứng cho khán giả. Nhưng về kỹ thuật cơ bản, anh không vượt các nghệ sĩ VN quá nhiều. Thậm chí, về hình thể, tôi còn hơn Naoki cũng nên. Anh ấy dù sao cũng thấp và khá già, khá béo rồi (cười).


Nghệ sĩ Kế Đoàn biểu diễn tiết mục Thư tình người lính biển tại Trường Sa

Thử nghiệm kịch câm với cải lương, tuồng, chèo…

* Và như vậy là đủ để anh nghĩ tới "chương trình hành động" của mình?

- Không, tôi muốn kể thêm một câu chuyện khác nữa. Tháng 4 vừa rồi, tôi cùng một số anh em của NHTT ra biểu diễn phục vụ các chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa. Đó là ước mơ của tôi từ lâu rồi, sau lần đi "hụt" vào quãng năm 2000.

Tôi chuẩn bị khá kỹ. Tập lại vài tiết mục cũ, tự sáng tác thêm 3 tiết mục mới để làm hành trang mang ra Trường Sa. Rồi, lênh đênh trên biển, tôi lại tự sáng tác một tiết mục nữa. Biểu diễn, anh em chiến sĩ rất thích, còn tôi thì thấy thoải mái và tự tin hơn hẳn. Tự tin vì sự vồ vập và tình cảm của những khán giả đặc biệt ấy. Tự tin, cả với cái ý  nghĩ hơi trẻ con: anh em chiến sĩ ở giữa biển, đầy khó khăn về vật chất và tinh thần mà vẫn sống khoẻ, sống tốt để bảo vệ đảo. Còn mình, có nghề kịch câm, có 2 CLB trong tay, vậy sao không đủ dũng cảm để thử một lần vượt khó trong nghề? (cười).

* Nói chưa, nghĩa là trước đây cũng có lúc anh chán nản và buông xuôi với bộ môn kịch câm?

- Buông xuôi thì không, nhưng cũng không còn đủ nhiệt tâm, nhiệt thành với nghề. Bơ vơ một mình với nghề kịch câm, việc đó không dễ chịu gì trong suốt nhiều năm.Có lúc, tôi thấy mình như tụt xuống hố sâu, chẳng biết tìm cách nào để cùng món kịch câm của mình leo cao trở lại. Giống như báo chí các bạn, viết hàng chục bài về việc kịch câm chết hẳn rồi, nhưng gần như chưa bài nào chỉ ra nó phải… sống lại từ đâu.

Nhưng bây giờ thì tôi quyết rồi. Khó mấy cũng phải làm. Kế hoạch của tôi đây: tôi sẽ tự dàn dựng và tổ chức một chương trình độc diễn kịch câm, với khoảng 5, 6 tiết mục đặc biệt. Ở đó, trên cái nền chủ đạo là nghệ thuật kịch câm, tôi sẽ thử nghiệm "pha" thêm các yếu tố của sân khấu truyền thống như cải lương, tuồng, chèo... Nếu mọi chuyện suôn sẻ, tôi sẽ đăng ký để xin đưa chương trình này tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2013 tại Hà Nội vào cuối năm nay. Hiện tại, xin phép chỉ được thông tin đến thế.

* Xin cám ơn và chúc anh thành công với chương trình của mình.

Thực hiện Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm