06/09/2017 20:27 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuốn sách Có mẹ trong đời (nhiều tác giả, Phương Nam Book & NXB Phụ nữ) vừa phát hành, nghệ sĩ Mạc Can cho biết cứ nhìn thấy đồ đất nung là ông nhớ mẹ da diết. Nhân mùa lễ Vu lan báo hiếu, báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can về chữ hiếu và báo hiếu.
Vào đầu câu chuyện, ông chia sẻ: “Mỗi lần đi đâu mà thấy cái bếp lò ba cục gạch, con heo đất… là tui nhớ mẹ, vì mẹ gắn bó với những vật này cả cuộc đời. Tui còn nhớ như in, bữa cơm cuối cùng, khi về thăm mẹ, vẫn thấy mẹ kê ba cục gạch cũ mà nấu. Trên cái tủ nhỏ, mẹ vẫn giữ con heo đất mua từ hồi mới sinh tui. Đời mẹ tui tuy dài, đông con, nhưng chưa bao giờ có được một mái nhà, một căn bếp, một gia đình đúng nghĩa, nhưng mẹ vẫn an phận và vui sống. Tui học được ở mẹ sự an phận, dù đời thì cứ lênh đênh”.
* Ông đã ở tuổi cổ lai hy, vẫn sống cuộc đời không nhà, rày đây mai đó, vậy thì gia đình, mái ấm và ba mẹ trong lòng ông thế nào?
- Đời tui đã vậy rồi, sinh ra trên ghe, xuôi theo dòng nước, không nhà không quê, không trường không lớp, nên khi gần đất xa trời có trôi dạt cũng chẳng sao. Mà nghiệm lại, ba mẹ cũng không mấy thương anh chị em tôi, nên tụi tôi cứ tự nhiên mà sống như cây cỏ vậy. Ba tui còn không nhớ cả chuyện làm giấy tờ cho tui, không nhớ cả chuyện đưa con đến trường. Hồi mới tập tò viết văn, tui ngạc nhiên là mình cũng có đủ chữ để bày biện suy nghĩ ra trang giấy, dù sai chính tả và ngữ pháp tùm lum.
Tuy vậy, nhưng đến một lúc nào đó, tui tự nhiên thấy thương ba mẹ vô chừng. Nhớ hồi ba bệnh, sắp qua đời, ông nhắn tui về ngồi bên giường, cầm tay rồi rơm rớm nước mắt. “Nghĩ lại ba chẳng lo cho con điều gì, sao con biết tùm lum, làm tà la vậy?”. Lúc ấy tui chẳng biết trả lời sao, vì cuộc mưu sinh mà phải biết, chứ có chọn lựa gì đâu. Sau này nghĩ lại, dù tui không gần gũi với ba, không giống cả tính cách lẫn tâm hồn, nhưng cái chân ưa đi thì quá giống.
* Ông đã viết nhiều bài về mẹ, có phải vì ông thương mẹ hơn?
- Cũng không hẳn, vì từ nhỏ tui đã đi lung tung, cuộc đời gánh hát chẳng có gì để gắn bó lâu dài, trừ cái nghiệp dĩ phải mang trên lưng. Những năm tháng sống gần gũi, mẹ cũng chẳng có thời giờ lo cho tui, vì bà còn phải phụ ba chuyển đồ đạc, ổn định chỗ ăn chỗ ngủ khi qua vùng đất mới.
Nhà tui có 6 anh chị em, sống đời lang bạt thiếu thốn, đói kém liên miên, nên buồn nhiều hơn vui. Vậy mà nghĩ lại, trong nghề nghiệp, tui ảnh hưởng mẹ nhiều hơn, nhờ tính nhẫn nại của mẹ mà tui biết chữ, tập được cả ngàn trò ảo thuật, tránh được các tệ nạn, rồi viết văn nữa.
Tôi viết văn khó khăn lắm, có ý thì thiếu chữ, rồi có chữ thì khó diễn đạt trọn vẹn.
* Ông quan niệm thế nào về chữ hiếu và sự báo hiếu?
- Câu hỏi này với tui khó quá, vì khi ba mẹ còn sống, thật lòng là tui chưa bao giờ nghĩ đến. Ba tui sống rất phiêu bồng, lúc nhiều tiền cũng sống như lúc nghèo túng, không than van, không muốn thành gánh nặng của con cái. Mẹ cũng vậy, nghèo khó nhưng biết vun vén và tự lập, tui chẳng biết báo hiếu là gì. Nhà tui cứ sống tự nhiên như cây cỏ vậy, khi đủ tự lập thì con cái ra riêng, khi gần thì ngồi lại với nhau, chẳng đặt ra một lề lối ứng xử nào.
Đã vài lần tui nghĩ đến chuyện tự tử, không phải vì bế tắc, mà vì nghĩ rằng mình đã hết sức sống, không muốn thành gánh nặng cho xã hội. Nhưng rồi tui lại nghĩ đến tấm thân mà ba mẹ đã cho mượn, nếu tự tử thì không đúng cho lắm. Giờ nói đến chữ hiếu và báo hiếu, tui chỉ nghĩ giản dị là mình cứ sống trọn vẹn, có đam mê càng tốt, không hại người hại mình, như vậy đã là được rồi. Khi bước qua tuổi 70, đôi lúc tui nhớ ba mẹ như con nít, nếu tự tử trước đây, tui đã không biết được điều diệu kỳ này.
Có cha có mẹ trong đời Vào lúc 9h ngày 9/9 tại Đường sách TP.HCM sẽ có buổi giao lưu nhiều tác giả về hai cuốn sách Có mẹ trong đời và Có cha trong đời. Thông điệp của bộ sách là dù cuộc sống đổi thay ra sao, các hệ giá trị có đảo lộn thế nào, thì ngọn lửa thiêng từ truyền thống đạo hiếu vẫn đang được giữ gìn, tỏa sáng. Nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can cũng sẽ tham gia buổi giao lưu này. |
Đồng tiền xu của mẹ nuôi tôi khôn lớn Trong tạp bút Con heo đất, Mạc Can viết: “… Ngày nay, tôi đã trông thấy nhiều bếp lò quá đẹp. Những ông Táo trẻ trung khác. Ông Táo “gaz”, ông Táo “viba”, ông Táo “điện”... tiện nghi và tinh tươm. Song tôi vẫn nhớ về ông Táo “gánh hát”, cùng kham khổ với tôi trong thời thơ ấu cơ cực, trôi sông lạc chợ. Chính là cái bếp chỉ có ba cục gạch, ám khói đen thùi lùi, mà mẹ luôn ẵm theo triền miên khói lửa, từ “nhà” này sang “nhà” khác. Cùng với mẹ và cái bếp lửa hẻo hài hước này, tôi không quên cái bụng õng của con heo đất, có tiền xu của mẹ, đã nuôi tôi khôn lớn thành người”. |
Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất